Tựa vào lòng Chúa Giêsu để đọc dấu chỉ phục sinh
Thứ sáu - 07/04/2023 21:28
6314
Tin mừng Gioan có cả một chương nói về việc Phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng Phục sinh thuộc về bản chất của cuộc Tử nạn chặt chẽ đến nỗi thánh sử không dời việc tôn vinh Chúa Giêsu vào lúc sống lại mà đặt nó ngay từ khi Người chịu treo thập giá. Việc Phục sinh chẳng phải là một biến cố tiếp theo cái chết, nhưng là một yếu tố của Giờ được xét như một bản thể Giờ Chúa Giêsu qua khỏi thế gian này để đến cùng Cha. Thánh sử mô tả giá trị mặc khải và giá trị cứu rỗi của Giờ đó không phải tiếp theo cuộc Phục sinh, song từ trước lúc Chúa Giêsu chết, vì thần học của ông bao gồm toàn thể các sự kiện. Ngay đầu diễn từ giã biệt, ông trình bày cho thấy Chúa Giêsu đang giải thích làm sao việc Người ra đi chẳng phải là ra đi nhưng là đến thật sự với môn đệ. Vì thế, các lần hiện ra của Chúa Giêsu phục sinh, đối với Gioan, không hẳn là những bằng chứng hộ giáo về thực tại Phục sinh cho bằng là những giai đoạn mặc khải ý nghĩa đích thực của việc Người ra đi: ra đi là đến với thuộc nhân của Người.
Ngay từ đầu, việc khám phá mồ trống (20,1-9) đã đòi hỏi cái nhìn đức tin.[1] Nỗi lo sợ trộm xác, những lần đi đi về về bồn chồn trọn con đường dẫn tới mộ, tất cả bầu khí của buổi sáng hôm đó chứng tỏ các môn đồ kính yêu sâu xa vị Thầy đã khuất – và có lẽ cũng đắng cay thất vọng trước sự sụp đổ của Vương quốc Thiên sai nhưng không mấy biểu lộ cho thấy là họ am hiểu đúng đắn mọi sự kiện. Sự hiểu biết này chỉ bùng lên trước mồ trống nhờ ánh sáng của đức tin và lời Kinh thánh mà thôi.
Chúng ta vừa cử hành Tam nhật Vượt qua để hiện tại hóa cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu. Cả bốn Tin mừng đều thuật loại biến cố Đức Giêsu Phục sinh bằng các sự kiện về ngôi mộ và những lần hiện ra của Đức Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại những gì đã diễn ra vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, với sự xuất hiện đặc biệt của Maria Macđala và người Môn Đệ Chúa Giêsu yêu mến. Trước hết, Tin Mừng cho biết Maria Macđala ra mộ vào sáng tinh sương, lúc trời còn đang tối. Chi tiết này cho thấy Maria Macđala vẫn còn ở trong bóng tối, chưa nhận thấy ánh sáng. Cách nào đó, có thể hiểu Maria Macđala đang sống trong bóng đêm của lòng mình nên chưa thấy được ánh sáng Phục Sinh.[2]
Khi ra mộ, các môn đệ thấy khăn vải mai táng Chúa Giêsu đã được sắp xếp gọn gàng. Sự lạ lùng này đã giúp cho người môn đệ Đức Giêsu yêu mến nhận ra được ý nghĩa của dấu chỉ. Vì thế, Tin Mừng viết “ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,9)[3]. Hai hành động “thấy” và “tin” của người môn đệ Đức Giêsu yêu mến phải được hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ ngữ. Thật vậy, những gì người môn đệ thấy hôm nay không chỉ là thấy những băng vải mà là mọi thứ ông đã thấy trong suốt thời gian theo Đức Giêsu trên hành trình rao giảng Tin Mừng.[4] Dĩ nhiên, những gì ông thấy hôm nay cũng gợi lại tất cả những gì đã thấy khi đứng dưới chân Thập giá Đức Giêsu. Cái thấy của người môn đệ này là thấy hết giá trị, thấy tường tận những ý nghĩa của các biến cố đã được chứng kiến.
Như vậy, cách thức Tin Mừng trình bày về người môn đệ Đức Giêsu yêu mến làm cho ông trở thành một con người lý tưởng, một người môn đệ mẫu mực cho tất cả chúng ta cũng như cho mọi Kitô hữu ở mọi nơi và trong mọi lúc. Sự kiện Chúa Giêsu Phục sinh là sự kiện độc nhất vô nhị, một sự kiện “vô tiền khoáng hậu” trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Là Kitô hữu, là người môn đệ Đức Giêsu, chúng ta không nghi ngờ gì nữa về mầu nhiệm Phục sinh của Người. Nhưng xét trong thực tế, chúng ta đang sống đời sống Đức tin của chúng ta theo cung cách của Maria Macđala hay theo của người Môn đệ Đức Giêsu yêu mến. Câu chuyện Tin mừng hôm nay giúp chúng ta học được gì từ hai nhân vật này?
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, dù Đức Giêsu đã sống lại, nhưng tâm hồn Maria Macđala vẫn còn đau buồn khi nhìn thấy thực trạng ngôi mộ. Bà đau khổ bởi không hiểu được ý nghĩa của huyệt mộ. Tại sao vậy? Đó là do bà vẫn đứng ở chỗ đứng của con người, vẫn hiểu theo cách hiểu của con người, vẫn tin theo cách tin của con người. Bà chưa dám vượt qua những giới hạn của con người. Vì thế, bà chưa biết được rằng đức Giêsu đã phục sinh.
Cũng vậy, nếu chúng ta chưa vượt qua những giới hạn của con người, chưa dám vượt qua cách hiểu và cách sống Đức tin cũ kỹ; chúng ta chưa tin Chúa Kitô phục sinh, không thể thấu hiểu được mầu nhiệm ấy, không thể đón nhận và sống màu nhiệm ấy một cách sung mãn và tròn đầy được. Vì thế, chúng ta cần lắm những bước nhảy của đời sống Đức Tin như người Môn đệ Đức Giêsu yêu mến, người đã chạy rất nhanh ra mộ. Như vậy người Môn đệ Đức Giêsu yêu mến đã tin biến cố Phục sinh thế nào thì chúng ta cũng cần tin và tin vững vàng vào Đấng Phục sinh như vậy.
Trước Mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Giêsu, người Kitô hữu chúng ta tin suông không thôi thôi thì chưa đủ. Chúng ta cần dám đi vào tương quan với Đức Giêsu, đi vào trong tương quan với tha nhân, đi vào giữa cuộc đời để sống chứng nhân. Có như vậy, chúng ta mới thực sự là những người tin. Có như vậy, chúng ta mới thực sự là những môn đệ. Trong niềm vui mừng Chúa Phục Sinh, chúng ta được mời gọi chúng ta suy niệm hình ảnh của Maria Macđala và của người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến qua việc nhận biết ý nghĩa những dấu chỉ của biến cố Phục Sinh.
Ước mong, tất cả chúng ta biết tìm kiếm ý nghĩa của những dấu chỉ trong tim mình cũng như dấu chỉ của thời đại. Nhờ đó chúng ta biết tin và biết sống Mầu nhiệm Phục sinh, hầu có thể nói lên lời của người môn đệ Đức Giêsu yêu mến: “tôi đã thấy và đã tin”.
Buona Pasqua.
Alleluia!Alleluia!Alleluia!
[1] Lễ Vượt qua Do thái trôi đi mà chẳng ai bàn đến ngôi mộ bị niêm phong của Chúa Giêsu. Đối với các môn đồ, đại lễ ấy thật là một lễ buồn thảm. Mộng vàng tan mây! Người mà thiên hạ tưởng là Đấng Messia nay nằm dưới ba tấc đất. Câm lặng, họ nhìn đống tro tàn hoài bão của mình. Chúng tôi đã hy vọng … các môn đồ làng Emmau sẽ nói thế (Lc 24, 21). Ngày đầu tiên ấy của tuần lễ chỉ một nhịp mới trong trật tự thời gian: nó sẽ trở thành Ngày của Chúa (Kh 1, 10). Đó là ngày thứ ba sau vụ xử đóng đinh. Các phụ nữ đã có mặt bên thập giá (Mc 15,47 và song song ; Ga 19,25) đi đến mồ theo thói quen, để xức thuốc thơm (Mc 16,1 và ss) . Gioan chỉ kể tên Maria Mađalêna, nhân vật chính của lần Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra đầu tiên; bà cũng là kẻ được Tin Mừng Nhất lãm xướng danh trước hết: chắc hẳn vì là người hoạt động nhất. Khi nghe người thanh niên đứng trong mồ trống báo tin là Chúa đã sống lại và nói các bà đi báo tin cho Phêrô và các môn đệ của Người.
Không tìm gì hơn, Maria vụt bỏ chạy. Bà đi báo động cho đội tiền phong của nhóm nhỏ môn đồ: Phêrô và người môn đồ dấu yêu Hai kẻ này đã từng đấu tranh để dành chỗ nhất biết mấy! Trình thuật chúng ta là một tiếng vọng xa xôi của mối tranh chấp giữa họ. Người môn đồ yêu dấu đã theo Chúa Giêsu trước Phêrô (1,37-40). Nếu ông này đã là phát ngôn viên của cả nhóm trong một giây phút khủng hoảng (6,68-69), thì Gioan vẫn là người môn đồ thân thiết nhất, gần gũi nhất với Chúa Giêsu trong bữa Tiệc cuối cùng (13,23), bữa tiệc mà Phêrô chỉ được cái là xử trí sai lầm. Tính táo bạo thiếu suy nghĩ của Phêrô còn lộ liễu ở vườn Ghetsêmani, nơi mà nhát kiếm vô ích của ông cho thấy ông kém thông minh rõ ràng (18, 10- 11). Và khi đến giây phút quyết định thì ông lại chối Chúa Giêsu (18, 17). Người môn đồ dấu yêu trái lại đứng kề thập giá và được Chúa Giêsu trao phó mẹ người cho (19,25). Nếu xét khách quan kỹ lương, thì ông này là kẻ xứng đáng cầm đầu nhóm nhất. Người đồ đệ ấn hành tác phẩm Gioan quả không lầm về điểm đó: nịnh thuật việc trao quyền cho Phêrô cố ý “hóa giải” ba lần chối Chúa và Phêrô anh như cũng bỡ ngỡ thấy mình được cho đứng trên người môn đồ dấu yêu (21, 15-22). Chúng ta đừng quên rằng đây là một sự tuyển chọn.
[2] Giữa lúc ấy, Maria Mađalêna trở lại mồ. Bản văn hình như ngầm bảo hai môn đồ còn ở đó. Nhưng họ bỏ bà và ra về. Phải chăng các ông đã không chia sẻ cho Maria mối linh cảm của mình, hay bà vẫn thờ ơ với chuyện ấy? Bà đến để than thở theo tục lệ, thành ra vẫn đứng khóc cạnh mồ, mặc dầu xác chẳng còn bên trong. Nước mắt bà chứng tỏ lòng quyến luyến sâu xa. Nhưng đây đâu phải là nơi tuôn đổ giọt lệ nhân trần? Chúng làm cho Maria không thấy rõ ràng trong ngôi mộ trống. Người môn đồ yêu dấu đã chỉ cần nhìn là đủ tin, vì nhớ lại lời Kinh Thánh.
Phần Maria, phải có sự trợ lực của hai thiên sứ. Thật là một cuộc hiện ra rất gợi hình: họ mặc áo trắng, như thói quen của các nhân vật thiên quốc (Mc 9,3 và ss; 16,5 và ss: Cv 1, 10 ; Kh 3, 4-5 ; 4, 4). Nhị vị ngồi hai đầu nơi đã đặt xác Chúa Giêsu (Lc 24, 4) : nghĩa là thực tại thiên giới muốn phân định đâu là nơi đã an táng Người. Dấu hiệu này lẽ ra đủ cho Maria hiểu. Nhưng một lần nữa, phản ứng nhân loại của bà lại cản trở sự hiểu biết của đức tin. Đáp câu hỏi của thiên thần, bà trút cả nỗi niềm xao xuyến và như vậy cho thấy chẳng hiểu gì trơn. Người ta đã cất xác Chúa bà và không biết họ đặt Người ở đâu. Trên miệng bà, tiếng Chúa có nghĩa là Thầy yêu dấu. Nhưng đối với thánh sử và độc giả, đó là Đấng Phục sinh. Song Mana còn khuya mới nghĩ tới chuyện sống lại! Đấy là chủ đề “ngộ nhận” trong Gioan (.x. 11, 23-24).
[3] Người môn đồ thấy và tin: nét nghịch lý của cuộc Tử nạn đã tìm được lời giải nghĩa. Tất cả đều đáp lại ý hướng của Thiên Chúa diễn tả trong Thánh Kinh. Vị thánh sử già nua mỉm cười hồi tưởng đức tin chớm nở ấy, nhớ làm sao mình đã là người đầu tiên linh cảm chân lý. Nhưng bây giờ ông cần phải đưa độc giả của ông đến, sự hiểu biết trong đức tin đó, làm cho họ hiểu lâu nhớ kỹ như ông ý nghĩa của cuộc phục sinh đối với họ: đó là một sự hiện diện tròn đầy hữu hiệu và thường xuyên của Chúa.
[4] Dù nặng chất thần học đến đâu, các trình thuật này vẫn không kém sống động. Chúng chẳng những nói lên một kinh nghiệm sống động phi thường trong mọi chi tiết, mà còn đặc biệt diễn tả lột cảm giác ngỡ ngàng còn kéo dài mãi về sau. Chúng thật sự làm sống lại cuộc khám phá sau đây: phục sinh có nghĩa là Chúa Giêsu hiện diện mãi mãi. Cùng với các môn đồ đầu tiên, chính độc giả cũng cảm nhận được cú va chạm mở tung cho mình sự hiểu biết trong đức tin. Một bút pháp rời rạc, một diễn từ trực tiếp, một mở hỗn tạp thì hiện tại và bán quá khứ, từng ấy các yếu tố đều góp phần làm nổi bật cách mạnh mẽ cảm thức của một kinh nghiệm sống. Thánh sử đã sống trong bao năm trường sự hiện diện của Chúa Kitô; thế nhưng ông vẫn không quên được ấn tượng của giây phút ban đầu ấy. Với tài khéo léo, ông giữ lại được ở đây giây phút của sự’ khám phá đó, giây phút duy nhất trong muôn ngàn. Các trình thuật làm ta bỡ ngỡ vì tính chất tươi mát, vì bút pháp trực tiếp, vì nồng độ tình người của chúng. Dù chú tâm chiêm ngửng trong đức tin cái thực tại sâu xa của việc Thiên Chúa hiện diện qua các biến cố, bản văn vẫn không vì đầy tính trở thành một suy tư thần học. Chúa Giêsu đứng đó, thình lình, trước mặt những con người đích thực, và lộ những phản ứng đầy tính chất người đến nỗi về sau có kẻ trách là không mấy hợp lý. Chúa Giêsu tỏ ra rất nhân bản, ân cần và đầy vẻ khôi hài … đến nỗi vài nhà phê bình dã từng cho rằng Tin Mừng này là một khái luận thần học, cũng nói đến tính khôi hài của Người! Ngay cả lúc ấy, Ngôi lời vẫn nhập thể; nhưng chỉ lúc ấy, sự hiện diện thần hình trọn vẹn nới trở thành một thự( tại nhân loại mãi mãi.