CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B
Đn 12,1-3; Hr 10,11-14.18; Mc 13,24-32
Nếu không kể Chúa Nhật tuần sau là lễ Chúa Kitô Vua, vốn được coi như đích điểm của Phụng vụ, thì tuần này là tuần cuối của năm Phụng Vụ, là cuối của thời gian Cứu độ được gói ghém trong một năm. Chính vì thế, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy những hình ảnh về ngày cuối cùng của thời gian để nhắc nhở chúng ta về ngày chót của vũ trụ và ngày sau hết của mình: “Lúc đó Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương trời về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời” (Mc 13,27).
Thật vậy, những hình ảnh và hiện tượng vũ trụ được mô tả trong Bài Tin Mừng hôm nay giống với giọng văn Khải Huyền. Khải Huyền là những điều huyền nhiệm, huyền bí được mặc khải cho nhân loại biết và người ta đã gọi cả Bài Tin Mừng hôm nay là: “Khải huyền Nhất lãm”. Mặt trời tối tăm, mặt trăng không chiếu sáng, các ngôi sao rơi xuống. Đó là những hiện tượng bất thường. Những hình ảnh này thường được dùng trong văn chương Khải huyền để nói về “ngày của Thiên Chúa: Ngày Con Người Quang lâm, ngày mà Đức Giêsu đến thế gian lần thứ hai trong vinh quang. Nhà thần học J.Schmid đã khẳng định rằng: “Đây là một trong những đoạn khó hiểu nhất của Tân Ước, vì thế nó là một trong những đoạn bị tranh luận nhiều nhất”.
Bằng những hình ảnh tượng trưng với thí dụ cụ thể, Chúa Giêsu đã nhắc nhở dân chúng năm xưa và chúng ta hôm nay phải nhớ tới ngày sau hết. Ngày đó chắc chắn sẽ xảy ra dù không ai biết trước khi nào, và ngày đó lại là ngày hội vui, tập họp những người được tuyển chọn bên Chúa Giêsu: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương trời về. Lúc đó Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương trời về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời” (Mc 13,26-27). Kiểu nói này được tiên báo từ Sách Đaniel: Con Người đến phán xét và lập lên một vương quốc trường cửu, điều này cũng được nói trong các sách khác (Ds 2,10; Đnl 30,4), ban đầu như một việc làm quy tụ các người còn sót lại trong Israel, sau để hiểu về số người thoát cảnh tang thương quy tụ thành một dân mới là Giáo Hội, và cuối cùng là những người được chọn vào Nước Thiên Đàng. Những người được tuyển chọn chính là những người đã trung thành với Thiên Chúa và họ sẽ được quy tụ để chung hưởng vinh quang với Ngài.
Như đã nói, thời gian của ngày Quang Lâm thì “không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả Người Con cũng không; chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13,32). Vậy mỗi người chúng ta sẽ phải làm gì đây? Thưa phải luôn tỉnh thức, chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng, bằng cách sống ngay lành, trong sạch, tránh xa tội lỗi, và nhất là gia tăng không ngừng lòng mến Chúa, yêu người. Có được như thế thì hạnh phúc vĩnh cửu ngày sau mới có thể đến được với chúng ta trong ngày Đức Giêsu Quang Lâm. Hãy sẵn sàng là một lời mời gọi chúng ta cần phải có trong suốt hành trình Đức Tin của mỗi Kitô hữu bởi vì thế giới ngày nay với nhiều diễn biến phức tạp, nhiều cơ hội nhưng cũng không thiếu những thách đố, cạm bẫy, cám dỗ bủa vây. Con người như ngủ mê trong những thú vui chóng qua, trong men say mặn nồng và những hạnh phúc tạm bợ mà quên đi việc tập luyện các nhân đức, sống theo Lời Chúa hầu được nằm trong danh sách “những kẻ được Người tuyển chọn”.
Ước mong mỗi người chúng ta luôn biết sẵn sàng và luôn sống trong tình trạng ân sủng của Đức Giêsu cũng như được Đức Giêsu thánh hoá. Vì “Đó sẽ là thời ngặt nghèo chưa từng thấy, từ khi có các dân cho đến bây giờ. Thời đó, dân ngươi sẽ thoát nạn, nghĩa là tất cả những ai được ghi tên trong cuốn sách của Thiên Chúa” (Đn 12,1). Vì chính Đức Giêsu “vĩnh viễn làm cho nững kẻ Người thánh hoá được nên hoàn hảo” (Hr 10,13). Đó chính là được tuyển chọn vào Vương Quốc Thánh Thiện hưởng hạnh phúc muôn đời. Amen.
Tác giả: Lm. Jos. Duy Trần