Chúa Nhật XXXII Thường niên năm B
1V 17,10-16; Hr 9,24-28; Mc 12,38-44
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta thấy cái nhìn của Đức Giêsu rất khác với cái nhìn của nhóm người Do Thái năm xưa và nhiều người hôm nay. Cái nhìn của Chúa Giêsu là cái nhìn yêu thương, cái nhìn tổng thể về con người ở cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Chính ánh mắt ấy vẫn dõi theo từng người, từ những kinh sư xúng xính trong bộ áo thụng, đến những người giàu có, đến bà goá nghèo và đến cả chúng ta. Đó chính là ánh mắt hiệp hành đầy nhân từ của Đấng giàu Lòng Xót Thương, cùng dõi theo để hiệp thông, hướng dẫn và biến đổi.
Khi ta cùng quỳ gối thinh lặng để xin Chúa cho chúng ta vượt qua vẻ bề ngoài để thông phần với Chúa thì lúc đó Đức tin sẽ bắt đầu. Thật ý nghĩa khi chúng ta biết hiệp thông với cái nhìn của Thiên Chúa để vượt qua những gì bên ngoài mà nhận ra sự thật bên trong. Cái nhìn của Chúa thì thấu suốt cả con người: Các kinh sư nhìn bên ngoài xem ra có vẻ đạo đức, quần áo xúng xính, nhưng: “Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ” (Mc 12,40). Còn những người dâng cúng thật nhiều tiền, nhưng: “mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ đem bỏ vào đó” (Mc 12,44a). Còn bà goá nghèo thì: “bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân” (Mc 12,44b).
Như thế, cái nhìn của Đức Giêsu là cái nhìn xé tan những gì giả hình bên ngoài và soi thấu tâm hồn con người. Cái nhìn của Chúa đã giúp họ nhận ra bản chất con người thật của mình và mặc khải cho chúng ta biết về điều Thiên Chúa muốn: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt12,7). Chính tấm lòng và thái độ dâng tiến đã quyết định giá trị của lễ dâng tiến. Người Việt Nam có câu: “Của cho không bằng cách cho”, với con người còn thế, huống chi đây lại là dâng tiến cho Thiên Chúa. Thiên Chúa vốn là Đấng Toàn Năng, Toàn Trí. Ngài có từ đời đời và có mọi sự, chẳng cần chi hết, nhưng điều Ngài muốn chính là tấm lòng của chúng ta. Ngài làm như thế là vì chúng ta và để sinh ơn cứu độ cho chúng ta. Kinh Tạ Ơn IV có đoạn: “Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con. Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con”.
Điều này nói cho chúng ta biết: tất cả những gì chúng ta có đều bởi ơn Chúa ban. Chúng ta vào đời với đôi bàn tay trắng, ra đi cũng trắng đôi tay. Nhiều người hiểu lầm: “Tôi là ân nhân của Quan Thầy, là ân nhân của Chúa”. Thực tế, Chúa đâu cần ân nhân và chẳng ai xứng là ân nhân của Chúa cả. Tất cả những gì chúng ta dâng tiến Chúa là thuộc về bổn phận và trách nhiệm của chúng ta. Đây cũng là tâm tình tạ ơn của những người được lãnh nhận những “nén bạc” Chúa giao, được giao nhiều thì phải sinh lời nhiều.
Hơn nữa, việc chúng ta “cho đi” hay “dâng tiến” không phải là sự mất mát nhưng lại được nhiều hơn vì Thiên Chúa không thua lòng quảng đại của chúng ta. Bài trích sách các Vua quyển thứ nhất đã cho chúng ta thấy cách tỏ tường về lòng quảng đại và lòng thương xót của Chúa. Khi mẹ con bà goá thành Xarépta còn nắm bột trong hũ và ít dầu trong vò chỉ đủ làm được một cái bánh cho bà và con bà ăn rồi chờ chết, nhưng khi được ông Êlia – người của Chúa yêu cầu làm bánh cho mình, “Bà ấy đi và làm như ông Êlia nói; thế là bà ấy cùng với ông Êlia và con bà có đủ ăn lâu ngày. Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn” (1V 17,15-16).
Vậy việc bà goá thành Giêrusalem dâng tiến hai đồng tiền kẽm lên Đền Thờ và bà goá thành Xarépta cho ông Êlia- người của Chúa chiếc bánh duy nhất: đó là tất cả những gì họ có, tất cả những gì để nuôi thân nói với chúng ta điều gì? Điều này cho chúng ta thấy tấm lòng chân thành của họ. Dâng tiến và cho đi như thế không khác gì dâng tiến và cho đi cả mạng sống của mình. Đây là sự dâng tiến và cho đi cao quý nhất, đáng trân trọng nhất. Quả thật, “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15,13). Chính Đức Giêsu đã dâng tiến mạng sống mình cho Chúa Cha và cho đi mạng sống của mình vì nhân loại. Đúng như Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Hip-ri đã nói: “Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình. Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét. Cũng vậy, Đức Kitô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người” (Hr 9,26-27). Như thế, cái nhìn của Đức Giêsu là cái nhìn của yêu thương, cái nhìn của hy tế, cái nhìn của sự hiến dâng hơn là vật chất tầm thường. “Cái nhìn yêu thương của Người giống như loài gỗ quí nhuốm cả hương thơm vào lưỡi búa đã đốn ngã nó” (Fulton Sheen). Giữa những thói giả hình lố bịch, giữa những phản bội chua chát, ánh mắt Người vẫn hiền lành khiêm nhường vượt lên trên thứ vật chất tầm thường. Ngài vẫn dõi theo, vẫn đợi chờ từng người ăn năn sám hối trở về đường ngay chính.
Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, Đấng đã hiến dâng cả mạng sống của mình để đền tội thay cho nhân loại, xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa. Nguyện mắt Chúa ngày và đêm đoái thương mỗi người chúng con. Amen.