Thứ Năm tuần VI Thường Niên
Mc 8,27-33
Sau một thời gian công khai thi hành sứ mạng rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu muốn trắc nghiệm về quan niệm và thái độ của dân chúng đối với Ngài. Chúa hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các môn đệ đã cho Chúa Giêsu biết về quan niệm và thái độ của dân chúng.
Người thì cho rằng Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả = một ngôn sứ giao thời giữa Cựu ước và Tân ước, một người được sai đến dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, một người giới thiệu Đấng Mêsia cho dân chúng, một người rút lui nhường sân cho Đấng Cứu Thế hoạt động khi đã hoàn thành bổn phận…, một người làm chứng cho sự thật và chết cho sự thật.
Người khác lại cho rằng Chúa Giêsu là Elia, một ngôn sứ vĩ đại trong Cựu ước, một sứ giả tiền trạm, báo trước về việc Đấng Mêsia giáng lâm, người có nhiệm vụ hàn gắn những vết thương và lập lại trật tự cho cảnh hỗn mang để dọn đường cho Đấng Mêsia đến, đặc biệt là dàn xếp những bất hoà, trang chấp.
Người khác nữa lại cho rằng Chúa Giêsu là một ngôn sứ nào đó. Ngôn sứ là người được Thiên Chúa tuyển chọn sai đi để nói lời Thiên Chúa cho dân, thân thưa với Thiên Chúa những khẩn nguyện của dân. Vị này có thể nói lời nhắc nhở dân đi trong đường lối Chúa, có thể tiên báo về tai hoạ xảy đến để dân quay về với đường lối Chúa, có thể cảnh tỉnh, đe loi, nhất là tiên báo Đấng Cứu Thế sẽ đến giải phóng Israel khỏi tội lỗi, khỏi đau khổ, sự chết.
Không những muốn biết quan niệm và phản ứng của dân chúng về mình, Chúa Giêsu còn muốn biết quan niệm và phản ứng của các môn đệ về chính Ngài. Vì thế, Ngài hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Giữa bao quan niệm khác nhau của dân chúng như vậy, ông Phêrô đã có câu hỏi tuyệt vời chính xác về Chúa Giêsu “Thầy là Đấng Kitô”. Như thế, với Phêrô, Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, là Đức Kitô, Đấng được xức dầu, là Con Thiên Chúa.
Câu trả lời của Phêrô cũng như xác tín cảu ông rất đúng, nhưng cách hiểu của Phêrô về Đấng Kitô vẫn theo cách hiểu thông thường của người Do thái thời đó. Đấng Mêsia, Đấng Kitô là Đấng đến giải phóng người Do thái khỏi mọi ách nô lệ, thống trị của ngoại bang, thiết lập một đất nước hùng mạnh, đủ sức làm chủ chính mình và thống trị các dân tộc khác. Vì thế, nhân cơ hội này, Chúa Giêsu đã dậy cho các ông biết Ngài là Đấng Kitô theo nghĩa nào.
Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng Kitô, Đấng được xức dầu, Con Thiên Chúa, theo nghĩa Ngài phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, vị giết chết và sau ba ngày sống lại. Nghe Chúa Giêsu dạy như thế, các môn đệ không thể tin, không thể hiểu. Vì thế mà Phêrô đã kéo riêng Ngài ra và bắt đầu trách Người. Hơn bao giờ hết, lúc này Chúa Giêsu đã nặng lời quở trách Phêrô: “Xatan! Lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà của loài người.”
Không những dạy cho Phêrô, cho các môn đệ khác về căn tính của Đấng Kitô, Chúa Giêsu còn dần dần dạy cho các ông nhiều bài học hay như: bài học yêu thương, bài học phục vụ, bài học khiêm nhường; nhiều nhân đức bổ ích như: đức tin, đức cậy, đức mến; nhiều chân lý cao siêu về Thiên Chúa như: Thiên Chúa là Cha, Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, mối liên hệ về Ba Ngôi Thiên Chúa, con đường cứu độ là con đường thập giá, con đường tới Chúa Cha… Dần dần các ông hiểu được Chúa Giêsu là ai đúng nghĩa, làm môn đệ của Ngài phải thế nào, rồi các ông trung thành với Chúa cho đến cùng, sẵn sàng chết để làm chứng nhân cho Chúa.
Đời sống đức tin của người tín hữu, cuộc sống đạo của mỗi chúng ta, là một hành trình dài nhiều gian lao vất vả. Mỗi ngày mỗi ngày, từng bước từng bước, gặp gỡ, hiểu biết Chúa Giêsu, và sống mật thiết với Ngài. Nhờ đó mà đức tin, lòng mến, niềm cậy trông của chúng ta đặt ở nơi Ngài được lớn lên. Như các môn đệ của Chúa Giêsu năm xưa, mỗi ngày được Chúa Giêsu huấn luyện để lớn lên về hiểu biết Chúa Giêsu, về đức tin, về lòng mến dành cho Chúa Giêsu để rồi dấn thân trọn vẹn cho Chúa bằng cả mạng sống, chúng ta hôm nay cũng vậy. Nguyện xin Chúa giúp mỗi tín hữu cũng được như vậy. Amen!