Giuđa: Bi kịch của sự vâng phục chưa trọn hảo

Thứ ba - 04/04/2023 04:15  5756
z4236011941879 b4e006885b1af03f2a2180db350be7a5Bài Tin mừng Thứ Ba Tuần Thánh đề cập đến biến cố Chúa Giêsu tiên báo việc Giuda Iscariot[1] sẽ nộp Chúa. Khi suy niệm, chúng ta thường bị ám ảnh về một nhân vật Giuđa bán Chúa, phản Chúa. Theo tâm lý bình thường, chúng ta dễ quy cái chết của Đức Giêsu cho Giuđa. Tuy nhiên, có phải thật sự Giuđa giữ vai trò chính trong việc nhà cầm quyền Do-thái giáo bắt giữ Đức Giêsu và gây ra cái chết thê thảm cho Người trên thập giá? Chẳng lẽ Thiên Chúa lại để Con của Người phải chết oan uổng bởi một kẻ phản bội trong Nhóm Mười Hai? Ai mới là người chịu trách nhiệm chính về việc “trao nộp” Đức Giêsu? Trong tác phẩm “Đêm tối của Giuđa”[2], Jean-Francois Bouthors đã thử hóa mình vào vị trí của Giuđa để tìm hiểu tâm trạng của Giuđa đêm hôm đó. Tác giả Bouthors đã cố gắng lý giải làm sao một môn đệ, một Tông đồ đã được tuyển chọn kỹ càng lại có thể trở thành một tên xấu xa như thế. Cuối cùng ông đã tìm thấy một ánh nến trong đêm tối nội tâm của Giuđa.

Bài suy tư vụn dại này không nhằm bảo vệ Giuđa, nhưng qua việc đặt mình trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, chúng ta dễ có một sự đồng cảm và cách nào đó không vội kết án Giuđa.[3] Tôi chẳng như Giuđa, kẻ lúc nào cũng nghĩ đến tiền sao? Gượm đã! Bourthors tra vấn, bình thường thì chẳng sao nhưng ngày mai, vào giờ phút phải chọn lựa, ta sẽ làm gì. Cả Giuđa và chính tôi đều là những kẻ đào tẩu, đào tẩu và trốn chạy khỏi tình yêu thương của Thiên Chúa. “Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối” (Ga 13,30). Đến khi nào tôi mới thực sự “đi ra”, mới thực sự đào tẩu khỏi căn phòng Tiệc Ly, căn phòng đầy tràn những lời và những việc yêu thương? Trời xung quanh tôi đã bắt đầu tối chưa? Bây giờ, và khi đó, chẳng có người anh em nào có thể bào chữa điều gì cho tôi. Chỉ mình tôi, với niềm hy vọng vào tình yêu Thiên Chúa, mới có thể bào chữa cho mình. Niềm hy vọng ấy thực sự là một lời bào chữa hữu hiệu nhất. Khi bào chữa như thế, tôi còn được chính Thiên Chúa hậu thuẫn, vì “tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi”!

Xuyên suốt bản văn Kinh Thánh, ta thấy chẳng riêng gì Giuđa! Những môn đệ còn lại, và cả chúng ta nữa, ai dám khẳng định mình sẽ không nộp Đức Giêsu? Hết thảy trong số còn lại kia (mười một môn đệ còn lại và chúng ta) khi theo Thầy đều có những ý định riêng, những tính toán riêng, những chờ mong và kiếm chác riêng. Có thể chúng ta dễ kết luận Giuđa là người luôn nhìn mọi thứ dưới nhãn quan kinh tế, thực dụng, lúc nào cũng “tiền”, giống con người hiện đại hôm nay. Nhưng với cái nhìn của người viết, Giuđa là người sống có chính kiến, tách biệt ra khỏi 11 vị sống “tâm lý đám đông” kia. Có lẽ, trong suy nghĩ của Giuđa, Đức Giêsu là một nhà cách mạng. Nhưng sau một thời gian đi theo, ông thấy Ngài có vẻ không đủ “quyết tâm” như ông đang mong, đang nghĩ. Thế là ông nộp Đức Giêsu ra trước quyền lực đạo đời. Có lẽ, nhờ biến cố này, Thầy sẽ mạnh mẽ hơn để chiến đấu hầu “cách mạng” được thành công.[4]

Hẳn là không có sự tác động của Thần Khí, chẳng ai có thể hiểu và theo Đức Giêsu được đâu. Điều rất đáng tiếc cho Giuđa, là anh không thể tiếp tục hành trình theo Đức Giêsu. Lúc Thầy lâm nguy nơi cuộc khổ nạn, người môn đệ nào cũng đang đứng bên ngoài giáo lý của Thầy thôi! Và xem ra hành trình theo Đức Giêsu, các môn đệ xem ra vẫn còn toan tính, còn vị lợi lắm. Phải dành trọn cả một cuộc đời, phải đi hết cả một cuộc hành trình để chúng ta nhận ra ai là người trọn nghĩa, ai là người tôi trung trọn hảo. Trong hành trình của cuộc đời theo Chúa, các môn đệ cũng có những “đêm đen” của riêng mình. Đó là nỗi sợ hãi trong vườn Cây Dầu khi lính tra tay bắt Đức Giêsu, các tông đồ đã trốn hết thảy. Đó là việc liên tục chối Chúa ba lần trong dinh thượng tế, và còn là lúc một ai đó tỏ ra kém tin, cần phải được chứng kiến tận mắt để tận tay chạm vào dấu đinh trên thân thể của Người. Giuđa cũng đã trải qua những “đêm tối” liên tiếp trong hành trình theo Chúa.

Nếu bỏ qua những đêm tối của cuộc đời mà chỉ tìm đến những “công trạng” hoặc những ngày tâm hồn ta hân hoan trong “men nồng rượu mới”, bừng sáng lên trong trải nghiệm có Chúa thì làm sao chúng ta có thể cảm nhận được hết những hơn kém, những bước tiến lên hay thụt lùi của một linh hồn hướng về phía Thiên Chúa. Với Giuđa, người viết không minh oan cũng chẳng vì đổ lỗi, nhưng qua những dòng suy tư này để mọi người không chỉ có thể thấy được mình ở đâu đó trong đêm tối của Giuđa, mà giúp Giuđa nhận ra cách vượt thắng những rào cản bên trong tâm hồn bấy lâu, để họ thêm trân quý cuộc đời của những người đã “chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin”, và chính họ một lần nữa lại thêm tin yêu vào Đấng đã cất lời gọi mời.

Trong cuộc lữ hành đức tin, chúng ta có những tấm gương tín trung và vâng phục vô điều kiện trước tiếng gọi của Chúa để tận tâm lo chuyện Nước trời. Họ như những vầng sáng lớn trên bầu trời. Bên cạnh đó, cũng có những ánh sáng yếu ớt đã vụt tắt nhưng lại khơi lên những nguồn sáng khác. Có lẽ cũng chính vì điều này mà họ (Giuđa, v.v..) đã được kêu gọi, dù chẳng thể tín trung đến cuối con đường. Giuđa đã tối dần đi, lóe sáng thêm một lần yếu ớt và tắt lịm, nhưng cuộc đời của ông, cách nào đó thắp lên trong ta, nhất là với những ai đang phải đối diện với khoảnh khắc đêm đen của cuộc đời, một thứ ánh sáng của hy vọng củng cố niềm tín thác của ta vào tình thương Thiên Chúa, và để ta đủ vững bước đi hết hành trình ơn gọi đời mình.[5]

 

[1] Giuđa, tên của một người con của tổ phụ Giacóp, được giải thích như là “ngợi khen Thiên Chúa” (St 29,35). Tên ông được đặt cho vương quốc miền Nam (đối lại với vương quốc Israel), thủ đô là Giêrusalem. Hậu duệ của ông là Đavít, cũng như Đức Giêsu. Trong lịch sử dân tộc, một người nổi tiếng mang tên Giuđa là nhà cách mạng họ Macabê.

- Iscariot: a) Có người giải thích là ish-Keriot (người làng Kariot) ; b) gốc Hy-lạp La-tinh sikarios, dân khởi nghĩa, dùng dao găm (sica) để giết địch ; c) ish-karja: con người giả dối.

 
[2] Bản dịch tiếng Việt của Nt. Quỳnh Giao, FMM (NXB Tôn giáo, 2018)
 
[3] Thực ra, ngoài những lý do hiện sinh được suy ra từ đời sống thường nhật, người viết cũng dựa trên một số “manh mối” trong Kinh Thánh để có thể thông diễn việc “bào chữa” cho Giuđa.

1. Trước hết, trong Tin Mừng Mát thêu, ta thấy Ngài viết “Bấy giờ, Giu-đa, kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục […] Giu-đa ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ” (Mt 27,3-5). Chính Giuđa lúc đó đã nhận biết Đức Giêsu vô tội, tức Thầy mình không phạm phải các điều mà các thượng tế và kỳ mục mang dẫn ra để luận tội Đức Giêsu. Điều này giả định rằng, khi quyết định nộp Người, Giuđa có cùng quan điểm với giới lãnh đạo Do Thái về việc Đức Giêsu phạm thượng, chống lại Thiên Chúa và chống lại lề luật. Thánh Mátthêu nói, khi thấy Người bị kết án thì ông hối hận và nhận ra Đức Giêsu vô tội. Nhưng một người đã khăng khăng rằng kẻ này phạm thượng, đáng tội chết, đã quyết định chung tay trừng trị kẻ ấy, lại dễ lòng thay đổi quan điểm chỉ vì một bản án đúng như mong muốn được tuyên lên hay sao? Làm sao lại có sự vô lý như thế được? Còn nữa, chính Giuđa đã chủ động đến gặp giới lãnh đạo Do Thái giáo. Ông chủ động như thế để rồi dễ lòng hối hận vậy sao? Giuđa phạm trọng tội đấy nhưng ông đã ăn năn hối cải. Ta hãy thử nghe lời bào chữa này và nghĩ xem, liệu Giuđa có được tha không. Nếu “giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,10) thì Giuđa có được tha vì ông đã “hối hận” không? Hắn nhận ra tội lỗi tày trời mà mình đã gây ra cho Thầy, tức là hắn còn yêu quý Thầy rất nhiều. Nếu Đức Giêsu nói với người phụ nữ tội lỗi: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều” (Lc 7,47) thì Giuđa có vì vẫn còn yêu mến Thầy mà được tha không? Lời thuật Giuđa “hối hận” và hành động cố gắng thay đổi tình hình có được xem là lời bào chữa thánh Mátthêu dành cho người anh em của mình không? Giả như ông đã được tha, thì ta phải nghĩ thế nào về hành vi thắt cổ tự tử của ông? Mátthêu có ý gì khi thuật lại điều đó? Liệu Mátthêu có muốn bào chữa cho Giuđa không? Về tất cả những điều này, không một ai có thể khẳng định được gì!

2. Trong Tin Mừng Gioan? Thánh Mátthêu chưa từng xem Giuđa như là tay sai của ma quỷ. Ông chỉ đơn giản gọi Giuđa là kẻ phản bội hay kẻ nộp Thầy, đúng theo việc Giuđa đã làm. Nhưng còn Gioan lại mạnh miệng hơn, khi nói rằng, Đức Giêsu đã ám chỉ Giuđa là Xatan (x. Ga 6,70-71). Trong bữa Tiệc Ly, khi Giuđa vừa ăn xong miếng bánh Đức Giêsu đưa cho thì “Xatan liền nhập vào y” (Ga 13,27). Trước đó, ở Ga 13,2, tác giả còn nói: “Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su”. Điều khiến tôi ngạc nhiên là cứ hễ khi nào gọi tên Giuđa là tác giả Tin Mừng thứ tư lại nhắc đến các từ “ma quỷ”, “Satan” hay “đêm tối” – biểu tượng của ma quỷ (x. Ga 13,29-31). Riêng lần nhắc tên trong sự kiện Giuđa dẫn đoàn binh đến bắt Đức Giêsu, thì Gioan không có một liên hệ nào đến ma quỷ, nhưng thánh nhân lại diễn tả: “Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng đứng chung với họ”. Lúc đó, tại vườn cây dầu, Giuđa không còn ở bên Thầy, không còn thuộc vào Nhóm Mười Hai nữa, ông chọn “đứng chung” với những kẻ đến bắt Thầy và sẽ đóng đinh Thầy. Gioan đang kết án người anh em của mình sao? Người môn đệ Chúa yêu, người Tông đồ duy nhất gọi tên Thiên Chúa là tình yêu lại phán xét và kết án người anh em của mình sao? Có vẻ như lối mô tả của thánh Gioan ám chỉ rằng Giuđa đang bị quỷ ám, khi lần lượt gọi ra các hành động “gieo” và “nhập”, sau cùng là “đứng chung” về phe “quân dữ”. Ban đầu là ma quỷ từng bước mò mẫm vào ý định của Giuđa, ý định xấu ấy vẫn chưa chuyển hóa hoàn toàn thành hành động. Khi đã nhập vào người Giuđa rồi, ma quỷ bắt đầu khiến ông rời bàn ăn, đi ra ngoài lúc trời đã tối, đến gặp giới lãnh đạo Do Thái, dẫn toán lính đến bắt Đức Giêsu và đứng chung với họ. Tôi tự hỏi, khi ma quỷ đã chiếm giữ con người Giuđa, thì liệu Giuđa có còn đủ tự do và ý thức trong mỗi hành động của mình không? Chính thánh Gioan đã ít nhất ba lần thuật lại việc dân Do Thái tố Đức Giêsu bị quỷ ám (x. Ga 7,20 ; 8,48 ; 10,20). Dân chúng cho rằng, có vẻ như Đức Giêsu đang nói, đang làm điều mà Người chẳng hay chẳng biết, ra như Người bị mất trí vậy. Liệu thánh Gioan có mượn kiểu nói ấy để bào chữa cho Giuđa của đêm tối hôm đó không? Rất có thể Giuđa lúc đó chẳng ý thức đủ việc mình đang làm chăng? Nhưng rồi Giuđa có “hợp tác” với ma quỷ không? Và nếu có thì việc ấy diễn ra như thế nào? Về tất cả những điều này, không một ai có thể khẳng định được gì!

 
[4] Chúng ta có thể rút ra một vài bài học từ câu chuyện của Giuđa, và đặc biệt khi so sánh với Phêrô thủ lãnh Hội thánh sau này.

1. Giuđa là người thuộc Nhóm Mười Hai, được tuyển chọn, được nghe Đức Giêsu giảng, sống thân cận với Người. Tuy nhiên sau cùng ông lại phản bội thầy và bị tách ra khỏi Nhóm Mười Hai. Như thế, ngay cả những người thân cận với Đức Giêsu cũng có nguy cơ quay lưng lại với Người vì những lý do mang tính dục vọng thế gian. Như thế, người môn đệ đích thực là người không được chủ quan, nhưng phải luôn đào sâu vào mối tương quan khăng khít với Đức Giêsu qua việc học hỏi và suy ngẫm lời Người, để có thể đứng vững trong đức tin dù có phải gặp nghịch cảnh nào.

2. Giuđa đã sai lầm, nhưng ông không phải là người duy nhất. Phêrô cũng rơi vào bi kịch như thế. Đừng quên, Phêrô chối Đức Giêsu đến ba lần dù đã được Người báo trước (Mt 26,69-75; Mc 14,66-72; Lc 22,54-62; Ga 18,15-27). Phêrô chối Chúa nhưng lời chối ấy là thật, vì ông thật sự không biết Đức Giêsu là ai. Nếu Phêrô biết rõ căn tính của Người thì đã không chối Người. Như thế, lời chối của Phêrô lại là lời nói thật. Nó phơi trần tất cả sự yếu đuối và không biết của ông. Ông cũng là người thân cận với Đức Giêsu, từng tuyên xưng Đức Giêsu… và sau này sẽ là thủ lãnh của Hội thánh, nhưng xét cho cùng ông cũng chẳng biết rõ về Đức Giêsu trong cuộc thương khó của Người. Vậy thì giữa Phêrô và Giuđa, mức độ của ai nặng hơn và đáng trách hơn? Tuy nhiên, Phêrô đã trở lại. Ông không để mình bị đắm chìm trong tuyệt vọng. Ông đã trở lại và mạnh mẽ hơn. Nhưng Giuđa thì lại khác: ông tuyệt vọng và đi vào bế tắc qua cái chết của mình.

Nếu nói Giuđa là “kẻ phản bội” thì tất cả các Tông đồ còn lại, kể cả Phêrô, cũng là những kẻ phản bội. Bởi lẽ trong cuộc thương khó của Chúa, họ đã chạy tán loạn, không còn ai dám kiên trung với Thầy. Tuy nhiên, sự ăn năn và đừng để mình phải tuyệt vọng mới là điều quan trọng hơn cả.

Như thế, bài học cho người Kitô hữu chúng ta là đừng bao giờ để mình bị tuyệt vọng. Không ai trên cõi đời này sạch tội cả. Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta là tội nhân. Nhưng điều chính yếu không phải là việc Thiên Chúa muốn sự nguyên vẹn tinh tuyền của chúng ta cho bằng một tấm lòng biết ăn năn sám hối, nhận ra những yếu đuối nơi bản thân mình để nhờ ân sủng Chúa mà được kiện toàn. Không có tội lỗi nào là không thể tha thứ, không có bế tắc nào là không thể giải gỡ, miễn là chúng ta biết quay về với Thiên Chúa – Đấng luôn yêu thương và chờ đợi để chữa lành cho chúng ta.

3. Cuối cùng, ai mới là người thật sự trao nộp Đức Giêsu ? Chẳng lẽ một vị Thiên Chúa mà lại để mình bị lệ thuộc vào một kẻ phản bội như Giuđa hay sao ? Hay phải chăng Giuđa chỉ như một “cái bẫy” để qua đó Đức Giêsu thể hiện toàn bộ căn tính và sứ mạng của mình ? Có lẽ điều quan trọng cần bàn không phải là hành vi Giuđa trao nộp Đức Giêsu, mà chính là việc Đức Giêsu tự trao nộp mình vì chúng ta, nhất là trong Bí tích Thánh Thể. Đừng quên, Tin mừng Gioan khắc họa một Đức Giêsu ra như làm chủ mọi chuyện, Người tự mình trao nộp và nếu Chúa Cha không cho phép thì không ai có quyền chi trên Người. Mặt khác, thư Rôma 8,32 nói cho chúng ta biết, chính Chúa Cha trao nộp Đức Giêsu cho nhân loại này.

 
[5] X. https://thinhviendaminh.net/theo-cach-giuda/

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập158
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm122
  • Hôm nay32,528
  • Tháng hiện tại89,915
  • Tổng lượt truy cập79,321,753
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây