Cách thế để có sự sống đời đời

Chủ nhật - 13/10/2024 04:11  338
unnamed 1Đức Giê-su đáp trả người thanh niên giàu có đến hỏi Chúa: phải làm gì để được sống đời đời[1]. Người đưa ra những phương pháp căn bản: phải tuân giữ các giới răn và giúp đỡ những người nghèo khó trong khả năng của mình.
Nhưng, người ta không hiểu tại sao Đức Giê-su lại từ chối khi người ta gọi Chúa là ''Thầy nhân lành?'' Chúng ta không khỏi thắc mắc, một người đã chu toàn bổn phận tuân giữ Lề luật mà Chúa vẫn từ chối ban sự sống đời đời?

Một anh thanh niên đã đến với Chúa Giêsu và đặt câu hỏi: Thưa Thầy, tôi phải làm gì? Anh thanh niên này là đại diện của số đông những người đang kiếm tìm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời. Quả vậy, cuộc sống là một hành trình liên lỉ kiếm tìm hạnh phúc. Có điều là quan niệm về hạnh phúc nơi mỗi người lại khác nhau. Chàng thanh niên trong Tin Mừng được kể là một người đạo hạnh. Từ thuở nhỏ, anh nghiêm túc tuân giữ những gì Chúa dạy trong luật Mô-sê: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ. Anh rất tự tin để khẳng định với Chúa Giêsu về những thực hành đạo đức của mình. Tuy vậy, Chúa muốn anh tiến xa hơn trên con đường trọn lành. Xem ra Chúa chưa hài lòng về những gì anh đã và đang làm. Người đặt ra một điều kiện: ai muốn theo Chúa thì phải từ bỏ mọi sự. Khi Người yêu cầu người thanh niên bán hết mọi gia sản, tức là Người đòi hỏi anh phải từ bỏ những gì gắn bó, thậm chí từ bỏ chính bản thân để theo Chúa.

Đức Giê-su có cảm giác vui khi thấy một người trai trẻ trăn trở và khao khát làm việc, nhất là khao khát cuộc sống đời đời. Điều này được chứng tỏ khi Đức Giê-su đòi anh phải tuân giữ Lề luật, anh trả lời là đã hằng giữ nghiêm chỉnh các luật đó từ thuở nhỏ. Anh nói đúng, chính Đức Giê-su cũng công nhận, nên Người đem lòng yêu mến anh. Anh đi đúng con đường dẫn tới sự sống đời đời, anh đã dùng những khối tài sản một cách có trách nhiệm cho tương lai của anh. Có điều là anh làm chưa đủ, anh ngạc nhiên khi Chúa bảo về bán hết tài sản anh đã tích góp vất vả chính đáng, để phân phát cho người nghèo khó, anh ta "sụ mặt lại.'' Anh chưa thể đi xa hơn để đến với sự sống đời đời.

Hẳn là để nên một công dân Nước Trời, Đức Giê-su dạy phải tuân giữ Lề luật để được sống đời đời: Lề luật là biểu hiện thánh ý Chúa. Tôn trọng Lề luật là làm theo kế hoạch của Chúa và sẽ đạt được Lời hứa của Chúa, là hạnh phúc vĩnh cửu. Những ý định của Chúa được thể hiện qua các giới răn, qua Lời Chúa, qua lương tâm và qua những dấu hiệu bên ngoài trong cuộc sống con người. Lề luật là ánh sáng, là đường đi giúp con người khỏi lỡ bước. Đối với Chúa, giữ luật là đã chọn đúng hướng, nhưng chưa đủ, con người cần phải hoàn thiện hơn. Sự sống đời đời là điều chàng thanh niên trong Tin Mừng cũng như chúng ta ngày hôm nay đang tìm kiếm. Nhưng tự chúng ta không thể có được, phải cậy nhờ vào Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô. Chàng thanh niên đã chạy đến với Chúa Giêsu quỳ gối để xin Chúa chỉ cho anh việc phải làm để được sống đời đời, chứng tỏ là anh biết chắc sự giàu có của anh không làm thỏa mãn, nhất là không bảo đảm cho anh, khiến anh đi tìm kiếm một thứ hạnh phúc cao hơn, có giá trị bền vững hơn là của cải vật chất, nên anh đã tìm đến với Chúa Giêsu. Nỗ lực tìm kiếm với thiện ý là một chuyện, phấn đấu để đạt được lại là một chuyện khác. Đức Giê-su hứa ban sự sống đời đời cho những ai làm cuộc phiêu lưu vĩ đại, là từ bỏ tiền của và từ bỏ chính mình nữa. Chúa muốn con người biết rằng, hạnh phúc Nước Trời là do lòng thương xót Chúa, chứ không do khả năng của họ, cũng không có gì trên thế gian này, sánh với Thiên Chúa và hạnh phúc đời đời. Tuy nhiên, Thiên Chúa nhân lành đầy lòng thương xót, muốn cứu độ con người và thực tế Chúa đã ban gấp trăm ngay ở đời này, những gì mà người ta đã từ bỏ.

 Để được Nước Trời[2], Đức Giê-su khuyên người ta cần phải cảnh giác và khôn ngoan. Trước hết là đừng ngộ nhận. Có thể nói, anh chưa nhận ra Đức Giê-su là ''Con Thiên Chúa.'' Ngay chính các Tông đồ cũng chưa phải là hiểu biết hết về sứ vụ của Đức Giêsu, nên nhiều khi vẫn bị Người quở trách. Vậy tại sao anh có thể gọi một người là nhân lành? Đức Giê-su cảnh cáo thái độ tăng bốc sáo rỗng của anh, và Người cũng khẳng định rằng chỉ có Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Nịnh hót nhau vẫn tồn tại trong thế giới ngày nay, ngay cả trong lòng Giáo hội. Người ta nâng đối tượng lên tận mây xanh, người ta dùng những từ quá tuyệt vời để xu nịnh bề trên, người ta đi bằng đầu gối để lấy lòng thượng cấp. Chúa không chấp nhận và cũng không ai chấp nhận những việc làm ngộ nhận như vậy.

 Tiếp đến, Chúa mời gọi chúng ta hãy cảnh giác với tiền bạc. Tiền bạc, của cải mà người thanh niên đang thủ đắc xem ra không phải là sự quí nhất của con người, vì anh đã có trong tay tất cả mà chưa thỏa mãn. Có những thứ khác như văn hóa, tài năng, trí phán đoán mà người xưa gọi là Sự Khôn Ngoan, tài sản quí giá hơn mọi thứ mà con người có thể sở hữu được. Salômôn, một vị vua khôn ngoan vô tiền khoáng hậu trong giấc mơ kì diệu, đã xin Thiên Chúa ban cho mình Sự Khôn Ngoan hơn là được giàu có, ông nói: “Đem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không” (Kn 7,8). Xin Chúa ban cho chúng con ơn khôn ngoan sống theo Lời Chúa dạy dỗ, lánh xa cạm bẫy ngọt mật của thế gian dụ dỗ, để đạt tới sự sống đời đời.
 

[1] “Sự sống đời đời” là diễn ngữ then chốt của toàn bộ câu chuyện này; nó được nêu lên ngay từ đầu với câu hỏi của chàng thanh niên này và ở cuối câu chuyện qua câu trả lời của Đức Giê-su với các môn đệ Ngài. Đây không chỉ là một ví dụ điển hình về lối hành văn đóng khung, nhưng còn định vị tấm thảm kịch sắp diễn ra trong chiều kích cốt yếu của nó. Vấn đề về những mối tương quan của người Ki-tô hữu với của cải được đặt ra tùy thuộc vào vấn đề cốt yếu này: cuộc sống mai hậu. Vì thế, các môn đệ xao xuyến tận đáy lòng.

Nỗi ưu tư của người này phù hợp với những nỗi bận lòng của những môi trường đạo hạnh Do thái giáo, ở đó người ta tranh luận về những viễn cảnh cánh chung: sự sống đời đời, chính là gia nghiệp mà Thiên Chúa hứa ban vào thời cánh chung. Phải làm gì để đảm bảo cho mình có được sự sống đời đời?

Người này ca ngợi Chúa Giê-su: “Thưa Thầy nhân lành” kèm theo một hành vi cử chỉ hết mực cung kính: “quỳ xuống trước mặt Người”. Thái độ này làm chứng rằng Đức Giê-su nổi tiếng là một vị kinh sư đặc biệt và người này tin rằng chỉ có Ngài mới có thể ban cho anh những lời khuyên có giá trị.

Tại sao Đức Giê-su thoái thác đức tính “nhân lành” này cho mình, khi mà lòng nhân lành của Ngài thì hiển nhiên, phải chăng là để hướng tâm trí của người đối thoại về Đấng là nguồn mạch của mọi sự nhân lành? Nếu Đức Giê-su có lòng nhân lành, chính vì Ngài đón nhận lòng nhân lành từ Thiên Chúa. Thánh Mác-cô có mối bận tâm là không quên thân phận làm người của Đức Giê-su.

Sau khi đã hiệu đính lời ca ngợi của chàng thanh niên, Đức Giê-su sắp cho anh ta một câu trả lời tích cực qua đó Ngài ngầm hàm ý rằng “Tôi đến không phải để hủy bỏ nhưng kiện toàn Lề Luật”.
[2] Các tông đồ không thể không so sánh thái độ của họ với thái độ của người giàu có này: họ đã bỏ mọi sự mà theo Ngài. Thánh Phê-rô nhân danh tất cả môn đệ nhắc lại điều đó. Đức Giê-su trả lời bằng cách nêu lên hai loại phần thưởng: phần thưởng được ban cho “bây giờ, ngay ở đời này” và phần thưởng được ban cho trong thế giới tương lai: “sự sống đời đời”.

Có nên hiểu một chuỗi những phần thưởng đầu tiên theo nghĩa đen? Chắc chắn, ai từ bỏ những người thân yêu và của cải quý giá của mình vì Đức Giê-su, người ấy sẽ gặp thấy ở giữa lòng cộng đoàn Ki-tô hữu, một đại gia đình. Nhưng lời giải thích theo nghĩa tinh thần thì có vẻ thật hơn. Thánh Mác-cô xem ra hiểu như vậy bởi vì thánh ký đặt sự bách hại vào giữa những phần thưởng trần thế. Chính ở nơi những phần thưởng tinh thần này mà những Ki-tô hữu đã sở hữu rồi, thánh Phao-lô ám chỉ đến khi thánh nhân viết cho các tín hữu Cô-rin-tô: “Bị coi là bịp bợm, nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, kỳ thực chúng tôi vẫn luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả” (2Cr 6, 8-10).

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập120
  • Máy chủ tìm kiếm61
  • Khách viếng thăm59
  • Hôm nay24,956
  • Tháng hiện tại713,702
  • Tổng lượt truy cập77,507,950
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây