Giá trị của tiền bạc

Thứ bảy - 12/10/2024 03:26  570

CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bài Ðọc I: Kn 7,7-11; Bài Ðọc II: Dt 4,12-13; Phúc Âm: Mc 10,17-30
 
chadang28Thế giới hôm nay đang trong “vòng xoáy kim tiền”. Đồng tiền không chỉ “đi liền khúc ruột” và “lớn tiếng” (Money talks!) mà còn được tôn phong thành một sức mạnh vạn năng: “Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền!”. Điều đáng nói ở đây, là đồng tiền trở thành “thước đo” để đánh giá mọi vấn đề cuộc sống: thành công/thất bại, vĩ đại/mọn hèn, đáng khen/đáng chê, tốt đẹp/xấu xa… ; đồng tiền thậm chí còn trở nên thần tượng để sùng bái, như John Henri Newman đã nhận định: “Ngày nay, giàu sang là vị thần vĩ đại; nhiều người, hàng lớp người tự nguyện sùng bái vị thần này. Họ đo lường hạnh phúc bằng tài sản; họ đo lường cả sự đáng kính cũng bằng tài sản… theo đó thì có tiền thì mọi sự đều có thể. Vì vậy giàu sang là một trong những ngẫu tượng của thời đại ngày nay…”[1].

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta đánh giá lại giá trị đích thực của tiền của. Chúng có thể là một đầy tớ tốt nhưng lại là một ông chủ xấu. Nếu ta tôn thờ tiền của, chúng ta sẽ bị lòng tham sai khiến, các mối tương quan của chúng ta sẽ bị hư hoại vì bị “thương mại hóa”. Trái lại, nếu chúng ta tìm kiếm và sử dụng của cải đúng đắn, chúng sẽ là phương tiện tốt để ta phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em mình.

Hãy bán những gì anh có

Người thanh niên trong Tin Mừng là một người rất thiện chí, muốn tìm lẽ phải, lẽ sống và cầu tiến trên đường nhân đức. Anh nhận thấy tiền dư bạc thừa không làm thỏa mãn ước vọng sâu xa trong tâm hồn. Anh nhận thấy việc giữ các điều răn từ thuở nhỏ cũng không lấp đầy khát vọng vô biên nơi mình. Anh muốn vươn cao và bay xa hơn. Thái độ của anh thật tuyệt vời: “chạy đến”, “quỳ xuống” và cầu xin. Nhưng, tiếc thay, anh đã không qua được “ải mỹ kim” để có thể nhảy vọt trên đường theo Chúa. Tin Mừng ghi lại, khi Chúa Giêsu mời gọi anh bán hết của cải cho người nghèo, “anh ta đã sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”!

Tiền của rõ ràng đã trở thành vật cản trên đường trọn lành. Vì sao? Thưa vì tiền bạc đã trở thành đối tượng lấp đầy lòng trí và cuộc sống của con người. Người giàu khó vào Nước Trời, không phải vì tiền của xấu, sự giàu có là xấu, nhưng sự giàu sang thường liên quan đến ba nguy cơ phổ biến này: một là làm giàu cách bất chính, hai là hưởng thụ cách ích kỷ và ba là tâm trí mụ mị vì tiền của vật chất.

Đem cho người nghèo

Chúa Giêsu đã đưa ra một giải pháp cho việc sử dụng tiền của vật chất cách đúng đắn: đem cho người nghèo. Nói khác đi, tiền của phải là phương tiện để thể hiện lòng bác ái yêu thương. Tiền của là quà tặng, là hồng ân, là món quà cần phải được chia sẻ cách quảng đại và vô vị lợi. Lòng bác ái chân thật sẽ giúp chúng ta được giải thoát khỏi lòng tham vô đáy và biết mở lòng ra với nhu cầu bất tận của tha nhân. Chúa Giêsu xác định địa chỉ rõ ràng là “người nghèo”, những người đang cần sự trợ giúp để có thể sống và sống xứng đáng với nhân phẩm của mình. Qua đó, Chúa Giêsu hướng chúng ta tới một sự giàu có đích thực và lớn lao hơn: giàu lòng nhân ái, giàu tình thương, giàu ân nghĩa cùng Chúa.

Giáo hội luôn chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt dành cho người nghèo. Giáo hội không chỉ tiên phong trong việc trợ giúp người nghèo mà còn có những đường hướng mục vụ nhằm thăng tiến người nghèo, nhất là trong lãnh vực giáo dục và y tế. Bên cạnh mỗi nhà thờ, chúng ta thường thấy có nhà trường và nhà thương (bệnh viện) đi kèm. Đó là bộ ba rất đẹp cho thấy Tin Mừng không chỉ bó gọn trong nhà thờ, nhưng còn lan tỏa trong cuộc sống, nhất là những người nghèo của thời đại: nghèo văn hóa, nghèo nhân phẩm, nghèo tình thương…

Sự sống đời đời

Mục đích sống xác định ý nghĩa sống. Ta sống ở đời này để làm gì? Giáo lý của Hội Thánh dạy rằng: “Ta sống ở đời này để nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, để làm việc lành theo ý Thiên Chúa, và để một ngày nào đó sẽ đạt tới quê Trời”[2]. Một khi xác định được mục tiêu cuộc đời, chúng ta sẽ biết đâu là cứu cánh và đâu là phương tiện. Tiền của chỉ có giá trị như là phương tiện, để chúng ta đạt được những mục đích cao hơn. Nếu coi tiền của có giá trị tự nó hoặc có giá trị tuyệt đối như là mục đích, chúng ta sẽ lạc xa chính lộ dẫn về cùng đích đời người.

Sự khôn ngoan đích thực là tìm về đích điểm chân thật của đời người. Đây là điều quý hơn vàng bạc châu báu như chúng ta được nghe trong bài đọc I: “Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không… vàng trên cả thế giới so với Đức Khôn Ngoan cũng chỉ là cát bụi” (Kn 7,8-9). Chúa Giêsu, Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, đã dạy người thanh niên và mỗi người chúng ta sự khôn ngoan đích thực là thực thi các điều răn của Chúa và thực hành bác ái để được sự sống vĩnh cửu đời sau.

*****

Tóm lại, phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta thiết lập mối tương quan đúng đắn với tiền của. Tiền của có giá trị phương tiện, nên cần làm ra của cải cách lương thiện và sử dụng của cải cách quảng đại, nhất là trong sự liên đới yêu thương với những người nghèo khổ. Đừng ảo tưởng về sức mạnh của đồng tiền để rồi tìm kiếm tiền nong như con thiêu thân và rồi lại sử dụng tiền của một cách hoang phí hoặc hà tiện. Đừng quên rằng:

“Có tiền, ta có thể mua được một ngôi nhà nhưng không mua được một tổ ấm.
Có tiền, ta có thể mua được đồng hồ nhưng không mua được thời gian.
Có tiền, ta có thể mua được một chiếc giường nhưng không mua được giấc ngủ.
Có tiền, ta có thể mua được một cuốn sách nhưng không mua được kiến thức.
Có tiền, ta có thể đến khám bác sĩ nhưng không mua được sức khỏe tốt.
Có tiền, ta có thể mua được địa vị nhưng không mua được sự nể trọng.
Có tiền, ta có thể mua được máu nhưng không mua được cuộc sống.
Có tiền, ta có thể mua được thể xác nhưng không mua được tình yêu”. (Sưu tầm)

Trong thực tế, tiền bạc là thứ thuốc mê rất hay làm mê mẩn lòng người, rồi với bản tính nhân dục vô nhai, con người chạy theo lòng tham không đáy của mình mà bưng tai bịt mắt trước sự răn dạy của Lời Chúa. Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa mở lòng mở trí chúng ta am hiểu Lời Chúa dạy hôm nay mà gắn bó với Chúa và bước đi trên đường lối Ngài.
 

[1] GIOAN HENRI NEWMAN, Discourses addressed to Mixed Congregations, 5 [Saintliness the Standard of Christian Principle] (Westminster 1966) 89-91, trích theo GLHTCG số 1723.
[2] YouCat 1.
 

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập431
  • Máy chủ tìm kiếm87
  • Khách viếng thăm344
  • Hôm nay40,330
  • Tháng hiện tại900,691
  • Tổng lượt truy cập78,904,142
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây