“Bảo dưỡng” tâm linh
Thứ ba - 21/02/2023 02:54
408
Sống trong xã hội hiện đại, công nghệ tiên tiến, có lẽ chúng ta khá quen thuộc khái niệm “bảo dưỡng” các phương tiện kỹ thuật. Vì thế, để bảo vệ các loại phương tiện ấy, chúng ta thường bảo dưỡng chúng, có khi bảo dưỡng cho thú cưng và cho cả ngoại hình của mình, nhưng không mấy ai nghĩ tới việc “bảo dưỡng” cho đời sống tâm linh, cho linh hồn mình.
“Bảo dưỡng” là sửa chữa, phục hồi chất lượng máy móc đã và đang được sử dụng, để trong quá trình hoạt động, máy móc được an toàn cũng như mang lại kết quả tốt nhất. Với người Kitô hữu, để ý một chút, chúng ta có thể thấy có sự tương đồng giữa tâm tình của Mùa Chay và việc bảo dưỡng các loại máy.
Giáo Hội thật khôn ngoan khi dành 40 ngày trong năm Phụng vụ để giúp mỗi Kitô hữu có thời gian “bảo dưỡng” cho đền thờ tâm hồn. Không những thế, Mẹ Giáo hội còn chỉ ra rất nhiều cách thức “bảo dưỡng” cho con cái mình như: làm tuần đại phúc, tĩnh tâm dài ngày, cử hành bí tích Hoà giải… Trong những dịp này, các bậc thầy thiêng liêng luôn sẵn sàng hướng dẫn cho các tâm hồn đang gặp trục trặc, giúp họ trở về với Thiên Chúa Toàn Năng bằng việc cầu nguyện, kết hiệp mật thiết với Chúa. Như thế, cầu nguyện chiêm niệm vốn là một hình thức gặp gỡ Thiên Chúa rất phong phú và đa dạng nơi mỗi tâm hồn.
Chiêm niệm được coi là một cách thức “bảo dưỡng” rất hữu ích vì nó giúp cho tâm hồn được thư thái, bình an; nó hứa sẽ giúp cho chủ thể lắng nghe được tiếng nói của Thiên Chúa nơi sâu thẳm tâm hồn, nhìn thấy những yếu đuối, bất toàn của mình. Và hoa trái cuối cùng của chiêm niệm là phục hồi sự bình an nội tại trong tâm hồn.
Tuy nhiên, không phải tất cả chúng ta đều biết cách cầu nguyện hay chiêm niệm. Mọi người thường đồng hoá việc cầu nguyện với những lời cầu xin. Vì thế, khi ơn xin chưa, việc cầu nguyện có thể trở nên nhàm chán và bị chấm dứt. Vậy, chiêm niệm thực sự là như thế nào? “Chiêm niệm” thực sự trong cầu nguyện là đưa dẫn chúng ta tới một kinh nghiệm siêu việt, tức là quên mất chính mình và mọi thứ xung quanh, ngoại trừ đối tượng duy nhất mình đang chiêm ngắm. Như khi đứa con bị tai nạn, người mẹ vì quá lo lắng mà chỉ lo chạy chữa cho con trong khi chính mình cũng đang bị thương. Nhưng vì tình cảm đặt hết vào đối tượng là con mình nên quên luôn chính bản thân mình. Cầu nguyện chiêm niệm là như thế, tức là đặt mình trong tương quan với Thiên Chúa và chỉ mình ta với Người mà thôi. Để trong những giây phút lắng đọng bình tâm ấy, chúng ta có thể tìm lại cho mình một đời sống thiêng liêng sâu sắc và gắn kết với Thiên Chúa hơn.
Giáo Hội đang dần bước vào Mùa Chay Thánh, Mùa Chay tự nó đã mang ý nghĩa và giá trị cao quý khi giúp mỗi tâm hồn tín hữu biết trở về với Thiên Chúa. Mùa Chay sẽ qua đi và vô nghĩa nếu chúng ta để thời gian trôi qua mà chẳng đọng lại cho tâm hồn chút gì với Chúa. Ước mong Mùa Chay thánh này sẽ có thật nhiều tâm hồn trở về với Chúa để được “bảo dưỡng” và bồi bổ bằng cách chiêm ngắm một Đức Giêsu đã đến căm lều giữa thế gian để ở giũa thế gian. Ngài sẽ chữa lành những vết thương của chúng ta bằng máu và nước chảy ra từ trái tim bị đâm thâu của Ngài.