Thử so sánh tỉnh thức trong Truyện Kiều và Isaia
Thứ ba - 04/04/2023 21:59
884
Thật quá liều lĩnh khi so sánh thái độ tỉnh thức trong truyện Kiều và sách Isaia. Tuy nhiên, xin đón nhận những dòng suy tư dưới đây như một đóng góp nho nhỏ về giá trị của thức tỉnh trong cuộc sống này. Hơn nữa, với người Kitô hữu, thức tỉnh không đơn thuần là nhận ra những trái ngang nơi cuộc sống hiện tại, mà còn đón nhận thánh ý của Thiên Chúa.
Isaia với sự thức tỉnh trong Thiên Chúa
Bản văn của bài đọc I[1] ngày thứ Tư tuần Thánh cho chúng ta thấy được sự tỉnh thức của vị ngôn sứ Isaia đệ nhị. Vì luôn lắng nghe Thiên Chúa, chăm chú vào lời Ngài, suy niệm mỗi ngày, vị ngôn sứ không thoái thác sứ mạng của mình là đem niềm an ủi đến cho những người bất hạnh. Ông đã không nhận được bất kỳ lòng biết ơn nào, nhưng ông nhận lại là những xúc phạm và nhục hình. Ông đã bị đánh đòn, tra tấn, khạc nhổ, một cử chỉ khinh bỉ tột cùng như nhiều đoạn văn Cựu Ước làm chứng. Sự tỉnh thức qua việc phó thác vào tình yêu Thiên Chúa làm cho vị Ngôn sứ này vượt thắng tất cả.
Được Thiên Chúa trao cho sứ mạng đến với người tuyệt vọng, Isaia đã không trốn tránh. Ông chẳng những thức tỉnh trước lời mời gọi của Thiên Chúa, mà còn chuyển trao tinh thần ấy cho người khác khi cố gắng làm cho họ hiểu ý nghĩa của những thử thách của họ, kêu gọi họ hoán cải, hứa ban ơn giải thoát cho họ; mặc cho lúc đầu ông gặp phải thái độ thờ ơ lãnh đạm, nghi nan ngờ vực, và tính khí hung hăng của những kẻ mà nỗi đắng cay do thời gian lưu đày dài lâu đã khiến họ trở nên bực tức phẩn nộ.
Qua những đau khổ mà mình phải chịu, vị ngôn sứ mặc lấy dung mạo của “Người Công Chính” hoàn hảo. Đức Giê-su sẽ đích thân thực hiện sứ mạng Thiên Chúa giao phó trong sự vâng phục hoàn hảo. Chính Ngài sẽ đem Tin Mừng đến cho những người nghèo khó, những kẻ khốn cùng. Như vị ngôn sứ vô tội, Ngài sẽ đón nhận và cam chịu những lăng nhục, khinh bỉ, nhục hình trong tâm tình cảm tạ mà không hề run sợ, “vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn.” Đây hẳn là một sự thức tỉnh siêu nhiên, một sự thức tỉnh trong Chúa.
Sự thức tỉnh lòng nhân nơi Truyện Kiều
Khi đọc bản văn Isaia, người viết bỗng nghĩ về một sự “thức tỉnh” khác được Nguyễn Du đề cập đến trong Truyện Kiều, cách riêng là khúc Đoạn Trường Tân Thanh. Đó là một sự thức tỉnh nhân bản.[2] Nơi tư tưởng triết học Trung Hoa và Ấn Độ truyền thống, khởi đi từ vũ trụ quan vô ngã, nhất nguyên luận, đặt nền tảng trên quan niệm về một thượng đế bất biến, nên cũng không nhấn mạnh vấn đề ngôi vị hoặc thậm chí không có vấn đề ngôi vị[3]. Với Nho giáo, con người chỉ là phận vị, Lão - Trang coi cái thân là cái cớ để chịu đau khổ. Tuy nhiên, Nguyễn Du nhận thấy chữ thân là tồn tại thứ nhất của con người, và do biết thương thân mới thương người. Phải khởi đi từ cái cơ bản nhất này.
Nhưng đã mang vào mình quả tim con người thì con người không thể tránh khỏi day dứt, xung đột, xô xát, khắc khoái, luyến tiếc, lỡ lầm... Và văn chương thời đại Nguyễn Du đã chứng kiến tất cả những điều ấy với quá nhiều nước mắt, tiếng nấc nghẹn, tiếng ai oán của ý thức nhân bản và nhân đạo. Ngoài Đoạn Trường Tân Thanh, người ta còn thấy có Khuê Ai Lục của Ngô Thì Sĩ, Đoạn Trường Lục của Phạm Nguyễn Du, Ai Tư Văn của Lê Ngọc Hân, Văn Tế Trương Quỳnh như của Phạm Thái, Khóc Ông Phủ Vĩnh Tường của Hồ Xuân Hương[4], Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều... Điều chưa bao giờ dám thổ lộ, nay đã vỡ òa!
Điều này cho thầy rằng thời của Nguyễn Du là lúc người ta bị dồn đến cái ngao ngán về sự phi lý, tức là sự vô nghĩa của đời sống con người như lúc bấy gờ. Người ta không đòi được sinh ra nhưng người ta thấy có quyền chất vấn và từ bỏ cuộc đời nếu thấy nó quá sức vô nghĩa, không đáng sống[5]:
“Nàng rằng: Trời thẳm đất dày!
Thân này đã bỏ những ngày ra đi.
Thôi thì thôi có tiếc gì!
Sẵn dao tay áo tức thì giờ ra”.[6]
Phải chăng qua nhân vậy Kiều, Nguyễn Du bắt đầu nhận ra rằng “đời này rất quan trọng nhưng lại là vô nghĩa”, và vũ trụ còn chứa đựng nhiều bí ẩn, hơn những gì kinh đã dạy, mà con người muốn tìm hiểu. Đó là một nghịch lý mà người ta không thể sống với nó một cách vô ưu, thanh thản. Còn nếu như đời sống chỉ là sự xô dạt của một mớ vô lý và vì thế không có giá trị, thì liệu “có nên tự tử hay không?”[7]
“Chém cha cái số hoa đào,
Gỡ ra, rồi lại buộc vào như chơi!
Nghĩ đời mà chán cho đời,”[8]
Đến đây, chúng ta có thể trộm lời Kierkegaard để tự hỏi rằng: Đó chẳng phải là cái xung đột giữa ý thức tự do và sự phi lý của một số sự thật tôn giáo đã ngăn cản người ta tới gần chân lý (Thượng đế) một cách thuần lý[9] sao?
Có thể nói chỉ mình Nguyễn Du tiên phong đi xa hơn khi đặt lại tự do và hệ lụy phận người, trong sự phản diện triết lý với tôn giáo và xã hội. “Có trời mà cũng tại ta”! Quyền tự do để rung động và liên lụy với tha nhân bằng cả vận mệnh đời mình, mà không vì bất kỳ ràng buộc luân lý, lễ giáo nào.[10] Đến nỗi mà ôm choàng ngay cả phút phôi pha, thất bại, yếu hèn, luyến tiếc, dang dở... cũng là tròn đầy nhân bản, lung linh nhân tính đến tuyệt vời. Tự do để yêu thương nồng ấm và liên lụy với nghĩa tình mới trọn kiếp người.[11]
Quả là không ngoa khi nói Truyện Kiều là một kho tàng châu ngọc tư tưởng. Hãy đốt những con chữ ấy cháy bùng lên, nhờ đó mà thứ tỉnh dậy cái thiên lương tàn mác vì gió lốc thời cuộc dập vùi; để hòa giải với nhau và trong chính mình bằng cõi lòng dạt dào cảm thông: để bên kia cái xô bồ, đau đớn, tầm thường hay hèn hạ của cuộc đời ta còn nhận ra mỗi khuôn mặt đều lung linh chứa chan bằng một nhân sinh quan đem lại hy vọng và tương lai bởi lòng từ nhân (misericordia).
Lạy Chúa, giữa những ồn ào của xã hội ngày nay, xin cho con biết sống chậm lại với một tâm thế luôn luôn tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng. Để một ngày kia, khi Chúa thả chiếc lưới từ trời xuống, con không phải vùng vẫy trong đau khổ tuyệt vọng, nhưng thay vào đó là niềm an vui hạnh phúc vì đã sống hết mình với những gì Chúa đã trao ban và mong ước nơi con.
[1] Bài ca được trích dẫn hôm nay là bài ca thứ ba trong số bốn bài ca được gọi “các bài ca về Người Tôi Trung chịu đau khổ” trong tác phẩm của I-sai-a đệ nhị (ch. 40-55), vị ngôn sứ cuối thời kỳ lưu đày Ba-by-lon, vào giữa thế kỷ IV tCn.
“Người Tôi Trung” được phác họa chân dung lúc thì dân Ít-ra-en, lúc thì một nhân vật đặc thù lãnh nhận một sứ mạng đặc biệt. Nhân vật này được hiểu vừa tập thể vừa cá nhân vì hai hình ảnh này được đan vào nhau trong nhiều đoạn.
Người Tôi Trung này hành xử với thái độ dịu dàng và khiêm tốn (bài ca thứ nhất). Thiên Chúa giao phó cho ngài trách nhiệm giải phóng dân Ít-ra-en và hoán cải muôn dân (bài ca thứ hai), ngài gặp phải những bách hại và sỉ nhục (bài ca thứ ba), ngài cam chịu một cái chết ê chề nhục nhã, đoạn được tôn vinh (bài ca thứ tư).
[2] Chỉ cần ta nhận ra bản chất chân thật của mình, luôn sống trong tỉnh thức để biết rõ mình đang làm gì và với thái độ nào, tập buông bỏ dần những tham cầu và chống đối không cần thiết. Nhờ đó cái tôi bé nhỏ này sẽ tan chảy vào vũ trụ, nó sẽ vận hành đồng điệu với mọi người và vạn vật. Hạnh phúc trong ta sẽ rộng mở đến vô cùng. Thức tỉnh nhân bản là thế (Hiểu về trái tim, Minh Niệm).
[3] Thiện Cầm, Lịch Sử Triết Học Ấn độ, Học Viện Đa Minh, tr.210-244.
[4] Có một Hồ Xuân Hương nổi loạn, nhưng chẳng phải chan chán nước mắt trong tiếng cười cợt sao?
[5] Trần Bích Lan, Nguyễn Du trên nẻo đường tự do, 200 Năm Nghiên Cứu Bàn Luận Truyện Kiều, bs. Lê Xuân Lít, Gíao Dục 2007, tr.872-879.
[7] Nói theo cách của A.Camus (1913-1960).
[9] Theo cách nói của Kierkegaard (1813-1855).
[10] Có như thế ta mới hiểu được sức nặng và vẻ đẹp khi bán mình chuộc cha của Kiều: “Trong khi ngộ biến tòng quyền biết sao?” tòng quyền ở đây là quyền biến của con tim.
[11] Như ta sẽ thấy Kiều với Thúc Sinh, Kiều với Từ Hải và khi tái hợp với Kim Trọng...