Tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô

Thứ bảy - 19/10/2024 05:02  464

Chúa Nhật 29 TN B - CN Truyền Giáo

Is 53,10-11 ; Hr 4,14-16 ; Mc 10,35-45

19546980146 3c8616f2e4 bHôm nay, lần thứ ba, Chúa Giêsu loan báo cuộc tử nạn của Ngài. Lần này, các môn đệ cũng tỏ ra kinh hoàng, sợ hãi. Phản ứng của nhóm môn đệ còn quá loài người, chúng ta nhìn lại:

- Lần thứ nhất: thánh Phêrô đã đứng ra cản trở vì cho đó là việc không hợp với Đấng Cứu Thế.
- Lần thứ hai: các môn đệ chẳng những không tha thiết đến lời Ngài, mà còn tranh luận với nhau về quyền lợi, danh dự.
 - Lần thứ ba: anh em Giacôbê và Gioan đã xin được ngồi hai bên tả hữu khi Chúa được vinh quang.

Tâm thức của Giacôbê và Gioan cũng như của các tông đồ vẫn mang nặng hoài bão ngày Chúa phục hưng nước Israel, nhưng đối với Chúa Giêsu, tranh giành địa vị và tìm chỗ đứng trong xã hội là hành động của các lãnh tụ trần gian; đó không phải là thái độ của người môn đệ Chúa bởi vì: Ai muốn làm lớn thì phải làm người phục vụ; ai muốn làm đầu, thì phải làm đầy tớ mọi người (c43).

Mệnh lệnh của Chúa xem ra vượt khả năng tự nhiên, vì đi ngược với ước vọng và đường lối thông thường của con người. Nhưng theo chương trình cứu chuộc, thì đó là con đường chúng ta phải tiến bước để cộng tác với Chúa trong sự nghiệp cứu thế. Vì là một công cuộc khó khăn cho nên chính Chúa đã làm gương mẫu: “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Sau này, khi được Chúa Thánh Thần biến đổi, các tông đồ mới thấm nhuần bài học của Chúa và sẵn sàng hy sinh, ngay cả mạng sống mình, để làm chứng cho Chúa.

Ngày nay, người ta tranh luận nhiều về quyền bính và tự do. Một chân lý nền tảng cho cuộc tranh luận này là: trong mọi xã hội, loài người đều phải có người nắm quyền bính, tức là một người có quyền và có bổn phận ra lệnh, một người có quyết định tối hậu. Bạn không thể có một đội banh không huấn luyện viên, một chiếc tàu không có thuyền trưởng, một quân đội không có tướng, một bộ lạc không tù trưởng, một xí nghiệp không giám đốc. Mỗi tập thể loài người đều phải có “Ông bầu” hoặc chỉ định hoặc bầu lên. Chúa Giêsu biết điều đó, Người chỉ than phiền người lạm quyền, lạm dụng quyền bính, ích kỷ, bất công, có khi còn tàn bạo nữa. Trong Nước Chúa, người lãnh đạo phải là đầy tớ của mọi người.

Tuy nhiên, khi nói đến vấn đề quyền bính và tự do thì người lãnh đạo phải có trách nhiệm dự tính và hành động vì lợi ích của tập thể. Mọi người phải hành động theo quyết định của người có trách nhiệm với đoàn thể. Đây cũng là đường lối trong đơn vị xã hội nhỏ bé nhất và quan trọng nhất là gia đình. Nhiều gia đình bàn luận về mọi vấn đề và quyết định như một tập thể. Rất nhiều gia đình không có ai chịu trách nhiệm tối hậu. Đó cũng là tình trạng của nhiều tổ chức như trường học và xứ đạo. Do đó chúng ta thường thấy: đáng lý những người phải vâng lời thì lại ra lệnh cho người có trách nhiệm.

Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau: một chiếc đồng hồ đeo tay, một hôm đi dạo ở cổng trước một nhà thờ. Nó nhìn lên tháp nhà thờ thấy một chiếc đồng hồ rất lớn nên thấy ghét. Nó nói: Anh tưởng là anh ngon lắm hả. Thực ra cái mặt anh to quá khổ chẳng đẹp chút nào, hai cánh tay thì dài thườn thượt coi chẳng đẹp gì cả. Giọng nói thì khàn khàn. Chiếc đồng hồ lớn mỉm cười và nói "Hãy lên đây". Chiếc đồng hồ nhỏ leo lên. Khi đứng bên chiếc đồng hồ lớn nhìn xuống thì nó mới hoảng sợ, thì ra ở trên cao này nguy hiểm quá, té xuống tan xác như chơi. Rồi lúc nào cũng bị bao nhiêu cặp mắt nhìn lên, lại còn cô đơn nữa. Khi đó chiếc đồng hồ lớn nói với nó: "Ở dưới có người muốn biết giờ kìa. Em đưa mặt ra cho họ xem đi". Chiếc đồng hồ nhỏ đáp: "Không được, từ đây xuống dưới xa quá mà mặt em quá nhỏ ở dưới xem không thấy đâu". "Vậy thì em nói giờ cho họ nghe đi". "Cũng không được, vì tiếng em nhỏ quá". Khi đó chiếc đồng hồ lớn mới ôn tồn giải thích: "Đó em thấy chưa. Em không thể làm việc của anh. Mỗi người chúng ta ai làm việc nấy, cốt yếu là phục vụ mọi người. Từ nay về sau em hãy biết mình và đừng chỉ trích nhau nữa nhé". Câu chuyện rất ý nhị: mỗi người có một nhiệm vụ để phục vụ người khác. Người ở địa vị cao thì phải phục vụ lo lắng nhiều hơn, và ở địa vị cao thì càng gặp khó khăn nhiều hơn.

Hôm nay là Chúa Nhật cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, được gọi là Khánh nhật Truyền giáo. Đây là dịp thuận lợi để chúng ta nhìn lại, xác tín và ý thức hơn bổn phận truyền giáo của mỗi người chúng ta. Mỗi người có bổn phận truyền giáo bằng đời sống của mình. Chúng ta phải sống đạo, sống Lời Chúa thế nào để mọi người chung quanh có thể đọc được Tin Mừng của Chúa và thấy Chúa qua chính con người chúng ta, qua đời sống chúng ta. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập364
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm325
  • Hôm nay21,362
  • Tháng hiện tại998,749
  • Tổng lượt truy cập79,002,200
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây