Đức cha Pierre Lambert De La Motte

Thứ năm - 25/01/2024 04:55  781
(Kỳ 1: Từ lúc sinh ra đến khi làm thẩm phán)

Cuộc đời Đức Cha Pierre Lambert de la Motte nằm gọn trong thế kỷ XVII -  quãng thời gian được mệnh danh là "thế kỷ vĩ đại của các tâm hồn", "thế kỷ các thánh" một số sử gia gọi là “vĩ đại” hay còn được gọi là thế kỷ của tâm linh bởi được thừa hưởng thành quả của đại Công đồng Trent. Thời gian này, đỉnh cao thần bí và các Dòng bác ái ra đời; thế kỷ sáng tạo mà trong đó giáo sĩ và giáo dân, tri thức hay bình dân, tất cả đều chung sức trong tinh thần đạo đức sâu xa. Thế kỷ rạng ngời với những khuôn mặt vĩ đại như: Vinent de Sales, Bérulle, Vincent de Paul, Bossuet,... Và thành quả thật tuyệt vời, nước Pháp thời kỳ này đã sản sinh nhiều vĩ nhân trong phạm vi văn học, triết học cũng như đã cống hiến cho Giáo Hội 27 vị Chân Phước và Hiển Thánh. Đức Cha Pierre Lambert là người con của Giáo Hội Pháp, chắc hẳn ngài đã đón nhận và cũng góp phần nhiều trong gia sản vĩ đại và thánh thiện ấy.

Đức cha Pierre Lambert de la Motte chào đời ngày 28/01/1624 tại Lisieux, thuộc vùng Normandie (Pháp), trong một gia đình quý tộc Công giáo thuộc giới tư pháp rất đạo đức. Giới tư pháp này có ảnh hưởng nhất vùng Normandie mà Lambert đã được những người trong dòng họ đi trước chuẩn bị cho ngài con đường hành chính. Song thân của Lambert là ông Pierre Lambert de la Motte, từng là Tử tước thành phố Évreux, và bà Catherine Heudey de Pommainville, ái nữ của một vị Cố ấn Tòa án ở Rouen. Cha mẹ đưa ngài đến rửa tội tại nhà thờ Saint-Jacques và được nuôi dưỡng trong môi trường quen thuộc với những hoạt động của giới Công giáo nhiệt thành. Pierre Lambert sớm chịu cảnh tử biệt: cậu mất đi ba người em khi chưa được chín tuổi, mồ côi cha lúc hơn 11 tuổi, chịu tang bà nội khi 14 tuổi và mồ côi mẹ vào tuổi 16. Chính sự mất mát từ sớm này đã ảnh hưởng không nhỏ tới tính cách của Pierre khiến cậu trở nên trầm lắng, nhạy bén và tâm hồn sớm được vun đắp bởi những cảm nghiệm thiêng liêng sâu sắc.

Cậu Pierre không quấy phá, ít chơi với bạn đồng trang lứa, cậu thích ngồi trầm ngâm. Khi rước lễ lần đầu, cậu tỏ ý muốn đi tu bởi tác động của sách Gương Chúa Giêsu. Năm lên chín tuổi, ngài được ơn soi sáng quy tụ nhóm theo lý tưởng đặc biệt trọn lành mang tên Những người yêu mến thánh giá. Sau đó, theo truyền thống gia đình, Pierre học tại trường các cha Dòng Tên ở Caen - một trường rất nổi tiếng về giáo dục nhân bản, tri thức và tôn giáo. Tại đây, cậu được huấn luyện trong môi trường đa quốc gia, lịch lãm và rất tuyệt vời. Cậu học văn chương với cha Jacques le Fause - người sau này làm Giám tỉnh Dòng Tên bên Trung Hoa. Cậu Pierre có trí thông minh sắc sảo, tinh tế và lòng đạo đức sâu xa. Cậu gia nhập Hiệp hội Thánh Mẫu của trường. Hội này quy tụ những học sinh ưu tú muốn được giáo dục kỹ hơn. Nhờ đó, Lambert vừa đào sâu lòng sùng kính Đức Mẹ, vừa phát huy ý thức về các đòi hỏi thiêng liêng và sự cần thiết phải dấn thân vào thế giới.

Khi đất nước xảy ra chiến tranh, cha ngài - tử tước Évreux (cha của Lambert nhập ngũ nhưng không phải chiến đấu lâu): sau 10 năm nghỉ hưu, ông nhập ngũ lúc 60 tuổi. Sau vài tháng, ông ngã bệnh và qua đời. Ông để lại người vợ goá và bốn con côi từ 4 đến 12 tuổi. Đó là khởi đầu của các hoạn nạn sau này. Mặc dầu đau khổ vì cái chết của người cha, Lambert vẫn tiếp tục học với nhiều thành công xuất sắc.

Năm 1635, Tây Ban Nha chiếm Corbie và Normandie trở thành một tỉnh biên giới, dân phải chịu các loại thuế. Vì vậy, dân nổi loạn, cướp phá xảy ra ở nhiều nơi. Trước tình cảnh này, các hội viên Hiệp hội Thánh Mẫu của trường các cha Dòng Tên lo việc cứu trợ những người bất hạnh. Trong số họ, Pierre cảm thấy đau buồn vì ra đi của hai người thân: bà nội mất năm 1638 và mẹ mất năm 1640. Các trẻ mồ côi được đặt dưới sự giám hộ của ông Pierre Fermanel, một người chủ tàu giàu có ở Rouen, và ông này qua đời bốn năm sau đó. Anh Lambert là con cả trở thành chỗ dựa cho gia đình và phải từ bỏ dự tính đi tu. Anh học luật tại Đại học Caen. Vào năm 22 tuổi, anh hành nghề luật sư tại Toà Thuế vụ ở Rouen năm 1646. Ngoài các công tác chức nghiệp, anh còn phải dàn xếp vấn đề kế thừa phức tạp do cha mẹ để lại. Mặc dù thủ tục tư pháp rất phức tạp nhưng nhờ đầu óc minh mẫn và lòng nhân hậu, Pierre đã giải quyết êm đẹp và gia đình tìm lại sự yên ấm.

Trong đời tư, Pierre Lambert là một thanh niên đẹp trai giàu có, ăn mặc lịch sự,... nhưng anh tự buộc mình sống khiết tịnh như người tu kín. Trung thành với lời dạy dỗ của các bậc thầy là các cha Dòng Tên, anh đặt mình dưới sự linh hướng của cha Julien Hayneuve. Tiếp xúc với các cha, vị thẩm phán trẻ tuổi làm quen với các hình thức linh đạo thừa sai mới. Và để có thể lợi dụng cơ hội tốt hơn, anh dọn đến ở tại ngôi nhà gần nhà nguyện Dòng Tên, là nơi anh vẫn tới cầu nguyện. Như thế, vị thẩm phán đã kết nối lòng đạo đức vào công việc, ý hướng ngay lành việc tranh luận của nghề nghiệp, đến độ chẳng bao lâu sau ngài trở thành một quan toà có năng lực và liêm chính.

Như vậy, Pierre Lambert de la Motte sinh ra trong một bối cảnh xã hội đầy biến động song cũng không thiếu những gương sáng ngời trong đời sống thánh thiện của các bậc thầy tâm linh. Cùng với nền tảng gia đình quý tộc có truyền thống đạo đức đã tạo nên nơi tâm hồn người thanh niên trẻ tuổi tinh thần sâu sắc. Tất cả những ảnh hưởng tốt lành từ bên ngoài và sự tự tôi luyện nơi chính con người mình, Lambert đã nên một con người mẫu mực trong công việc và thánh thiện trong đời sống thiêng liêng. Đó sẽ là bước đệm quan trọng cho sứ vụ linh mục cũng như hành trình thừa sai sang Viễn Đông sau này.

Tác giả: Vp. Dòng Mến Thánh Giá BC

Nguồn tin: Tìm về nguồn gốc Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, NXB Phương Đông năm 2015

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập214
  • Máy chủ tìm kiếm81
  • Khách viếng thăm133
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại1,338,589
  • Tổng lượt truy cập71,369,713
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây