Chúa Nhật 28 Thường Niên năm B
(Mc 10,17-30)
Điều gì mang lại hy vọng và sự thoả mãn cho những khát khao về hạnh phúc và an bình của chúng ta? Một chàng trai trẻ, người có mọi thứ tốt đẹp nhất mà thế gian có thể cung cấp, là sự giàu có và an toàn – anh đã đến gặp Chúa Giêsu vì anh vẫn còn thiếu một điều (Mc 10,17-27). Anh muốn có được sự bình an và hạnh phúc vĩnh cửu mà tiền bạc không thể mua được. Tuy nhiên, câu trả lời anh nhận được không phải là điều anh mong đợi. Anh đã cam đoan rằng mình đã tuân giữ tất cả các điều răn, nhưng Chúa Giêsu đã nói lên nỗi trăn trở trong lòng anh. Một điều khiến anh không thể dâng hiến bản thân hoàn toàn cho Thiên Chúa. Mặc dù anh ta không thiếu của cải vật chất, nhưng anh ta vẫn sở hữu và gắn bó với nó. Anh đặt hy vọng và sự an toàn vào cái mà mình sở hữu. Vì vậy, khi Chúa Giêsu thách thức anh coi Thiên Chúa là của cải và kho báu duy nhất của mình, anh ta đã trở nên buồn bã.
Kho báu và niềm hi vọng bị đặt sai chỗ
Tại sao anh lại bỏ Chúa Giêsu mà đi với nỗi buồn rầu và thất vọng lớn lao thay vì niềm vui? Thưa, vì kho báu và niềm hi vọng của anh ta về hạnh phúc đã bị đặt sai chỗ. Chúa Giêsu thách thức chàng thanh niên vì lòng anh còn đang bị trói buộc bởi những gì anh sở hữu. Anh sợ cho đi vì anh sợ là anh sẽ bị mất những gì anh ta có. Anh kiếm tìm hạnh phúc và sự an toàn nơi những gì mà anh sở hữu hơn là nơi Đấng mà anh có thể yêu thương, phục vụ và hiến dâng trọn vẹn bản thân mình.
Niềm vui lớn lao nhất có thể có
Tại sao Chúa Giêsu bảo các môn đệ hãy “bán hết” những gì các ông có vì kho báu Nước Trời? Kho báu có mối liên hệ đặc biệt với cõi lòng, nơi của những ước muốn và khát khao, của những ý chí và các mối bận tâm. Điều mà chúng ta đặt hết tâm lòng mình vào nhất chính là kho báu lớn nhất của chúng ta. Chính Chúa là kho báu lớn nhất mà chúng ta có thể có. Từ bỏ tất cả những thứ khác để có Chúa làm kho báu của mình không phải là điều buồn bã, nhưng là niềm vui lớn nhất (xem dụ ngôn về kho báu giấu trong thửa ruộng trong Mt 13,44). Bán tất cả những gì chúng ta có mang nhiều nghĩa khác nhau, như chúng ta buông bỏ những mối ràng buộc, tình bạn, sự ảnh hưởng, công việc, giải trí, lối sống – tất cả những gì ngăn cản chúng ta yêu mến Chúa trên hết mọi sự và ngăn cản chúng ta đặt Thiên Chúa là quan trọng nhất, cũng như cản trở chúng ta dâng cho Ngài những gì là tốt nhất mà chúng ta có thể có như thời gian, khả năng, tài sản và sự phục vụ của chúng ta.
Kho báu vô giá trong Nước Thiên Chúa
Lòng quảng đại của Thiên Chúa luôn vượt xa lòng quảng đại của chúng ta dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Thiên Chúa ban cho chúng ta những kho báu vô giá của vương quốc Người; là sự giải thoát khỏi nỗi sợ hãi và sức mạnh quyến rũ của tội lỗi, ích kỷ và kiêu ngạo, những thứ ngăn cản tình yêu và ân sủng của Người trên cuộc sống của chúng ta; là giải thoát khỏi cô đơn, cô quạnh và sự chối từ khiến con cái của Thiên Chúa không thể sống cùng nhau trong tình yêu, bình an và sự hiệp nhất; và sự giải thoát khỏi tuyệt vọng, thất vọng và ảo tưởng, những điều làm chúng ta mất đi khả năng nhận biết quyền năng của Thiên Chúa để chữa lành mọi vết thương, băng bó mọi rạn nứt và xóa bỏ mọi vết nhơ làm tổn hại hình ảnh của Thiên Chúa trong chúng ta. Thiên Chúa ban cho chúng ta kho báu mà tiền bạc không thể mua được. Chỉ mình Người mới có thể thực sự thỏa mãn những khát khao sâu thẳm nhất trong cõi lòng chúng ta. Bạn có sẵn sàng từ bỏ bất cứ điều gì có thể ngăn cản bạn tìm kiếm niềm vui đích thực nơi Chúa Giêsu không?
Tại sao Chúa Giêsu lại đưa ra một lời cảnh báo mạnh mẽ như vậy đối với những người giàu (cũng như đối với tất cả chúng ta, những người muốn giàu có)? Chúa Giêsu có thực sự phản đối sự giàu có không? Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu không chống lại sự giàu có và Người cũng không chống lại những người giàu có. Người có nhiều bạn bè là những người giàu có, gồm cả những người thu thuế khét tiếng! Thậm chí có một người đã trở thành tông đồ! Lời cảnh báo của Chúa Giêsu nhắc lại lời dạy khôn ngoan trong Cựu Ước: Thà nghèo mà ăn ở vẹn toàn, còn hơn giàu có mà sống quanh co (Cn 28,6; xem thêm Tv 37,16); Chớ nhọc công mà thu tích của cải, và cũng đừng bận tâm đến nó (Cn 23,4).
Chúng ta có thể tìm kiếm sự bình an đích thực ở đâu?
Dường như Chúa Giêsu muốn nói rằng người giàu gần như không thể sống như công dân của Nước Thiên Chúa. Con lạc đà được coi là loài vật lớn nhất ở Palestine. “Lỗ kim” có thể hiểu theo nghĩa đen hay nó cũng là một phép ẩn dụ để mô tả về chiếc cổng hẹp và thấp của bức tường thành phố được những người lữ hành sử dụng khi chiếc cổng công cộng lớn bị khoá vào ban đêm. Một người đàn ông bình thường phải “cúi xuống” để đi qua cổng và một con lạc đà sẽ phải quỳ xuống và bò để đi qua cổng đó.
Tại sao Chúa Giêsu lại rất thận trọng về sự giàu có như vậy? Bởi sự giàu có có thể khiến chúng ta độc lập một cách sai lầm. Hội Thánh tại Laođikia đã bị cảnh báo về thái độ của họ đối với sự giàu có và cảm giác an toàn giả tạo: “Ngươi nói: ‘Tôi giàu có tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu thốn chi” (Kh 3,17). Sự giàu có cũng có thể dẫn chúng ta đến sự ích kỉ và những ham muốn độc hại (x. 1Tm 6,9-10). Hãy để ý đến bài học mà Chúa Giêsu đã dạy về người giàu có và các anh em của ông, những người đã từ chối giúp đỡ người nghèo Lazarô (x. Lc 16,19). Những người này cũng không phục vụ Thiên Chúa.
Chúng ta mất những gì chúng ta giữ và sẽ nhận được những gì chúng ta cho đi
Ngay sau khi chàng thanh niên giàu có từ chối theo Chúa Giêsu, ông Phêrô, có phần hơi thô thiển, muốn biết ông và các môn đệ khác sẽ nhận được gì khi họ đã tự do đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu để theo Người cách vô điều kiện (x. Mc 10,28-30). Chúa Giêsu đã thành thật đáp lại rằng: Những ai từ bỏ mọi sự mà theo Người sẽ nhận lại gấp trăm ngay ở đời này, cũng như sự sống vĩnh cửu ở đời sau.
Tin Mừng đã trình bày cho chúng ta một nghịch lý: chúng ta mất những gì chúng ta giữ lại và chúng ta nhận lại những gì chúng ta cho đi. Khi chúng ta hi sinh mạng sống vì Chúa Giêsu Kitô, chúng ta sẽ nhận lại một kho báu vô giá và một gia tài vĩnh cửu. Bất cứ điều gì chúng ta dâng cho Thiên Chúa sẽ được trả lại gấp trăm lần. Lòng quảng đại chảy ra từ một trái tim tràn đầy lòng biết ơn vì lòng thương xót và ân sủng dồi dào mà Thiên Chúa ban cho. Và lòng quảng đại sẽ được đền đáp cách dồi dào, cả trong cuộc sống này và trong cuộc sống đời sau (x. Cn 3,9-10, Lc 6,38).
Khoản đầu tư tốt nhất bạn có thể thực hiện cho cuộc sống hiện tại và tương lai của mình là gì? Thưa, Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta một kho báu vô song mà không tiền bạc nào có thể mua và không kẻ trộm nào có thể đánh cắp được. Điều mà chúng ta đặt cõi lòng mình vào nhiều nhất chính là kho báu lớn nhất của chúng ta. Của cải vật chất sẽ trói buộc chúng ta vào thế gian này trừ khi chúng ta giữ cho tâm hồn mình khỏi bị cám dỗ và đặt kho báu của đời mình vào Thiên Chúa và vương quốc vĩnh cửu của Người. Kho báu hay kho tàng của bạn đặt ở đâu?
Chúa Giêsu không ngần ngại nói cho các môn đệ rằng họ có thể mong đợi cả phúc lành từ Thiên Chúa và sự bách hại từ thế gian, vì thế gian thì đối lập với Thiên Chúa và đường lối của Người. Chúng ta không nên ngạc nhiên hay sợ hãi những người cố đe dọa hay chống lại khi chúng ta đứng lên ủng hộ vương quốc sự thật và công bình của Thiên Chúa. Không có phần thưởng hay kho báu trần gian nào có thể sánh được với niềm vui và hạnh phúc khi biết được tình yêu, lòng thương xót và sự bình an của Thiên Chúa, cũng như niềm vui khi biết rằng tên của chúng ta đã được ghi trên trời, nơi chúng ta sẽ sống với Chúa mãi mãi. Bạn có biết đến niềm vui của Chúa và kho báu mà Người đã dành sẵn cho chúng ta trên thiên đàng không?
Lạy Chúa Giêsu, Người đã chiếm lấy tâm hồn chúng con và mở ra cho chúng con những kho báu của Nước Trời. Xin Chúa luôn là kho báu và là niềm vui của con, và xin đừng để điều gì khác cản trở con dâng hiến tất cả cho Người. Amen.