CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM B – KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
Bài Ðọc I: Is 60,1-6; Bài Ðọc II: Cv 1,3-8; Phúc Âm: Mt 28,16-20 hoặc Mc 16,15-20
Sứ điệp cho Khánh Nhật Truyền Giáo năm nay mang chủ đề: “Hãy đi và mời mọi người đến dự tiệc” (x. Mt 22,9). Trong sứ điệp này, Vị Cha Chung của Hội thánh một lần nữa khuyến khích chúng ta hăng hái lên đường để mang Tin Mừng của Chúa đến cho anh chị em mình ở khắp mọi nẻo đường thế giới.
Đây là một sứ mệnh cấp thiết và khó khăn, cần đến ơn Chúa và sự đồng tâm hiệp lực của mọi người. Chính vì thế, chúng ta cùng suy niệm về sứ mệnh truyền giáo dựa trên Lời Chúa và trên sứ điệp truyền giáo 2024 này, để một lần nữa thắp lên trong lòng mọi người chúng ta lòng nhiệt thành truyền giáo.
Tiệc cưới nước trời
Bữa tiệc là biểu tượng của sự hiệp thông, no thỏa và niềm vui. Đón nhận đức tin, gia nhập Hội thánh là một sự hiệp thông lớn lao, vì được nhận biết và hiệp thông với Chúa, liên kết với hàng tỷ anh chị em trong Chúa, thuộc về đại gia đình của Thiên Chúa. Đó là sự no thỏa mọi khát vọng thâm sâu của con người khi được lấp đầy bởi ân sủng và tình thương của Chúa. Đó là niềm vui vì nhận biết mình được yêu thương vô cùng và được phủ đầy bởi hạnh phúc vô biên của Chúa, biết được ý nghĩa và cùng đích đời mình.
Tiệc ở đây lại là tiệc cưới, và hơn nữa, tiệc cưới của hoàng tử! Điều này càng nhân lên gấp bội ý nghĩa của hiệp thông, viên mãn và niềm vui. Bữa tiệc này “biểu thị bữa tiệc cánh chung… hình ảnh về sự cứu độ chung cuộc trong Nước Thiên Chúa, đã viên mãn ngay hôm nay qua việc giáng trần của Đức Giêsu, là Đấng Mêsia và là Con Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta sự sống dồi dào” (SĐTG 2024). Trong ý nghĩa này, chúng ta bị thách đố làm sao để trình bày niềm tin vào Chúa như một “bàn tiệc tràn ngập niềm vui, chia sẻ, công lý và tình huynh đệ trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với người khác” (Ibidem).
Hãy đi và mời
Truyền giáo là “đi” và “mời”. “Đi” diễn tả chuyển động: đi ra, đi đến, đi gặp, đi vào… Đi thì không ngồi lỳ một chỗ; đi thì không ù lì một đống! Đi là ra khỏi vùng an toàn, sự thụ động, để lên đường, để có sáng kiến, để hoạt động. Chúng ta có một Thiên Chúa đầy tình yêu và lòng thương xót, “luôn ra đi để gặp gỡ mọi người và kêu gọi họ vào hưởng hạnh phúc nước trời”, bất chấp sự dửng dưng và chối từ. Chúng ta có một Đức Giêsu Kitô nhân hậu “đã ra đi tìm kiếm những con chiên lạc nhà Israel và còn muốn đi xa hơn nữa để đến được cả với những con chiên xa xôi nhất” (x. Ga 10,16). Chúng ta có một Hội thánh trung thành với sứ mạng lãnh nhận từ Chúa, sẽ tiếp tục ra đi đến tận cùng trái đất, cách hăng say mải miết, không mệt mỏi hay chán nản.
“Mời” là những lời nói và cử chỉ được diễn tả một cách “đầy kính trọng và dịu dàng”. Ở đây chúng ta đề cập đến một phong cách truyền giáo tươi tắn, hấp dẫn, toát lên “niềm vui, sự độ lượng và lòng nhân hậu vốn là những hoa quả của Chúa Thánh Thần trong lòng mình” (x. Gl 5,22). Phải tránh mọi hình thức tiêu cực (áp lực, chiêu dụ, cưỡng bức) và nêu cao những phương thức tích cực, như sự thân thiện, cảm thương và dịu dàng…
Mỗi Kitô hữu đều được kêu mời tham gia vào sứ mạng phổ quát “đi’ và “mời” này bằng lời rao giảng và bằng chứng tá cuộc sống trong chính hoàn cảnh của mình. “Cái bi kịch trong Hội thánh hôm nay là… chúng ta thường trở thành một Hội thánh ‘giam hãm’ không cho Chúa đi ra, mà cứ giữ Ngài lại ‘làm của riêng mình’, trong khi Chúa đã đến là để truyền giáo và muốn chúng ta là những người truyền giáo” (SĐTG 2024)!
Mọi người, mọi nẻo đường
“Mọi người” vì Tin Mừng phải được loan báo cho tất cả, không trừ một ai. “Mọi nẻo đường” vì Tin Mừng không thể bị bó khung trong một văn hóa hay tổ chức nào. Tin Mừng nói đến lệnh nhà vua ban ra cho các đầy tớ phải đi tập hợp “tất cả những ai họ gặp, bất luận tốt xấu” (x. Mt 22,10). Không ai bị gạt ra bên lề hay bị bỏ lại phía sau. Nước Trời mở rộng cho mọi người vì “tình thương của Chúa đối với mỗi người chúng ta là vô biên và vô điều kiện”. Mọi người đều được Thiên Chúa mời gọi “dự tiệc” nghĩa là “thông phần vào ân sủng của Ngài, ân sủng có sức biến đổi và cứu sống”.
“Mọi người” cũng có nghĩa là tất cả đều có trách nhiệm dấn thân cho công cuộc truyền giáo. Đây là bước đi hiệp hành “tiến tới một Hội thánh hiệp hành và truyền giáo để loan báo Tin Mừng”. Hiệp hành để truyền giáo và truyền giáo cần phải hiệp hành. Công trình đưa “mọi người” vào Nước Trời cần đến sự chung tay giúp sức của mọi người. Đây là vấn đề của việc hợp tác hay cộng tác của mọi thành phần Dân Chúa trong việc loan báo Tin Mừng, bằng lời cầu nguyện, sự hi sinh, đóng góp, làm chứng, phục vụ, hoặc trực tiếp dấn thân truyền giáo nơi những vùng ngoại biên.
*****
Như vậy, Khánh Nhật Truyền Giáo năm nay (2024), một lần nữa là cơ hội giúp chúng ta ý thức lại căn tính và sứ mạng truyền giáo của mình, để hăng hái “đi” và “mời” mọi người vào trong “bàn tiệc” Nước Chúa. Những nẻo đường của thế giới hôm nay thật là nhiều: internet, mạng xã hội, di dân, du lịch, nghệ thuật, sự kiện thể thao, toàn cầu hóa…
Sự đa dạng và biến dạng không ngừng của những “bữa tiệc” cung cấp bởi chủ nghĩa tiêu thụ (tiện nghi, của cải, thời trang, lạc thú…) được bày ra trước mắt chúng ta chắc chắn là một thách đố rất lớn cho công cuộc loan báo Tin Mừng hôm nay. Làm sao để Tin Mừng trở nên hấp dẫn như một bàn tiệc thơm ngon, bổ dưỡng và lôi cuốn khách dự tiệc? Điều này chắc hẳn cần đến tiến trình hiệp hành để cầu nguyện, suy tư, phân định và tìm ra ánh sáng của Chúa Thánh Thần.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng ta và giúp chúng ta trở thành những nhà loan báo Tin Mừng nhiệt thành và hiệu quả trong thời đại hôm nay.