Thứ Sáu tuần IX Thường Niên
Mc 12,35-37
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô ghi lại lời chất vấn của chính Chúa Giêsu về danh hiệu mà các luật sĩ gán cho Ngài là “con vua Đavít”, có đông đảo dân chúng lắng nghe lời Ngài một cách thích thú.
Các ngôn sứ đã nhiều lần loan báo Đấng Cứu Thế đến bởi dòng tộc vua Đavít (Is 11,1-3; Gr 23,5; Am 9,11). Một truyền thống Do Thái xa xưa vẫn cho rằng Đấng Kitô phải thuộc dòng dõi vua Đavít (2V 7,14-17; 10,48; 11,10; Mt 1,1). Khi Chúa Giêsu vào thành thánh Giêrusalem trong ngày lễ lá, dân chúng đã từng xưng tụng Chúa là con vua Đavít và tung hô: “Vạn tuế Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến. Chúc tụng triều vua Đa-vít đang đến” (Mc 11,9-10). Thánh Mátthêu ghi lại rằng khi vua Hêrôđê hỏi các thượng tế và biệt phái về nơi sinh ra của Chúa Giêsu, họ đã trả lời: “Đức Kitô thuộc dòng tộc Đavít và đến từ Belem là thành của vua Đavít” (Mt 2,5-6). Người mù thành Giêrikhô cũng đã kêu lên với Chúa Giêsu: “Lạy con vua Đavít, xin thương xót tôi” (Mc 10,48).
Chúa Giêsu không bao giờ từ chối danh hiệu này, nhưng cũng cho biết danh hiệu đó không diễn tả đủ mầu nhiệm về chính Ngài. Vì thế, để kiện toàn những lời đã hứa với vua Đavít, Chúa Giêsu tuyên bố Ngài còn là Chúa của vua Đavít (Mt 22, 42-45). Cái khó đối với người Do thái và các biệt phái là họ không chấp nhận Chúa Giêsu là một vì Thiên Chúa nhập thể có hai bản tính. Về bản tính loài người, Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua Đavít, nhưng về bản tính Thiên Chúa, Ngài là Chúa của vua Đavít. Ngài trưng dẫn Thánh vịnh 110 để chứng minh rằng Kinh Thánh đã cho biết Đấng Kitô có một phẩm tính cao cả, mà chính vua Đavit đã gọi bằng tước hiệu “Chúa tôi”.
Sau biến cố Phục Sinh, các kitô hữu đã dùng Thánh vịnh 110 để tôn vinh Chúa Giêsu bằng danh hiệu bao hàm trọn vẹn thần tính của Người: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: ‘Đức Giêsu Kitô là Chúa’” (Pl 2, 9-11); và Ngài lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa”(Cv 2, 34-36).
Đức Kitô là Thiên Chúa thật và cũng là người thật. Đó là đức tin kiên vững của Kitô giáo. Quá nhấn mạnh tới thiên tính mà bỏ quên nhân tính, hoặc ngược lại, đều là những sai lầm tai hại. Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, như thánh Gioan đã khảng định: “Từ khởi thủy đã có Lời, và Lời vẫn ở Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Nhưng Lời đã thành xác phàm và sống giữa nhân loại để cứu độ con người và nâng con người lên địa vị con cái Thiên Chúa. Nói theo thánh Irênê: Thiên Chúa đã làm người để con người được trở thành Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho niềm xác tín đó của chúng con, không phải chỉ là một lời tuyên xưa trên môi miệng, hay lập lại một công thức trừu tượng, nhưng chính là sẵn sàng đón nhận và gặp gỡ Ngài trong từng biến cố của cuộc sống, nhất là trong mỗi tha nhân. Amen.