Đức Giêsu dạy cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha

Thứ năm - 22/06/2023 04:52  660
xbloch sermononthemount70ph jpg pagespeed ic 4ds5hiwltcThánh Tôma Aquinô nói: Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện tuyệt hảo. Với lời kinh này, chúng ta không những cầu xin những điều chúng ta có thể ước ao cách chính đáng, mà còn theo một trật tự những điều chúng ta đáng ao ước nữa. Vì vậy, lời kinh này không những dạy chúng ta cầu xin, mà còn huấn luyện toàn thể tâm tình của chúng ta nữa. Ước gì chúng ta biết dùng Kinh Lạy Cha để chúc tụng thờ lạy Chúa Cha, bởi vì, Người đã cho chúng ta được tái sinh vào sự sống của Người, khi nhận chúng ta làm nghĩa tử trong Con Một của Người. Hội Thánh chính là sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người: vì được kết hợp với Con Một của Người, Đấng đã trở thành “trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29), Hội Thánh được hiệp thông với cùng một Chúa Cha, trong cùng một Thánh Thần. Do đó, tuy còn có sự khác biệt giữa các hệ phái Kitô giáo, nhưng Kinh Lạy Cha vẫn là gia sản chung và là lời mời gọi khẩn thiết đối với mọi Kitô hữu, cùng toàn thể nhân loại đi vào trong sự hiệp nhất nên một. Giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau suy niệm từng lời cầu xin mà Đức Giêsu đã dạy.

Khi chúng ta “nguyện Danh Cha cả sáng”, là chúng ta đang cầu xin cho Danh Cha được thánh hóa trong chúng ta, là những kẻ đã thuộc về Cha, cũng như trong mọi kẻ khác, là những người, mà ơn thánh Cha còn đang chờ đợi họ.

Khi chúng ta “nguyện Nước Cha trị đến”, chúng ta phải thấy rõ sự khác biệt giữa thăng tiến Nước Cha, và tiến bộ xã hội chúng ta đang sống. Tuy phân biệt, nhưng không tách biệt, vì thế, chúng ta phải biết sử dụng các năng lực và phương tiện Cha ban, để phục vụ công lý và hòa bình trên mặt đất này, để nhờ đó, chúng ta cùng nắm tay nhau xây dựng một nền văn minh tình thương: mọi người cùng nhận biết nhau là anh chị em con cùng một Cha trên trời, hầu để, Nước Cha được hiển trị ngay trong đời sống của chúng ta.

Khi chúng ta “nguyện Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, chúng ta được kết hợp với ý muốn của Đức Giêsu, để chu toàn thánh ý Cha, là kế hoạch yêu thương, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô. Chúng ta phải ý thức được sự hoàn toàn bất lực của mình, để chúng ta biết kết hợp với Đức Giêsu, và nhờ quyền năng Thánh Thần của Người, chúng ta có thể phó dâng cho Cha: ý muốn của chúng ta và quyết định: luôn chọn điều Đức Giêsu đã chọn: Đó là… luôn làm đẹp Ý Cha.

Khi chúng ta “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”, chúng ta phải ý thức rằng: lời cầu xin thứ tư này liên quan đến Bánh Trường Sinh: đó là Lời Chúa và Thánh Thể. Chúng ta phải luôn biết kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể, chính Người là hạt lúa đã được gieo vào lòng Đức Maria, được dậy men trong xác phàm, được làm thành bánh trong cuộc khổ nạn, được nấu nướng trong lò huyệt đá, được lưu giữ trong các nhà tạm, và được dâng lên trên các bàn thờ mỗi ngày, để cung cấp của ăn đàng hằng ngày cho chúng ta.

Khi chúng ta “xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”, chúng ta phải ý thức rằng: Kinh nguyện Kitô giáo phải đi đến tận cùng của tình yêu: là tha thứ cho kẻ thù, bởi vì, lời nguyện này sẽ làm cho chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Con Cha. Chúng ta phải luôn biết tha thứ cho nhau, bởi vì, tha thứ là tột đỉnh của tình yêu Kitô giáo, là bằng chứng hùng hồn cho thế giới hôm nay: tình yêu thì mạnh hơn tội lỗi.

Khi chúng ta “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, chúng ta phải ý thức rằng: Trong cuộc chiến đấu này, chúng ta chỉ có thể chiến thắng nhờ cầu nguyện, như xưa, Ðức Giêsu đã chiến thắng Tên Cám Dỗ, lúc khởi đầu sứ vụ, và trong cuộc chiến cuối cùng: vào giờ hấp hối. Chúng ta phải kết hiệp với Đức Kitô trong cuộc chiến đấu và cơn hấp hối của Người, để chúng ta khỏi sa chước cám dỗ, nhưng, bền đỗ đến cùng giữa biết bao cám dỗ đang rình rập xung quanh chúng ta.

Khi chúng ta “xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”, chúng ta phải ý thức rằng: phàm ai đã được Chúa Cha sinh ra, thì không phạm tội, nhưng có Ðấng, mà Chúa Cha đã sinh ra gìn giữ, và bảo vệ, Ác Thần sẽ không thể nào đụng đến được. Chúng ta phải luôn vững tin rằng: Chúa Cha sẽ hằng rộng lòng thương cứu giúp, và giải thoát chúng ta khỏi mọi biến loạn, đang khi chúng ta đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Ðức Giêsu Kitô, Ðấng cứu độ chúng ta ngự đến.

Ước gì, khi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, chúng ta thoát ra khỏi chủ nghĩa cá nhân, và những bất đồng chia rẽ. Tình yêu của Thiên Chúa thì không có biên giới, nên lời cầu nguyện, và cung cách hành xử của chúng ta cũng phải như vậy. Khi đọc “Lạy Cha chúng con”, lòng chúng ta phải được mở rộng theo mức độ tình yêu của Chúa Cha được biểu lộ trong Đức Kitô: mức độ của tình yêu Thiên Chúa là yêu không mức độ như lời thánh Bênađô đã nói. Xuất phát từ tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại, qua Kinh Lạy Cha, Hội Thánh sẽ đem hết tình yêu của mình mà cầu nguyện với mọi người và cho mọi người chưa nhận biết Cha, để tất cả được quy tụ về một mối…

Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập458
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm417
  • Hôm nay43,622
  • Tháng hiện tại903,983
  • Tổng lượt truy cập78,907,434
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây