Tự do để yêu thương
Thứ bảy - 12/10/2024 04:18
122
17 Khi ấy, Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi : “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” 18 Đức Giê-su đáp : “Sao anh nói tôi là nhân lành ? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.19 Hẳn anh biết các điều răn : Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” 20 Anh ta nói : “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” 21 Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta : “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” 22 Nghe lời đó, anh ta sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
23 Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với môn đệ : “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao !” 24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp : “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao ! 25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” 26 Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau : “Thế thì ai có thể được cứu ?” 27 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói : “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”.
28 Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người : “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy !” 29 Đức Giê-su đáp : “Thầy bảo thật anh em, chẳng có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, 30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và ở đời sau được sự sống đởi đời.”
Suy niệm
Năm 22 tuổi, một tương lai sáng lạn mở ra trước mắt chàng hiệp sĩ Bênađô (1090-1153). Tại triều đình, nơi quân ngũ, trong tòa án, chỗ nào chàng cũng có thể thành công. Nhưng rồi được ơn soi sáng, chàng quyết định xin vào dòng Citeaux, một dòng tu nổi tiếng khắc khổ. Bị cha mẹ phản bác, anh em chống lại, chàng vẫn không sờn lòng: “Tin tôi đi, nghe tôi đi, cuộc chinh phục linh hồn chẳng đáng giá sao?” Nhờ cương quyết và nhiệt tình, Bênađô không những đã làm cho cha mẹ và anh em nhượng bộ, còn lôi cuốn họ vào dòng theo chân mình nữa. Lần kia, cậu em út Nivarđô đang ngồi chơi, Guyô người anh cả nói: “Giã từ em nhé! Tất cả sản nghiệp thuộc về em. Bằng lòng không?” Nivarđô liền trả lời: “Sao? Trời cho các anh, còn đất cho em. Phân chia chẳng đồng đều tí nào cả!” Rồi người em út cũng theo cha và các anh vào dòng. Ngoài ra, ông cậu và các bạn của Bênađô, cả thảy trên 30 người, cũng theo chàng hiệp sĩ của Chúa Ki-tô nhập tu viện tuốt (Theo vết chân Người, tập 3).
1. Lực khống chế của của cải
Tấm gương lạ lùng đó thật tương phản với cuộc gặp gỡ trong bài Tin Mừng hôm nay. Cuộc gặp gỡ này liên can tới một trong những điểm giáo huấn lớn của Ki-tô giáo: của cải. Nhưng vấn đề quan trọng về của cải không phải là biết ngang mức độ tài sản nào, tiền lương nào, mình chẳng còn có thể là Ki-tô hữu. Mác-cô không hướng cái nhìn của ta đến một máy tính nhưng đến Đức Giê-su, Đấng nhìn chúng ta (Mc ba lần nói đến cái nhìn ấy) và bảo chúng ta: “Hãy theo Thầy”.
Trước tiên Người nói rõ là phải thanh lý hết, trao tặng hết mà! - Đúng, nhưng điều ấy có nghĩa chính xác: Hãy tự giải thoát con để theo Thầy. Thành thử đây không phải là một bài học gây buồn bã, nhưng là một bài học gây niềm vui to lớn. Nếu ai nghĩ rằng đi theo Đức Giê-su chẳng phải là cập bến bờ hạnh phúc, thì xin đóng sách Tin Mừng lại.
Con người giàu có quỳ xuống dưới chân Đức Giê-su muốn tìm hạnh phúc nhưng anh ta đã bỏ đi buồn bã. Nếu niềm hy vọng có một con đường dẫn thẳng tới Thiên Chúa đã khơi dậy nơi anh ta nỗi vui to lớn thế nào, thì giờ đây, thay vào đó là một nỗi buồn sâu xa không kém. Trên đường đi theo Đức Giê-su, anh vấp phải một chướng ngại, một sức khống chế, đó là lòng gắn bó với của cải. Của cải như tấm kính mờ đã che lấp ánh sáng, lúc ánh sáng muốn thâm nhập vào lòng anh. Về anh, kẻ có tất cả để được hạnh phúc, như người ta thường nói, Đức Giê-su đã đưa ra lời chẩn đoán: “Anh chỉ còn thiếu một điều.” Khốn nạn cho ta nếu ta thiếu điều này. Và điều quý giá này, đó là khả năng theo Đức Giê-su. Mà việc ấy giả thiết một sự giải phóng đáng kể! “Đi đi, hãy gỡ mình khỏi những gì giữ anh lại, bán tất cả để mua lấy tự do theo Ta”.
Đó chính là vấn đề! Ta trở lại với câu “thanh lý hết” đó. Phải theo Đức Giê-su trong trần trụi sao? – Không! Đức Giê-su đã chẳng trần trụi và thậm chí chẳng phải là kẻ vô gia cư nữa. Người đã không nếm biết cảnh khốn khổ. Người ăn uống bình thường, thậm chí còn chấp nhận một sự phung phí điên rồ như bình dầu thơm mà Người đã được Ma-đa-lê-na tiến dâng. Nhưng vì không có gì trói buộc mình lại, Người đã có thể đi tới cùng trong tất cả những gì mà tình huynh đệ đòi hỏi.
Khi bảo chúng ta “Hãy đến!” thì chính trên con đường đó mà Người gọi chúng ta, không phải lên đỉnh từ bỏ nhưng trên đỉnh yêu thương. Tại sao cứ mải miết bóp méo đòi hỏi của Tin Mừng thành kỳ công khổ chế? Đúng là có kỳ công, nhưng trong nỗ lực tự giải thoát khỏi tất cả những gì ngăn cản chúng ta yêu thương và phục vụ.
Nhưng rất nhanh, chúng ta đụng đến các xiềng xích của tiền bạc: có quá nhiều hay có không đủ. Người ta sẽ nói hai tình trạng này ảnh hưởng khác nhau lên ý muốn yêu thương của ta. Không! Như nhau cả! Của cải có lẽ bóp chết ý muốn này cách triệt để, nhưng nỗi lo lắng về những ngày cuối tháng cũng khép lòng chúng ta. Đức Giê-su hết sức nghi ngờ các ưu tư, chúng chiếm ngự lòng ta đến độ rốt cục ta chỉ còn nghĩ tới chính mình. Nhưng trong đoạn này, Người kết án chính của cải. Một lần nữa, Người vừa nhận xét rằng nó làm hư hỏng những kẻ tốt nhất. Anh thanh niên giàu hết sức tốt lành với những ước vọng muốn đi xa hơn. Tiếc thay, ta cảm thấy anh vướng víu vào tất cả những gì anh sở hữu đến độ ta sẽ chẳng bao giờ có thể đẩy anh ta tiến trên con đường của tình huynh đệ: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn.”
2. Sức giải thoát của Thiên Chúa
Trước hình ảnh ý nhị nhưng đáng sợ ấy, các môn đệ đo lường được khó khăn của việc theo Đức Giê-su: “Thế thì ai có thể được cứu?” Sở dĩ các ông thắc mắc thể ấy là vì theo cách hiểu về việc giữ đạo thời đó, càng giàu càng có nhiều thuận lợi. Có tiền thì người giàu có thể dâng lễ vật cho Thiên Chúa theo luật buộc để được xá tội, có thể dâng cúng một phần mười tài sản mà các tư tế đòi, hoặc có thể bố thí cho kẻ khó người nghèo… Dường như có một thỏa thuận ngầm giữa Thiên Chúa và những người giàu có. Như vậy, giàu có của cải chẳng phải là dấu chỉ kẻ đẹp lòng Thiên Chúa sao? Nếu người giàu không được cứu rỗi thì còn ai có thể được?
Người giàu không được chẳng phải vì họ giàu, nhưng vì sự giàu có và những trói buộc nó gây ra có sức độc chiếm mạnh đến nỗi con người hầu như chẳng còn sức lực và sự chú tâm mà địa vị tối thượng của Thiên Chúa đòi hỏi. Tuy nhiên, không những kẻ giàu chẳng được cứu mà bất cứ ai cũng vậy. Chẳng ai có thể tự cho mình đủ điều kiện và đủ khả năng để theo Đức Giê-su, để sống thật sự yêu thương, để vào Nước Thiên Chúa.
Sớm hay muộn, mỗi người đều đụng đến bức tường của sự bất khả này: “Lạy Chúa, nơi đó thì con không thể theo Chúa được.” Nhưng Đức Giê-su nói với kẻ giàu cũng như kẻ nghèo, một lời có sức biến nỗi thất vọng của chúng ta thành kinh nghiệm tin tưởng: “Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được.” Đây không phải là lời nói của con người nhưng là của Thiên Chúa, điều đó đáng bỏ công tống khứ tất cả để lao mình vào sự tin tưởng này: “Với Ngài, chẳng có gì là bất khả.” Cánh tay của Người đủ mạnh để lôi chúng ta khỏi ích kỷ cũng như lo lắng. Nên khi Đức Giê-su nói: “Hãy tự giải thoát mình”, đó là một yêu cầu, nhưng cũng là một ơn ban. Ân sủng Thiên Chúa có thể giúp chúng ta thắng vượt mọi trở ngại.
Câu chuyện kết thúc khi Phê-rô hỏi: “Thầy coi, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được gì.” Đức Giê-su liền hé mở cho thấy niềm vui “gấp trăm lần” những gì đã bỏ, một niềm vui mà bất cứ ai đã từ khước mọi sự vì Người và vì Tin Mừng sẽ cảm nghiệm được ở “đời này” lẫn “đời sau”. Nhưng Người cũng không che giấu những “ngược đãi” đang chờ họ. Môn đệ phải tham gia vào việc rao giảng Tin Mừng với Đức Giê-su; nhưng cũng như Người, giữa niềm vui về những điều thiện hảo của Nước Thiên Chúa, họ phải chuẩn bị để chịu đựng những cuộc bách hại của thế gian. Những cuộc bách hại này cần thiết để thanh luyện họ, để làm cho họ khỏi hư hỏng bởi những đặc quyền đặc lợi mà vì yêu mến, dân Chúa vẫn có thể dành cho họ luôn luôn, để họ đỡ bị khống chế bởi nhiều ưu tiên họ có thể được hưởng với tư cách “người của Giáo Hội”, “thợ của Tin Mừng”. Bách hại giúp họ tự do để sống cho Thiên Chúa!
Tác giả: Lm. Phan Văn Lợi