Khởi đầu hành trình làm mới lại

Thứ ba - 21/02/2023 08:49  659
images 1Trong tất cả những thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên, con người có vị trí trổi vượt. Trổi vượt ở chỗ con người được thông chia lý trí, ý chí và tự do của Thiên Chúa, đặc biệt hơn là để chúng ta có đời sống sung mãn trong mối tương quan mật thiết với Đấng Tạo hóa.

Tuy nhiên, con người không biết trân trọng những đặc ân ấy, đã quay lưng lại với Thiên Chúa, đã phạm tội bất phục tùng Người. Khi con người đầu tiên phạm tội, con người đã bị xáo trộn trong tương quan với Thiên Chúa, và tương quan giữa người với người cũng bị đảo lộn.

Dù cho con người bất trung, nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương con người qua lời hứa ban Đấng Cứu Độ, nhưng nhìn lại lịch sử nhân loại và cho đến hôm nay, mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân vẫn có những bất trật tự khởi đi từ việc con người với bản tính yếu đuối bất toàn và đầy giới hạn.

Việc xức tro trên đầu nhắc mỗi người nhìn nhận thân phận yếu đuối mỏng dòn và bất toàn, để đi vào một tiến trình sám hối thực sự khởi đi từ chính cõi lòng của mình như lời ngôn sứ Giôen: “Hãy xé tâm hồn, chớ đừng xé áo các ngươi” [1](Ge 2,13). Nói cách khác, Mùa Chay cũng là Mùa để chúng ta thực hiện tiến trình tái lập mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, như ngôn ngữ của Thánh Phaolô: “Anh em hãy làm hoà cùng Thiên Chúa. Ðấng không hề biết đến tội lỗi thì Thiên Chúa đã làm Người thành thân tội lỗi vì chúng ta, để trong Người, chúng ta được trở nên công chính của Thiên Chúa.” (2 Cr 5,20). Thành quả của việc hòa giải với Thiên Chúa nhờ Đức Ki-tô mặc khải rằng ngày cứu độ đã đến. Thánh Phao-lô trích dẫn sấm ngôn của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị gởi cho những người lưu đày ở Ba-by-lon để loan báo cho họ giờ giải thoát sắp đến gần: “Ta sẽ nhận lời ngươi vào thời ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ” (Is 49,8).[2]

Chúng ta được mời gọi tái lập mối tương quan với Thiên Chúa một cách tích cực trong Mùa Chay thánh này, để khởi đi mối tương quan với Thiên Chúa, ta lại tiếp tục sống cuộc sống sung mãn, tiếp tục đón nhận những ân sủng mà Thiên Chúa ban. Một khi ta sống thân mật trong mối tương giao với Thiên Chúa thì ta cũng sống mỗi tương quan thân tình với anh chị em của mình bằng những ân huệ mà chúng ta đón nhận từ nơi cung lòng Thiên Chúa.

Qua bài Tin mừng thứ Tư lễ Tro, Đức Giêsu cho chúng ta thấy tiến trình lập lại mối tương quan được thực hiện một cách cụ thể qua một thái độ, một cung cách sống với ba việc: cầu nguyện[3], ăn chay[4], làm việc lành[5].

 Qua việc cầu nguyện, ta được mời gọi sống hiệp thông với Thiên Chúa qua việc chúc tụng tạ ơn vì vô vàn ơn lành Chúa ban. Dù con người tội lỗi thể nào, Thiên Chúa vẫn không bao giờ từ bỏ, luôn tin tưởng và chờ đợi con người. Vì thế, cầu nguyện là cách thức để đốt lên lòng trông cậy. Khi cầu nguyện, ta kín múc được sức sống từ Chúa và liên kết tình tương giao với Ngài. Đàng khác, đời sống cầu nguyện phải được khởi đi từ cõi lòng trong sự khiêm nhượng thẳm sâu, cung kính trước Thiên Chúa là Đấng tạo dựng đất trời.

Qua việc bác ái, chúng ta sẻ chia cho người khác những thứ họ cần bởi đơn giản họ cũng là những con người nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Khi chia sẻ chân thành cho người khác, chúng ta làm cho tâm hồn trở nên thư thái bình an. Việc sẻ chia này như một lời nhắc nhở bổn phận đối với những người kém may mắn hơn mình, không đơn thuần chỉ là việc bố thí bát gạo, gói mỳ… cho bằng hiện diện, đồng cảm qua việc sống cùng và sống với những anh chị em ấy. Đơn giản, chúng ta là con một Cha và anh em một nhà.

Qua việc ăn chay, chúng ta hãm mình để tiết chế những đam mê, dục vọng chi phối. Khổ hạnh thuyết mà người ta thường khoe khoang đều lố bịch và mâu thuẫn, vì nó biến lòng thống hối thành tội lỗi: con người giả bộ sầu khổ ngoài mặt, còn sự thật nhiều khi cúng ta làm bộ để người ta tin rằng họ ăn chay. Việc tỏ vẻ thống hối bên ngoài thật nguy hiểm,vì nó che đậy dục vọng của mình một cách ích kỷ, dưới chiêu bài tôn giáo. Đặc tính của mặt nạ là giả, không gì xấu xa hơn mặt nạ về lòng sốt sắng, vì nó làm cho người khác chê cười. Tuy nhiên, chúng ta cũng không được rơi vào một thái cực chối bỏ mọi hành động thống hối bên ngoài. Không thể vì thấy một vài lạm dụng mà kết án hành động thống hối. Người ta vẫn ăn chay, nhưng ý hướng ngay lành. Người ta sẽ ăn chay để làm vinh danh Chúa, không phải để tôn vinh con người.[6] Kẻ khắc khổ giả tạo không phải là một người từ bỏ, nhưng là một người tham vọng. Nói vậy để ý thức việc ăn chay không hệ tại ở việc ăn cái gì, ăn như thế nào, nhưng hệ tại ở việc khởi đi từ đời sống của một người tay sạch lòng thanh.

Mùa Chay cũng là mùa tái khởi lập mối liên hệ hài hòa với Thiên Chúa và với anh em. Cách nào đó Mùa Chay là 40 ngày làm mới lại tâm hồn để cuộc sống của chúng ta tràn ngập niềm hoan hỷ. Xin Chúa ban cho mỗi người nhận thức được ý nghĩa cao đẹp của lời mời gọi sám hối để mùa Chay trở nên Mùa ân phúc, mùa tái khám phá mối liên hệ thân tình với Chúa, với nhau và với mình.
 

[1] Ngôn sứ kêu mời hãy hết lòng trở về với Chúa kèm theo những cử chỉ sám hối: ăn chay, khóc lóc, van nài thống thiết, xé áo, những cử chỉ này gợi ra những nghi thức tang chế và diễn tả những tâm tình buồn phiền của con người trước tội lỗi của mình; ăn chay hổ trợ lời cầu nguyện và cũng diễn tả thái độ khiêm hạ. Nhưng ông không nhấn mạnh những cử chỉ này. Điều cốt thiết là “thay lòng đổi dạ”: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng”. Hết lòng trở về với Thiên Chúa không phải thực hiện trong nỗi xao xuyến nhưng trong niềm tin tưởng. Thiên Chúa tỏ mình ra “nhân hậu và từ bi, chậm giận và giàu tình thương” như Ngài đã tự định nghĩa về mình trước ông Mô-sê (Xh 34: 6). Với lời cầu nguyện chân thành, “biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại mà hối tiếc vì đã giáng họa”.
 
[2] Thánh nhân đặt lời trích dẫn này vào thời hiện tại: “Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ”, bởi vì sấm ngôn đã được ứng nghiệm. Diễn ngữ “ngày Ta cứu độ” mang ý nghĩa kinh thánh: “thời đại”. Thời đại này được hiểu giữa biến cố Phục Sinh và ngày Quang Lâm của Đức Giê-su, tức thời chung cuộc, thời mà cuộc hoán cải của muôn dân sẽ được thực hiện. Nhưng đối với mỗi người Ki-tô hữu, cuộc hoán cải không được trì hoản: chính bây giờ là lúc thuận tiện, bây giờ là lúc phải tận dụng thời gian ngắn ngũi này để thánh hóa bản thân mình.
 
[3] Đối với việc cầu nguyện, Đức Giê-su căn dặn cũng theo một cách thức như vậy: “Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh em”. Đức Giê-su đã nêu gương. Các tác giả Tin Mừng, đặc biệt thánh Lu-ca tường thuật cho chúng ta rằng Đức Giê-su thường tách riêng một mình để cầu nguyện “trong nơi vắng vẻ”, “trên núi cao cô tịch”, vào lúc đêm xuống Đức Giê-su không khinh thường việc cầu nguyện cộng đoàn, huống chi lời cầu nguyện phụng vụ. Rõ ràng Ngài không bao giờ công bố bất cứ lời nào chống lại hội đường; Ngài đã tham dự phụng tự hội đường, ở đó Ngài đã ngỏ lời; chính Ngài, Ngài đã công khai cầu nguyện trước các môn đệ và trước đám đông. Nhưng việc cầu nguyện mà Ngài lên án là đạo đức giả, chính là cầu nguyện cốt nhằm cho thiên hạ thấy mà ngợi khen mình. Cầu nguyện là đi vào trong mối tương quan thân thiết với Thiên Chúa, Đấng ngự trong cõi thâm sâu của lòng bạn.
 
[4] Luật Mô-sê chỉ đòi buộc một ngày ăn chay đó là ngày lễ Xá tội. Nhưng cũng có những ăn chay tùy ý, ăn chay tùy hoàn cảnh và ăn chay vì lòng đạo đức. Người Pha-ri-sêu ăn chay vì lòng đạo đức vào ngày thứ hai và thứ năm trong tuần.Đức Giê-su đòi hỏi một sự biện phân tinh tế trong việc thực hành ăn chay. Khi ăn chay, đừng làm ra vẻ gì là mình ăn chay để không ai thấy là anh ăn chay ngoài trừ “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo”. Đây là bài học về lòng khiêm hạ và tôn trọng sự thật. Hành vi tôn giáo có thể không đạt được mục đích nếu ý hướng sai lầm. Nhưng điều Đức Giê-su đặc biệt muốn mặc khải, được lập lại đến ba lần như điệp khúc, đó là sự hiện diện của Thiên Chúa trong cõi thâm sâu nhất của con người. Đây là tôn giáo “thờ phượng Chúa Cha trong tinh thần và sự thật” mà Đức Giê-su đã mặc khải cho người phụ nữ Sa-ma-ri.
 
[5] Huấn thị bố thí được ghi trong Lề Luật: “Anh em đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng… Anh em phải cho một cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng; thật vậy vì việc đó, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ chức phúc cho anh emtrong mọi việc anh em làm và mọi công trình tay anh em thực hiện. Vì trong đất của anh em sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh em: hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh em, trong miền đất của anh em” (Đnl 15: 7-11). Huấn thị này chiếm một chỗ quan trọng trong văn chương kinh sư. Các sách minh triết cũng thường ca ngợi đức hạnh này. Nhờ Tin Mừng Gioan, chúng ta biết rằng Đức Giê-su, dù nghèo, cũng đã thực thi bố thí một cách kín đáo (Ga 13: 29). Bố thí không phải là một cử chỉ phô trương cho thiên hạ thấy, bởi vì Thiên Chúa là “Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo”.
 
[6] Richard Gutzwiller, Suy niệm Tin Mừng Matthêu. Niềm Tin.  Tr. 119- 126 và 157- 160
 

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập304
  • Máy chủ tìm kiếm46
  • Khách viếng thăm258
  • Hôm nay64,088
  • Tháng hiện tại925,623
  • Tổng lượt truy cập69,985,497
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây