Ý nghĩa việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ
Thứ năm - 06/04/2023 04:49
1109
Thứ Năm Tuần Thánh
Trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ trước giờ tử nạn, Đức Giêsu đã làm rất nhiều việc liên quan đến vận mệnh và lịch sử nhân loại: lập bí tích Thánh Thể, lập bí tích Truyền Chức Thánh, rửa chân cho các môn đệ. Thế mà bài Tin mừng hôm nay chỉ tường thuật việc Người rửa chân. Chắc hẳn việc rửa chân phải có một tầm quan trọng đặc biệt. Để hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của việc rửa chân, trước hết ta hãy xem những người được Đức Giêsu rửa chân.
Đó là các tông đồ, những môn đệ thân tín của Đức Giêsu. Trong số đó, có Giuđa, kẻ sẽ phản bội, bán Thầy với giá 30 đồng bạc. Có Phêrô là môn đệ rất thân tín, nhưng đã chối Thầy 3 lần. Có các tông đồ thân tín, nhưng cuối cùng khi gặp nguy nan, tất cả đều trốn chạy bỏ mặc Người cô đơn đương đầu với cơn khốn khó.
Tuy đã thấu rõ lòng các môn đệ, nhưng Đức Giêsu vẫn rửa chân cho họ, không loại trừ người nào. Việc rửa chân nói lên sự quan tâm. Rửa chân là một việc chăm sóc. Có quan tâm mới chăm sóc. Chẳng ai rửa chân cho người dưng. Chỉ rửa chân người thân. Thường thì các bà mẹ rửa chân cho con mình. Rửa chân là một việc làm tỉ mỉ. Phải rất quan tâm mới làm công việc tỉ mỉ này. Đức Giêsu quan tâm tới từng người. Người quan tâm tới môn đệ yêu dấu. Người quan tâm tới môn đệ hèn nhát. Người quan tâm tới môn đệ chối Thầy. Người quan tâm tới cả môn đệ sẽ phản bội, vì ham tiền mà bán cả Thầy.
Việc rửa chân nói lên sự tha thứ. Đức Giêsu biết các môn đệ tội lỗi, nhưng Người vẫn rửa chân cho các ông. Người đã tha thứ cho các ông rồi. Rửa chân các ông, Người muốn rửa cả tâm hồn các ông nữa. Để các ông sạch mọi thói ham mê tiền bạc coi rẻ tình nghĩa, để các ông sạch mọi thói tị hiềm ích kỷ, tranh nhau chỗ cao chỗ thấp, để các ông sạch mọi thói huênh hoang hời hợt.
Việc rửa chân nói lên sự phục vụ. Rửa chân là công việc của người giúp việc nếu không là công việc của bà mẹ con thơ. Đức Giêsu là Thầy, là Chúa nhưng đã làm công việc của người giúp việc. Người muốn thực hành nguyện ước của Người: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ”. Người phục vụ không lựa chọn đối tượng. Người phục vụ tất cả, kẻ thánh thiện cũng như người tội lỗi, kẻ thân thiết cũng như người xa lạ, kẻ trung tín cũng như người phản bội. Chính vì thế, cách đây hơn hai ngàn năm: Đức Giêsu đã thiết lập Bí Tích Truyền Chức Thánh, Bữa Tiệc Ly năm ấy, cũng là ngày khai sinh các Linh Mục, để mầu nhiệm yêu thương được nối dài, để các Linh mục trao ban các ơn Chúa qua các nhiệm tích Chúa lập cho từng người, từng hoàn cảnh, để các ngài tiếp tục nối dài sự phục vụ dân Chúa qua các Bí Tích.
Cuối cùng, việc rửa chân nói lên tình yêu thương. Quan tâm, tha thứ, phục vụ chính vì yêu thương. Yêu thương cho đến cùng: đến cùng của bản thân Chúa, không còn có thể làm gì hơn được nữa; đến cùng của các môn đệ. Dù các ông có phản bội, Người vẫn yêu thương; dù các ông có chối bỏ Người, Người vẫn yêu thương. Đức Giêsu đã nêu gương cho mỗi người chúng ta, yêu thương bằng hành động rửa chân báo trước hiến tế của Ngài. Ngài là Chúa xoá mình đi để mang lại cho con người được ơn cứu độ. Hình ảnh cúi xuống, cởi áo của Đức Giêsu là sự trao phó, tận hiến tột cùng. Ngài đã yêu họ đến cùng của yêu thương. Ngài yêu thương đến độ, từ một Thiên Chúa vô cùng, Hằng Hữu đã chấp nhận trở nên bé nhỏ ngự trong Nhà Chầu nhỏ bé dưới hình Bánh Rượu, chấp nhận bị nghiền nát, làm của ăn nuôi Linh hồn chúng ta. Đức Giêsu đã hiến mình vì chúng ta. Ngài đã lập Bí Tích Thánh Thể, để minh chứng cho Tình yêu vô biên và cho lời hứa của Ngài: Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến Tận Thế.
Lạy Đức Giêsu Đấng yêu thương vô cùng, trước đây Ngài đã cúi mình rửa chân cho các môn đệ. Giờ đây, xin Ngài rửa linh hồn mỗi người chúng ta: cho sạch những phản bội, cho sạch những tham lam, dục vọng, cho sạch những chia rẽ bất hoà. Xin cho chúng ta biết yêu mến Chúa và yêu mến anh em, qua chính sự phục vụ, quan tâm, chăm sóc, thứ tha và yêu thương như Chúa đã yêu. Amen.
Tác giả: Lm. Giuse Trần Duy Chúc