Dấu hiệu của lời hứa cứu độ
Chủ nhật - 27/10/2024 03:26
445
Trong Kinh Thánh là người què và mù được khỏi là dấu hiệu của ơn cứu độ. Đây chính xác là những gì Giê-rê-mi-a hứa khi tuyên bố rằng dân Ít-ra-en, một khi đã vượt qua thử thách lưu đày, sẽ được giải thoát và cứu độ. Những lợi ích mà người mù và què sẽ nhận được như những tấm gương phản chiếu tình trạng giải thoát và cũng là giải phóng chung mà dân Ít-ra-en sẽ đạt được một khi họ ăn năn trở về với Chúa. Một lời hứa về niềm vui và sự an ủi trong tương lai. Đây là một dấu ấn đặc trưng cho công trình yêu thương mà Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân Người. Lòng thương xót biến thành một cơ hội của niềm vui của dân riêng.
Đoạn Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su với một người mù tên là Ba-ti-mê ở Giê-ri-cô. Giê-ri-cô là thành phố cổ nhất, thấp nhất thế giới với độ sâu 250m dưới mặt nước biển. Thành phố tiếp giáp Giê-ru-sa-lem và cách Giê-ru-sa-lem 35 dặm. Đối với khách hành hương dự lễ Vượt qua, đây là điểm dừng cuối cùng. Đó cũng là chặng đường cuối cùng Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết. Người mù biết Đức Giê-su đang ra khỏi thành Giê-ri-cô, liền kêu lớn tiếng: ''Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vit, xin dủ lòng thương tôi'' (Mc 10,47b). Người ta ngạc nhiên, người mù, không những gọi đúng tên Chúa, mà gọi đúng luôn cả tước hiệu của Đức Giê-su. Anh đã công khai tuyên xưng danh Chúa trước mặt đám đông, trong đó có những người Biệt phái, Kinh sư và các chức trách It-ra-en.
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và anh mù thành Giê-ri-cô được mô tả rất sinh động và ngoạn mục. Mọi người đang lũ lượt kéo nhau đi trong khi anh ngồi mà lại ngồi một mình bên vệ đường. Tư thế này diễn tả cảnh ngộ của anh, anh hoàn toàn bị gạt ra ngoài cuộc sống, bị khai trừ khỏi cộng đoàn đang nhộn nhịp lên đường lên Giê-ru-sa-lem để mừng lễ Vượt Qua. Tuy nhiên, anh không cam chịu số phận bị khai trừ của mình. Anh lắng nghe dư luận quần chúng, nhờ đó biết rằng Đức Giê-su đang đi qua đây; vì thế, lòng anh tràn đầy hy vọng. Chắc chắn anh đã nghe nói về việc ông Giê-su Na-da-rét nầy đã mở mắt cho nhiều người mù. Vì thế, anh kêu to và bạo dạn gọi Đức Giê-su là “Con vua Đa-vít”, tước hiệu của Đấng Mê-si-a mà dân chúng từ lâu mong đợi (2 Sm 7,1-17). Nhiều người quát nạt bảo anh im đi. Đám đông trở nên chướng ngại ngăn cản anh đến với Đức Giê-su. Nhưng mặc kệ, không chịu thua cuộc, anh mù lại càng kêu gào hơn nữa át cả những lời quát tháo ngăm đe của đám đông để làm thế nào lời kêu cứu của anh đến được với Đức Giê-su.
Anh Ba-ti-mê mù lòa, nghèo khổ, gặp được hạnh phúc thật nhờ Chúa Giê-su. Anh thiếu hai điều: cái nhìn thể lý và khả năng tìm kiếm công ăn việc làm để kiếm sống, nên buộc anh phải đi ăn xin. Anh cần sự giúp đỡ và anh ngồi bên vệ đường lối vào thành Giê-ri-cô, nơi có nhiều người qua lại. Chắc chắn anh mù đã từng nghe nói về Chúa Giê-su, là Đấng đã làm nhiều phép lạ, Đấng ấy đang đến gần anh ta, chớp thời cơ, anh kêu lên: “Hỡi Con vua Đa-vít, xin thương xót tôi!” (Mc 10,47). Đối với những người đang đi theo Chúa thì tiếng kêu của anh mù thật khó chịu. Nhưng lời kêu xin lớn tiếng của anh chứng tỏ anh khao khát gặp Chúa lắm. Lời ấy vang tới tai và động đến tâm hồn Chúa Giê-su. Người muốn đáp ứng lời van xin của anh mù ăn mày này, nên truyền gọi anh đến đến và chữa lành anh ta.
Lập tức anh mù được đối diện với Con vua Đa-vít. Giây phút quyết định là sự khát khao gặp gỡ cá nhân, trực tiếp, giữa Chúa với người đang đau khổ. Hai người đối diện nhau: Thiên Chúa với ý muốn chữa lành và con người với ước ao được chữa lành. Hai sự tự do và hai ý chí đều hướng về một điểm. Cuộc đối thoại bắt đầu kẻ hỏi người thưa, “Chúa Giê-su nói với anh: “Anh muốn Ta làm gì cho anh? “Người mù đáp: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy” Chúa ra lệnh: “Con hãy đi! Ðức Tin của con đã cứu chữa con!” (Mc 10,51). Lập tức Chúa Giê-su cho anh thấy, anh hết sức vui mừng và đi theo Chúa.
Ba-ti-mê là người mù khốn khổ, thấp hèn nhưng lại nêu gương về một niềm tin mãnh liệt. Niềm tin đó giúp anh có những bước nhẩy vĩ đại. Khi nghe người ta nói về Chúa, anh đã tin và lớn tiếng kêu xin; khi nghe Chúa gọi, anh quăng luôn áo choàng đã từng bảo vệ sức khoẻ cho anh chống lại thời tiết; anh muốn loại bỏ con người thấp hèn của mình; rồi khi được chữa lành, anh từ bỏ mọi sự để đi theo Đức Giê-su. Qua Đức Tin, người mù được gặp Chúa. Anh mù đã cầu xin thật lớn và anh được chữa khỏi bệnh mù. Trước những nỗi đau của cuộc sống, những bất lực vô phương cứu chữa, con người chỉ biết cậy trông vào Thiên Chúa. Khi cầu nguyện, con người được tiếp thêm sức mạnh và chắp thêm cánh lên với Chúa; khi cầu nguyện con người được hợp nhất với Chúa. Cầu nguyện có một sức mạnh tuyệt vời, vì Thiên Chúa là Đấng đầy tình thương và quyền phép vô biên, sẵn sàng đáp trả những lời van xin của con người.
Thế giới hôm nay đang bị xâu xé vì xung đột. Những chiến dịch quân sự ngày một leo thang đến nỗi nhiều người tiên đoán một cuộc chiến tranh bằng vũ khí nguyên tử, hoặc chiến tranh thế giới lần thứ ba. Nhân loại đã kinh nghiệm đau thương vì những cuộc chiến tranh trong quá khứ, hiện nay lại bị lôi kéo vào những tranh chấp cam go khốc liệt, khiến máu chảy đầu rơi và cướp đi mạng sống nhiều dân lành. Làm sao chúng ta có thể nói về hy vọng trong một thế giới đầy bất ổn này?
“Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được!”. Đó là lời van xin của người mù ở cổng thành Giê-ri-cô. Đó cũng là lời cầu nguyện của mỗi chúng ta. Hãy xin Chúa mở mắt tâm hồn để chúng ta thấy những nhu cầu của công ích, của những người bị bỏ rơi, người nghèo khổ và những người đang bị dồn vào ngõ cụt của cuộc đời. Xin Chúa cũng mở mắt khai trí để chúng ta biết mình là ai trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta hãy cầu nguyện với thánh Phan-xi-cô Át-si-di: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa!”. Khi thiện chí sống theo giáo huấn của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ trở nên khí cụ bình an và là người thắp lên niềm hy vọng trong cuộc đời.
Việc chữa lành anh mù thành Giê-ri-cô được cả ba sách Tin Mừng nhất lãm thuật lại (tại Mát-thêu, có đến hai người mù được chữa lành). Câu chuyện nầy có một tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì nó đóng chức năng như bản lề giữa lời loan báo thứ ba về cuộc Thương Khó và cuộc khải hoàn của Đức Giê-su vào thành thánh Giê-ru-sa-lem. Chúa Giê-su rời thung lũng sông Gio-đan và trực chỉ tiến về thành thánh Giê-ru-sa-lem, băng qua thành Giê-ri-cô. Chính ở thành Giê-ri-cô nầy mà vào thời điểm lễ Vượt Qua những người hành hương từ khắp nơi quy tụ lại trước khi cùng nhau lên thành thánh Giê-ru-sa-lem, cách đó khoảng hai mươi sáu cây số. Đức Giê-su với các môn đệ của Ngài cùng với đám đông đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Vì thế, việc thánh ký ghi nhận “Đức Giê-su cùng với đám đông dân chúng ra khỏi thành Giê-ri-cô” phù hợp với khung cảnh của khách hành hương trước đại lễ Vượt Qua.
Ba-ti-mê, nghĩa đen là “Con trai của Timaeu”. Quả thế, Thánh Mát-thêu viết trong một câu chuyện tương tự (20, 29-34) đã biến hai người mù thành nhân vật chính của cuộc gặp gỡ này, trong khi thánh Mác-cô và Lu-ca nói về một người mù duy nhất đi ăn xin. Có thể Ba-ti-mê không đơn độc và nói thay cho hai người, như một số nhà chú giải cho biết, thực tế là người đàn ông khốn khổ này được xác định là con trai của – kiểu nói ngày nay là chủ quán bar – Ti-mê.
Như vậy, câu chuyện anh mù thành Giê-ri-cô là dịp làm chứng về một đức tin năng động và kiên vững tương phản với tâm trí u mê mù tối của các Tông Đồ trước ba lần loan báo cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Thầy. Câu chuyện nầy cũng đã đánh dấu việc vén mở bí mật Mê-si-a, chuẩn bị cho việc dân chúng hân hoan đón tiếp Ngài vào thành thánh Giê-ru-sa-lem. Một lần nữa, chúng ta thấy nghệ thuật kể chuyện bậc thầy của thánh Mác-cô. Trong bốn tác giả Tin Mừng, thánh Mác-cô là người kể chuyện với nhiều chi tiết sinh động nhất và phong phú nhất.
Xem thêm: https://www.tonggiaophanhanoi.org/viec-chua-lanh-bartime-chu-giai-tin-mung-chua-nhat-xxx-thuong-nien-b-hoc-vien-giao-hoang-pio-x-da-lat/
Khi được Đức Giê-su gọi, “anh mù liền vất áo choàng lại”. Trong Kinh Thánh, y phục không chỉ để che thân nhưng nhất là tượng trưng cho nhân cách người mặc nó. Khi “vất áo choàng”, anh vất thân phận bị khai trừ của mình. “Áo choàng” cũng là của cải duy nhất mà người nghèo có (Xh 22: 25-26); đối với anh hành khất mù này, áo choàng còn là phương tiện sinh sống, bởi vì người mù thường trải chiếc áo choàng ra trước mình để đón nhận của bố thí. Khi vất áo choàng, anh đã bỏ tất cả những gì anh có mà đến với Đức Giê-su. Đây đúng là lời đáp trả mà Đức Giê-su đã mong đợi nhưng không gặp thấy ở nơi chàng thanh niên giàu có. Anh “đứng phắt dậy mà đến gần Chúa Giê-su” trong khi mắt vẫn mù, thì đúng là thái độ của đức tin.