Nghịch lý đi theo Chúa

Thứ năm - 18/05/2023 00:09  1558
Thứ Năm tuần VI Phục sinh

81994Khi Đức Giêsu còn sống bên các môn đệ, chưa xảy ra chuyện các môn đệ bị thù ghét một cách nghiêm trọng. Nhưng khi Tin Mừng Gioan được viết gần xong thì chuyện đó đã xảy ra rồi. Các Kitô hữu gốc Do Thái bị trục xuất ra khỏi hội đường và người Rôma đã bách hại họ cách không nương tay. Hàng ngàn người bị bách hại, bị bắt, bị lột quần áo, bị đưa vào các hí trường La Mã cho thú dữ ăn thịt. Bài Tin Mừng hôm nay là một lời tiên báo của Đức Giêsu về số phận của các Kitô hữu trong mọi thời đại: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng”. Tại sao vậy? Điều này có nghịch lý không?
 
1. Anh em sẽ khóc lóc và than van
 
Đây là lời tiên báo của Đức Giêsu cho các môn đệ về những đau khổ, lo buồn mà các ông sẽ phải trải qua. Ngài nói với các môn đệ trong bối cảnh Thầy trò sắp ly biệt. Chính cái chết trên Thập Giá trở thành biến cố đau thương cho các môn đệ, khiến các ông thất vọng, muốn bỏ cuộc vì phải xa cách Chúa. Sự lo buồn nơi các Tông đồ thật dễ hiểu, vì đây là tâm trạng tự nhiên của con người khi phải xa cách người Thầy yêu mến. Các ông lo vì Người đã nói đến sự thương khó mà Ngài đã ba lần báo trước và bây giờ là gần kề. Đồng thời, Chúa cũng báo trước cho các ông sẽ phải khóc lóc và than van để các ông khỏi bị ngỡ ngàng khi chứng kiến sự bách hại rất tàn nhẫn của thế gian đối với những người theo Chúa.

Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ năm xưa, cũng là nói với chúng ta hôm nay. Con đường theo Chúa không phải là con đường dễ dãi, nhưng là con đường đau khổ, con đường thập giá. Trong cuốn Đường hy vọng, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận từng viết: “Tránh gian khổ con đừng mong làm thánh” nhưng “khi đau khổ cực độ, con hãy nhìn lên thánh giá, ôm choàng lấy thánh giá và con sẽ thinh lặng đứng vững như Đức Mẹ” và hãy nhớ: “Giữa những thử thách sao sánh được với nước thiên đàng”[1]. Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là việc Chúa Giêsu nói: “còn thế gian sẽ vui mừng”.

2. Thế gian sẽ vui mừng
 
Đây chính là sự tiên báo về những thú vui ác độc của thế gian. Thế gian có nghĩa là những người cố tình từ chối Chúa Giêsu. Họ chọn ma quỷ thay vì Thiên Chúa. Thế gian chối bỏ và thù ghét Chúa Giêsu và họ cũng không biết Thiên Chúa. Vì ghét Chúa Giêsu nên thế gian cũng ghét các môn đệ thuộc về Chúa. Thế gian sẽ vui mừng khi thấy Đức Giêsu thất bại, nhất là cuộc khổ nạn của Đức Giêsu và cái chết tất tưởi của Ngài trên Thập Giá, thủ lãnh thế gian tưởng rằng mình đã chiến thắng, tưởng Đức Giêsu chết là hết. Nhưng niềm vui của thế gian không được là bao, nó vụt tắt khi Đức Giêsu Phục Sinh và những ai cùng chết và cùng sống lại với Ngài. Tuy nhiên, vì ghen tức với ân sủng của Đấng Phục Sinh hằng tuôn đổ trên các các môn đệ theo Chúa, nên thế gian vẫn tìm cách cám dỗ và bách hại những người tin theo Chúa. Vào những thế kỷ đầu, Giáo Hội bị bách hại cách tàn nhẫn, nhiều Kitô hữu bị bắt để làm trò vui cho các thế lực cường bạo của thế gian. Đôi khi cái vui của thủ lãnh thế gian lại là những thú vui hạ đẳng của con người khi họ chìm đắm trong tham sân si, trong nhục dục và quyền lực. Cả những thất vọng và đau khổ cùng cực của con người cũng làm cho thủ lãnh thế gian vui mừng.

3. Chúng ta phải làm gì trước những đau khổ?
 
Cuộc sống dương gian và những đau khổ mà con người phải chịu ở đời này, rồi cũng qua đi. Vì đời này quá ngắn, đời sau mới dài. Nhưng thật đáng tiếc, nhiều khi con người lại đi tìm những thú vui chóng qua. Đối với những thú vui chóng tàn mau qua, chúng ta đừng quá bám víu để khi nó tàn chúng ta không bị thất vọng. Với những thứ vui mà chẳng mấy chốc sẽ biến thành nỗi buồn, ta cũng đừng nên mất công tìm kiếm và đừng theo kiểu thử để cho biết. Trong khi: “ngày nào cũng có cái khổ của ngày ấy”.

Cái khổ và niềm đau như một người bạn tình đi vào cuộc đời chúng ta, nhiều khi nó gắn bó với chúng ta trong suốt cuộc đời. Người ta khổ về thân xác, khổ trong việc tìm kiếm miếng cơm manh áo, về thiên tai bệnh dịch, về sinh lão bệnh tử. Người ta còn khổ về tâm linh, khi người ta loay hoay tìm hạnh phúc lâu dài. Nhưng ai có thể giải phóng chúng ta khỏi đau khổ? Ai mới là nguồn hạnh phúc đích thực đây? Lời Thánh vịnh 61 đã cất lên: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”. Quả thật, chỉ có Đức Giêsu đã tự nguyện đi vào cuộc sống con người, Ngài nếm trải những đau khổ của con người và đưa chúng ta thoát khỏi những đau khổ cùng cực của con người đó là cái chết. Con người chỉ có niềm vui đích thực, niềm vui vĩnh cửu khi được ở bên Chúa. Vì Chúa chính là nguồn vui của họ. Khi ấy: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh21,4).

Lạy Đức Kitô Phục Sinh, chúng con biết rằng thú vui thì rất nhiều, còn niềm vui chẳng có bao nhiêu. Chúng con nhận biết không có niềm vui ngoài Chúa, chỉ có niềm vui trong Chúa. Xin ban cho chúng con biết gạn lọc bản thân mình khỏi những đam mê phàm tục, khỏi những thú vui thấp hèn, để giữ một tâm hồn thanh tịnh với những niềm vui thanh khiết. Xin đừng để chúng con quá tính toán bon chen, nhưng luôn nhẹ nhàng và thanh thoát, sống thật vui với Chúa, với mọi người. Để mai sau chúng con được hưởng niềm vui bất tận bên Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen.

[1] Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng, số 695 và 702.

Tác giả: Jos. Duy Trần

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập333
  • Máy chủ tìm kiếm38
  • Khách viếng thăm295
  • Hôm nay79,783
  • Tháng hiện tại1,044,093
  • Tổng lượt truy cập71,071,850
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây