Khiêm tốn và quảng đại
Thứ sáu - 08/11/2024 19:50
174
CHÚA NHẬT 32 TN B
38 Khi ấy, trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói với đám đông dân chúng rằng : “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. 39 Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. 40 Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn”.
41 Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. 42 Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. 43 Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói : “Thầy bảo thật anh em : bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. 44 Quả vậy, mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó ; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân”.
Suy niệm
Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, trong thông điệp Deus caritas est (Thiên Chúa là tình yêu) năm 2005, đã liệt kê linh mục Giuseppe Benedetto Cottolengo (tu sĩ Phan-xi-cô người Ý, 1786-1842) vào danh sách các vị thánh của lòng bác ái. Thụ phong năm 1811, năm 1818 cha được làm kinh sĩ tại Vương cung Thánh đường Corpus Domini ở Turino, một vị trí béo bở. Cottolengo đã tặng mọi món quà, tiền quyên góp, phí giảng đạo và tiền lễ cho người nghèo. Vào thời điểm đó, Turino đang chịu áp lực của làn sóng nhập cư ồ ạt từ vùng nông thôn, gây ra các vấn đề xã hội nghiêm trọng và nghèo đói. Thành phố đầy rẫy nạn bần cùng và ăn xin, nạn mù chữ và dịch bệnh, nhiều ca sinh con ngoài giá thú và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao.
Bị tác động bởi cảnh tượng và tiếng khóc của những kẻ bị loại ra ngoài lề xã hội, cha Cottolengo đã bán đi mọi thứ mình sở hữu, bao gồm cả áo choàng, và thuê hai phòng làm chỗ trọ cho những người vô gia cư (1828). Không lâu sau, cơ sở này đã trở thành một trung tâm tiếp đón những ai không được chấp nhận vào bệnh viện. Khi dịch tả bùng phát vào năm 1831, trạm xá này lại bị chính quyền đóng cửa như một biện pháp phòng ngừa vì sợ lây lan. Sau đó, cha mua một ngôi nhà ở ngoại ô thành phố và chuyển đến đó cùng với hai nữ tu và một bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Đây là khởi đầu của "Ngôi nhà nhỏ của Chúa Quan phòng" phục vụ nhiều loại người khác nhau (tâm thần, mù lòa, già lão, trẻ mồ côi, sinh viên nghèo…), nhờ lòng hảo tâm của một số nhà từ thiện. Cha cũng thành lập nhiều tổ chức để làm việc bác ái, như Tiểu đệ Thánh Vinh-sơn Phao-lô, Tiểu muội Thánh Vinh-sơn Phao-lô. Nữ tử Ðấng Thương Xót, Nữ tử Ðấng Chiên Lành… Mỗi khi được ngợi ca vì bao sáng kiến từ thiện ấy, cha chỉ nói : “Mọi sự đều là công trình của Chúa tất cả !”
Thánh Giuseppe Benedetto Cottolengo đúng là một minh họa cho đức khiêm tốn và đức quảng đại mà chúng ta có thể suy niệm về từ đoạn Tin Mừng ngắn ngủi hôm nay.
1. Chúng ta có khiêm tốn đúng không?
Trước hết, Đức Giê-su tấn công các kinh sư, các “tiến sĩ Luật”, Người tố cáo thói hư vinh, hám của và giả hình của họ. Thật kinh khủng mà nghĩ rằng một thẩm quyền lớn lao trong các khoa học thánh không tất nhiên đem lại sự cao thượng tâm hồn. Nhưng xem ra tất cả cái này chẳng mấy liên hệ tới ta. Biếm họa về thói hư vinh có lẽ đã khiến ta nghĩ đến ai đó kiêu căng hợm hĩnh mà ta biết rõ để rồi mỉm cười. Ta chẳng vượt lên trên những thói kiếm tìm uy thế thảm hại đó sao? Tuy nhiên, khi thấy Đức Giê-su chê ghét những kẻ tự phụ đến độ ấy, ta hãy để dâng lên trong mình một lời báo động: “Phải chăng tôi hoàn toàn sạch mọi thói hư vinh?”
Tại sao Đức Giê-su lại khắt khe đối với tật xấu này, vốn nực cười hơn là ác hiểm? Toàn bộ Tin Mừng trả lời chúng ta : Đức Giê-su là chân lý, mà thói hư vinh lại lôi chúng ta đến chỗ giả tạo. “Một ngày kia tôi tự hỏi, thánh nữ Tê-rê-xa A-vi-la kể lại, tại sao Chúa lại yêu đức khiêm nhường đến thế? Tôi nhớ lại rằng chính vì Thiên Chúa là sự thật cao vời và khiêm tốn chẳng là gì khác ngoài việc bước đi trong sự thật.”
Như thế, khiêm tốn chắc chắn là điều tốt đẹp. Thế nhưng có những người vẫn không thích nó. Đúng ra họ chẳng nên thích lòng khiêm tốn giả hiệu, là một cái gì xấu xa. Có lẽ chính vì cái hỏng kiểu này mà thời đại thẳng thắn cách tàn nhẫn của chúng ta chê ghét đức khiêm tốn. Nó trách đức khiêm tốn có những thái độ gàn dở và một giọng điệu giả hình. Ai chẳng khó chịu trước những lối nói “theo thiển ý” chẳng khiêm tốn tí nào cả?
Vậy phải phản ứng ra sao khi Đức Giê-su khẳng định với chúng ta rằng khiêm tốn đúng là dấu hiệu chân thực của Người: “Tôi có lòng hiền hậu và khiêm tốn” (Mt 11,29). Người mời chúng ta đạt đến đức khiêm tốn chắc chắn rất thuần khiết và rất xinh đẹp nào đây?
Đạt đến đức khiêm tốn dâng lên từ đáy sâu thẳm nhất của chúng ta, vốn là chính chúng ta, chứ chẳng phải đạt đến lòng khiêm tốn “dỏm” mà nếu “trau dồi là trau dồi thói đạo đức giả” (Gandhi). Khi dạy ta coi chừng thói hư vinh, Đức Giê-su cũng bảo ta đề phòng thói giả nhân giả nghĩa. Không được làm ra vẻ khiêm tốn, song là nên khiêm tốn thật.
Ta chỉ đạt đến điều này bằng cách đặt mình trước sự vô biên của Thiên Chúa. Chính trong kinh Vinh Danh mà ta tìm thấy tiếng kêu đẹp nhất của lòng khiêm tốn: “Chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa, chúng con hạnh phúc vì Chúa vĩ đại nhường bao”.
Trước Hy-mã-lạp-sơn này, các dị biệt hơn kém giữa chúng ta thật ra chẳng là gì, và khi ý thức điều này, ta được một niềm vui quý giá, dám nói là khá hiếm hoi : niềm vui thấy người khác có những đức tính và những thành tựu. Trong thói khao khát hư danh, có biết bao buồn bã và bao giả dối. Vào chính lúc tôi tuyên bố mình không đố kỵ ghen ghét, khuôn mặt và cung giọng của tôi nói lên điều trái ngược. Việc tập tành đức khiêm tốn là một trường dạy sự thật rất cam go.
Trên con đường sự thật này nổi lên một vật cản lạ lùng. Một vài trào lưu tu đức khiến chúng ta nói theo kiểu như sau : “Tôi chỉ là hư vô”, trong khi Thánh vịnh 8, ví dụ vậy, dám khẳng định: “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên.” Điều này khiến chúng ta lúng túng. Sự thật con người của chúng ta ở chỗ nào, trong việc hư vô hóa hay trong việc quá tán dương?
Vẫn biết rằng chúng ta nhỏ bé, như Đức Giê-su bảo, nhưng chúng ta lại được mến yêu vô cùng! “Lạy Cha, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải những điều này cho những người bé mọn” (Mt 11,25).
Tình yêu ấy mời gọi chúng ta tiến đến sự cao cả. Vài kiểu khiêm tốn của chúng ta (“tôi chẳng đáng… tôi không có khả năng…”) thật ra chỉ là do kiêu ngạo: sợ thất bại, sợ bị phê bình. Nếu thế là có nguy cơ muốn sống tầm thường xoàng xĩnh. Đó chẳng phải là khiêm tốn! Đức Giê-su đề nghị với chúng ta điều khác hẳn, một sự pha trộn khá khó khăn giữa khiêm tốn và tham vọng: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” Có tham vọng nào hơn? Nhưng “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”. Đúng là đưa chúng ta về lại sự khiêm tốn của một tạo vật ! Như thế chúng ta phải bơi giữa tự phụ và chán nản, hai bộ mặt của thói kiêu căng.
2. Chúng ta có quảng đại đủ không?
Trong phần hai của bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su muốn lôi chúng ta đến một lãnh vực làm ta khiếp sợ : lãnh vực của đức quảng đại điên rồ. Xin nói rõ: “điên rồ”. Vì tất cả chúng ta đều có thực thi lòng quảng đại, nhưng cách thận trọng. Và đó là cái Đức Giê-su nhẩn nha nhìn khi ngồi đối diện với hòm cúng Đền thờ. Người nhận thấy “có lắm kẻ giàu bỏ thật nhiều tiền”, tuy nhiên Người vẫn tỏ ra lạnh nhạt.
Nhưng thình lình Người bị thu hút bởi một cái gì rất khác: của dâng của một bà góa nghèo. Và Người mạc khải cho các môn đệ, ít chú ý hơn vì họ không thể phá vỡ những bề ngoài như Người, rằng đó là một cử chỉ cuồng điên: “Thầy bảo thật anh em (Người dùng thành ngữ này khi bài học là quan trọng): bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.”
Bài toán kỳ lạ! Một bên, nhiều số tiền lớn, và bên kia chỉ hai đồng kẽm. Thế nhưng Đức Giê-su quả quyết : những đồng tiền này có giá trị hơn những quan tiền của mấy người kia.
Lúc đó xuất hiện hai từ ta chê ghét vì chúng gây cho ta mặc cảm phạm tội và làm cho ta bực bội khó chịu : dư thừa và túng thiếu. Ta muốn tin mình quảng đại khi cho, nhất là nếu cho nhiều, nhưng ta biết rõ rằng bao lâu cái đó chưa động đến cái cần thiết tối thiểu của ta, ta vẫn còn xa những điên rồ của Tin Mừng. “Nếu cái bạn cho người khác không là một mất mát đối với bạn, thì đó chẳng phải là một món quà” (Mẹ Tê-rê-xa Calcutta)
Được ân sủng tác động, đôi khi ta cũng cố gắng phân biệt nhiều ít cái ta thật sự cần thiết với cái ta, xét cho cùng, có thể hy sinh. Ta rốt cục muốn hơi điên một tí, và rất có thể cho bộ cánh này, đồ đạc này, số tiền này, mà sẽ chẳng vì đó tiêu tùng. Nhưng một sợi dây cáp to tổ bố đã giữ ta lại: “Lỡ ngày mai mình cần đến nó thì sao?” Ngọn lửa quảng đại đẹp đẽ vụt tắt.
Ngọn lửa này chỉ có thể cháy với đức tin thôi. Bà góa Đức Giê-su ca ngợi lâm vào một cảnh khó nghèo đáng sợ, nhưng bà lại giàu có một đức tin khiến bà muốn cười lên khi các đồng xu cuối cùng của bà biến mất. Chỉ đức tin mới trục xuất được nỗi sợ thiếu hụt, và đó không phải là điều dễ thực hiện! “Cha anh em, Đức Giê-su nói, biết rõ anh em cần gì. Vậy khi cầu nguyện, anh em hãy thưa như sau : xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.” Chúng ta có lẽ muốn thêm: “Và lương thực ngày mai nữa.” Ngày mai, tôi còn chỗ của mình chăng? Có lương hưu đầy đủ chăng? Cái gì sẽ rơi xuống trên đầu tôi: một tai nạn ghê gớm, một cơn bệnh hiểm nghèo? Các tư tưởng này chẳng phải là mảnh đất tốt để vun đắp lòng quảng đại.
Nhưng Đức Giê-su nhìn chúng ta: “Thầy bảo thật anh em : bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân.” Không thể không nghĩ tới chính Người là kẻ sắp cho tất cả. Bà góa nghèo là nhân vật cuối cùng mà Tin Mừng đặt trước mắt chúng ta trước khi xảy ra cuộc Khổ nạn. Chúng ta có nhận thấy rằng người đàn bà này là một trong những hình ảnh đẹp nhất của Đức Giê-su chăng ? Vứt bỏ mọi tính toán cái cần thiết của chúng ta, các nỗi sợ thiếu hụt của chúng ta, bà còn làm rạng sáng đức tin lẫn thái độ dâng hiến: “Lạy Chúa, con cho tất cả bởi lẽ con chẳng sợ gì.” Đó là lý do tại sao Đức Giê-su ngợi khen bà, kẻ với Người cùng một hạng.
Tìm ở đâu sức mạnh tiến đến những điên rồ như thế? Trong đức tin. Bỏ đi một đức tin lý thuyết và sợ hãi để nhảy vào trong những kinh nghiệm đức tin thực sự. Một câu nói có thể giúp chúng ta, câu nói của vị thánh từng từ khước nỗi sợ ngày mai cách quyết liệt nhất qua việc lập "Ngôi nhà nhỏ của Chúa Quan phòng" nói ở đầu bài : “Cha của ngày mai cũng là Cha của hôm nay”.
Nhưng đâu là Cha của chúng ta hôm nay: Thiên Chúa hay trương mục ngân hàng? Từ “ngân hàng” này khiến ta nhớ đến suy nghĩ khủng khiếp của thánh Vinh-sơn Phao-lô, vị tông đồ bác ái: “Hạnh phúc cho những người giàu là có những người nghèo, chỉ họ mới biết cho thôi”. Tai họa đích thực của của cải là thế: gây lo lắng và làm chật bụng. Được hỏi về lòng quảng đại, một Ki-tô hữu đã trả lời: “Tôi có một đồng lương rất thoải mái nhưng không thể làm khác được, tôi sợ phải trao tặng vì lo cho ngày mai”. Bao lâu đức tin chúng ta còn ve vãn các nỗi sợ của chúng ta, chúng ta vẫn sẽ ở trong những kiểu quảng đại rất ư là khôn ngoan, thận trọng. (Viết theo André Sève, Un rendez-vous d’amour).
Tác giả: Lm. Phan Văn Lợi