Định hướng yêu thương

Thứ bảy - 02/11/2024 10:59  509

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM B

Đnl 6,2-6; Hr 7,23-28; Mc 12,28-34
 
chadang31Có những lúc ngồi ngắm xe cộ qua lại, chúng ta thấy dòng người hối hả, mỗi người mỗi phương mỗi hướng và tự hỏi họ đang đi về đâu? Có lẽ không ai là đi lang thang vô định, họ có một địa chỉ để tới, một cái đích để về. Đích điểm ấy vừa là động lực thu hút họ, vừa là động cơ thúc đẩy họ tiến về đó.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay rất quan trọng vì mang đến cho chúng ta định hướng sống: định hướng theo tình yêu. Tình yêu phải là động lực thu hút chúng ta, động cơ thúc đẩy ta, là nguồn mạch và là đích điểm chúng ta vươn tới: Đức Ái trọn hảo, sự trọn lành của tình yêu.

Điều răn đứng đầu

Ông kinh sư đã hỏi Chúa một câu hỏi khó, đang gây tranh cãi vào thời ấy: “Trong mọi điều răn, điều nào đứng hàng đầu?”. Thời bấy giờ, luật Môsê được các Rabbi xếp thành 613 điều: 248 điều khuyên và 365 điều cấm. Họ cũng từng tranh cãi và không thống nhất được với nhau là trong số đó điều nào quan trọng nhất. Câu trả lời dễ nhất có thể đưa ra là Thập Điều, nghĩa là mười điều răn. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không chọn giải pháp đó, vì trong Thập Điều, có nhiều điều ở dạng cấm, như chớ giết người, chớ làm chứng dối, chớ trộm cắp… Những điều thiên về cấm đoán như vậy chọn làm định hướng sống sẽ làm cho cuộc sống ra như tiêu cực, bó khung, hạn chế.

Chúa Giêsu chọn một điều răn tích cực hơn để làm định hướng sống, làm điều răn đứng đầu: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” và “yêu người thân cận như chính mình”. Tình yêu là định hướng sống, mở rộng chân trời chúng ta tới vô biên, vì “giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn” (St. Augustinô). Định hướng này không chỉ mở tâm hồn và cuộc sống chúng ta ra tới vô biên vô tận mà cũng là điều thiết yếu nhất, vì “con người không thể sống thiếu tình yêu” (St. Gioan Phaolô II)[1], và “tình yêu mang đến chất liệu tinh tuyền cho mối liên hệ của cá nhân với Thiên Chúa và với người thân cận; tình yêu là nguyên lý không phải chỉ cho các mối liên hệ vi mô (với bạn bè, người thân, hay trong nhóm nhỏ) mà còn của các mối liên hệ mang tính vĩ mô (xã hội, kinh tế và chính trị)… Tình yêu là quà tặng lớn nhất mà Thiên Chúa ban cho loài người; tình yêu là lời hứa của Ngài và là niềm hy vọng của chúng ta” (ĐTC Bênêđíctô XVI)[2].

Yêu Chúa hết lòng

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào điều răn hàng đầu, trọng nhất, lớn nhất: yêu Chúa hết lòng. Ngài trích lời kinh Shema (Hãy nghe!), lời kinh mà người Do Thái tụng hằng ngày: “Nghe đây, hỡi Israel” (để kêu mời chú ý lắng nghe), “Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” (để nhắc lại niềm xác tín độc thần). Cách diễn tả “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” là một lời mời gọi yêu mến phụng thờ toàn tâm toàn ý toàn lực, nghĩa là với tất cả hiện hữu, với tất cả con người và cuộc sống của mình. Đây là một định hướng tích cực và năng động, vì định hướng chúng ta tới một chân trời nơi “cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc”.

Trong thực tế, đôi khi chúng ta còn yêu Chúa hời hợt hay nửa vời. Chúa có một chỗ đứng có khi còn khá mờ nhạt, thậm chí thứ yếu trong cuộc đời mình. Tệ hơn nữa, có lúc Chúa còn là phương thế để chúng ta yêu mình, ích kỷ hoặc vụ lợi. Điều này rất nguy hại, vì “khi cảm nghiệm về Thiên Chúa mất đi, thì nhận thức về con người, về phẩm giá và sự sống con người, cũng có khuynh hướng mất theo. Hậu quả tiếp theo là sự vi phạm có hệ thống mọi quy luật luân lý… dần dần làm lu mờ khả năng nhận biết sự hiện diện cứu rỗi và sống động của Thiên Chúa”[3]. Vì thế, chúng ta cần trả lại cho Thiên Chúa vị trí tối thượng của Ngài trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. “Chúng ta được giải thoát khỏi óc hạn hẹp và thói vị kỷ chỉ nhờ vào cuộc gỡ mới mẻ với Tình yêu của Thiên Chúa, được triển nở thành tình bạn sâu sắc và phong phú”[4].

Yêu người như ta

Thương người như thể thương thân là lời răn dạy của tiền nhân, rất sát với giáo huấn của Chúa. Điểm độc đáo của Chúa Giêsu là Ngài liên kết lòng mến Chúa với lòng yêu người như hai khía cạnh của một tình yêu duy nhất. Quả thực, một đàng con người cần diễn tả tình yêu dành cho Chúa cách cụ thể qua việc yêu thương con người là hình ảnh của Chúa, là hiện thân của Ngài; đàng khác, chính tình yêu của Chúa là nguồn mạch và động lực tốt đẹp nhất để một người có thể yêu tha nhân của mình cách trong sáng và quảng đại.

ĐTC Phanxicô đã từng viết trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng rằng: “Khi chúng ta vượt lên con người tầm thường của mình, và dám để cho Chúa nâng chúng ta lên trên những mối bận tâm về bản thân để hiểu được sự thật đầy đủ nhất về sự hiện hữu của mình, chính khi đó, chúng ta lại trở nên một con người trọn vẹn. Tại đây, chúng ta tìm thấy nguồn mạch và cảm hứng cho tất cả những nỗ lực Phúc Âm hóa của mình. Vì nếu chúng ta đã đón nhận tình yêu – một tình yêu khôi phục ý nghĩa cho đời mình, thì làm sao chúng ta lại không thể san sẻ tình yêu đó với người khác?”[5].

*****

Thế giới hôm nay đối diện với nhiều khủng hoảng, nhưng khủng hoảng lớn nhất có lẽ vẫn là khủng hoảng về tình yêu. Thiếu tình yêu nên con người “vẫn là một hữu thể không hiểu nổi chính mình”[6]! Thiếu tình yêu, các mối tương quan bị thoái hóa vì bị vật chất hóa, công cụ hóa hoặc thương mại hóa. Cuộc sống dần mất đi ý nghĩa như lời của một bài thơ:

Không có tình yêu,
Bổn phận khiến người ta dễ nóng giận
Không có tình yêu,
Trách nhiệm đẩy người ta tới chỗ bất nhã
Không có tình yêu,
Công bằng làm cho người ta đâm ra tàn nhẫn
Không có tình yêu,
Sự thật biến người ta thành kẻ ưa xoi mói
Không có tình yêu,
Sự khôn ngoan dẫn dắt bạn tới chỗ láu cá
Không có tình yêu,
Sự đon đả biến người ta thành kẻ giả dối
Không có tình yêu,
Sự am hiểu đẩy bạn trở thành kẻ cố chấp
Không có tình yêu,
Quyền lực khiến người ta trở thành kẻ áp bức
Không có tình yêu,
Danh tiếng làm bạn trở thành kẻ kiêu ngạo
Không có tình yêu,
Của cải làm con người ta trở nên tham lam
Không có tình yêu,
Lòng tin biến thành kẻ cuồng tín
Không có tình yêu,
Trên đời này bạn không là gì cả.

Xin Chúa đổ tràn Thánh Thần tình yêu của Ngài trên chúng ta, giúp chúng ta mỗi ngày một yêu mên Chúa hơn và yêu thương anh chị em mình một cách quảng đại hơn, nhờ đó, cuộc đời chúng ta luôn bước đi đúng định hướng Chúa muốn: định hướng yêu thương. Đó là định hướng dẫn tới sự toàn thiện: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).
 

[1] X. Thông điệp Redemptor Hominis (1979), số 10.
[2] Thông điệp Caritas in Veritate (2009), số 2.
[3] Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (1995), số 10.
[4] Phanxicô, Evangelii Gaudium (2013), số 8.
[5] Ibidem, số 8.
[6] X. Gioan Phaolô II, Redemptor Hominis, số 10.

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập236
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm225
  • Hôm nay34,763
  • Tháng hiện tại895,124
  • Tổng lượt truy cập78,898,575
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây