Chạnh lòng thương

Thứ bảy - 03/08/2024 05:14  514

Chúa Nhật XVIII TN B
Xh 16,2-4.12-15; Ep 4,17.20-24; Ga 6,24-35

2 1Cơm ăn áo mặc là nhu cầu thiết yếu để đảm bảo sự sống của con người, nhưng đời sống con người đâu chỉ có thể xác mà còn có linh hồn; đâu chỉ có đời này, mà còn có đời sau. Chính vì thế, nếu chỉ quá mải mê kiếm tìm những của ăn nuôi sống thể xác, những của cải đời này mà quên mất sự sống đời sau thì thật đáng tiếc. Đức Giêsu đã từng khẳng định: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,26).

Dân Do Thái xưa đi trong sa mạc tiến về Đất Hứa, đã  kêu trách ông Môsê và ông Aharon rằng: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!” (Xh 16,2-3). Trước đó họ ngợi khen Đức Chúa là Đấng cao cả uy hùng, Đấng giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập; họ tự hào vì là dân riêng của Thiên Chúa, ấy vậy mà họ lại không ngừng kêu trách Đức Chúa khi gặp cơn đói khát. Họ chưa thực sự tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa, Đấng dùng hành trình sa mạc này để thanh luyện họ, xem họ có trung thành với Lề Luật hay không (x.Xh 16,4b). Đức Chúa đã nghe thấu lời than trách của họ, và Người đã làm cho bánh từ trời mưa xuống cho dân ăn thỏa thuê, ngày nào cho ngày đó. Buổi sáng thì được ăn bánh, buổi chiều thì được ăn thịt (x. Xh 16,4a.12-13).

Như Tin Mừng chúng ta vừa nghe, sau khi Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để cho hơn năm ngàn người ăn no mà vẫn còn dư thừa, thì đám đông đi tìm Người, vì họ không thấy Người và các môn đệ còn ở đây nữa. Khi gặp Đức Giêsu ở Caphácnaum, họ thưa rằng: “Thầy đến đây bao giờ vậy?” (Ga 6,25). Song Đức Giêsu thấu biết việc họ đi tìm Người là vì lý do gì, Người trả lời họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê (Ga 6,26). Vì đã được ăn bánh no nê, cho nên họ muốn tìm Chúa và đi theo Chúa để được ăn bánh mãi mãi mà không phải vất vả gì. Tuy nhiên, Đức Giêsu mời gọi họ đừng chỉ tìm kiếm thứ lương thực mau hư nát, nhưng hãy tìm kiếm thứ lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực mà chính Người sẽ ban cho họ (x. Ga 6,27).

Qua phép lại bánh hóa nhiều, Đức Giêsu mời gọi họ hướng đến một thứ lương thực mới đem lại sự sống đời đời. Nhưng để có được thứ lương thực ấy, người ta cần phải làm những việc Thiên Chúa muốn, đó là tin vào Con của Người là Đức Giêsu Kitô (x. Ga 6,29). Cũng như trong bài đọc I, việc Thiên Chúa ban bánh và thịt cho dân được ăn thỏa thuê, là nhằm để họ nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa chân thật. Thì ở bài Tin mừng, tin vào Đức Giêsu qua những dấu lạ Người làm, đòi hỏi người tin không dừng lại ở môi miệng, nhưng phải dấn thân đi theo Đấng mà họ tin tưởng.

Mặc khải về Bánh trường sinh đang được vén mở cho chúng ta thấy. Nếu như những người thuộc về thế gian, chỉ tìm kiếm cơm bánh nuôi thân xác, như dân Do Thái ăn mana xưa, hay chỉ tìm kiếm những phép lạ hóa bánh ra nhiều, để khỏi phải làm việc vất vả, thì những người thuộc về Nước Thiên Chúa, cũng cần phải được nuôi sống bằng Bánh trường sinh mà chính Đức Giêsu ban cho họ. Bánh này không chỉ giúp cho khỏi đói, nhưng còn giúp đạt tới sự sống đời đời.  Đây cũng là điều mà Thánh Phaolo đã mời gọi tín hữu Ephêxo trong bài đọc II: anh em đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ. Anh em phải cởi bỏ con người cũ với những nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện (x. Ep 4,17.22-24).

Truyện kể: Khi hoàng đế Napoléon nước Pháp, người đã chinh phục cả Âu Châu bị đầy sang đảo Sainte Hélène, người viết tiểu sử ông vẫn đi theo. Một hôm, biết rằng ngày tận cùng của ông gần đến, và thấy ông thoải mái vui vẻ, người viết tiểu sử hỏi:
- Thưa Ngài, xin ngài vui lòng cho biết: trong suốt đời ngài. ngày nào hạnh phúc nhất?
Napoléon ngôi suy nghĩ hơi lâu rồi nói:
- Tôi nhớ ngày hạnh phúc nhất trong đời tôi đã xảy ra lâu rồi, lúc tôi còn nhỏ.  Đó là ngày tôi được rước Chúa lần đầu.

*** Ngày hạnh phúc nhất của hoàng đế Napoléon không phải là ngày ông lên ngai vàng, chẳng phải là ngày ông chiến thắng vẻ vang trong những trận đánh uy hùng khắp Âu Châu và Bắc Phi, cũng chẳng phải là ngày ông cưới Joséphine hoặc Maria Louise mà là ngày ông rước lễ lần đầu.

Trước kinh nghiệm sống của hoàng đế Napoléon, chúng ta  thấy danh vọng, giầu sang, tình yêu cho dù đến tuyệt đỉnh cũng chẳng phải là hạnh phúc đích thực của con người. Chỉ có Thiên Chúa mới là hạnh phúc đích thực của chúng ta.
Mặc lấy con người mới, cũng có nghĩa là chúng ta không chỉ sống biết có đời này, nhưng còn có đời sau; không chỉ tìm kiếm lương thực cho thể xác, nhưng còn tìm lương thực cho linh hồn. Tất cả những thứ đó Thiên Chúa đều biết chúng ta đang tìm kiếm, và Ngài hằng sẵn lòng ban cho chúng ta. Hãy luôn tin tưởng và cậy trông vào Thiên Chúa là Đấng dựng nên và hằng chăm sóc chúng ta.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập284
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm247
  • Hôm nay66,940
  • Tháng hiện tại559,321
  • Tổng lượt truy cập76,267,587
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây