Phép lạ tình thương

Thứ bảy - 27/07/2024 04:06  916
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B
2V. 4, 42-44; Ep. 4, 1-6; Ga. 6, 1-15
 
picture1 4Có lẽ bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết thông tin rằng mỗi năm có khoảng 9 triệu người chết vì đói và những căn bệnh liên quan đến đói, mỗi ngày có khoảng 25.000 người chết đói và những căn bệnh liên quan đến đói, trong khi mỗi ngày có vài triệu tấn lương thực bị hủy bỏ hoặc lãng phí. Tính riêng năm nay (đến 9g00 sáng ngày 27/7/2024) đã có gần 5 triệu 200 ngàn người chết vì đói, trong khi đó, 743.000.000 tấn lương thực bị hủy bỏ hoặc lãng phí, và có 937 triệu người bị chứng béo phì[1]!

Có vẻ như thế giới đang sống trong một nghịch lý đến khó hiểu: kẻ ăn không hết, người lần không ra! Có nhiều người theo chiều hướng giải thiêng, muốn cắt nghĩa phép lạ hóa bánh ra nhiều như là một cuộc hô hào của Chúa Giêsu, khiến mọi người bỏ phần ăn riêng mang theo của mình ra đóng góp và nhờ đó mọi người no nê và dư dật, nhưng Tin Mừng ghi rõ hai lần là “thấm vào đâu” nếu mua hai trăm bạc bánh hoặc tận dụng phần ăn của em bé. Quả thực, một dấu lạ đã xảy ra, giúp chúng ta hiểu hơn tình thương của Thiên Chúa là Đấng luôn chăm sóc từng người và mọi người trong chúng ta.

Thấm vào đâu

“Thấm vào đâu” là câu trả lời của tiểu đồng, của các môn đệ khi được mời gọi “phát cho người ta ăn”. Đứng trước một vấn đề, một hoàn cảnh, người ta có nhiều giải pháp. Giải pháp có lẽ hay được đưa ra nhất, vì nó dễ nhất, là thoái thác, trốn tránh, thường là kèm theo một lý do biện minh. “Thấm vào đâu” có thể là một câu trả lời theo dạng đó.

Trong cuộc sống, có đôi khi chúng ta cũng buông xuôi mặc kệ hoặc tránh né một bên khi đứng trước những thách đố lớn lao của thời thế. Nạn đói kém, bất công, bạo lực, dịch bệnh, suy đồi… có thể không mảy may nằm trong khu vực quan tâm của chúng ta, vì chúng ta thấy đó là những vấn đề quá lớn, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mình. Chúng ta có thể tự nhủ rằng, nỗ lực của tôi và anh em tôi có “thấm vào đâu” so với cục diện của xã hội hoặc thế giới!

No nê và dư dật

Trước một thách đố lớn, con người nhận ra giới hạn của mình. Cậu tiểu đồng trong bài đọc I và các môn đệ trong bài Tin Mừng đều cảm nhận sự bất lực của con người trước một đám đông đói khát. Nhưng Thiên Chúa lớn hơn sự giới hạn của con người; chính khi con người bất lực, quyền năng Thiên Chúa tỏ hiện. Quả thực, “người ta ăn, mà vẫn còn dư”, hàng trăm hàng ngàn người no nê và còn dư dật, đúng như lờ Chúa phán.

“Nỗ lực và cậy trông” là phương châm sống tin tưởng phó thác vào Chúa. Chúa luôn có cách của Ngài, miễn là chúng ta hết lòng phó thác và tận tâm cộng tác với Ngài. Phép lạ sẽ xảy ra khi đức tin được minh chứng qua hành động. Hành động của ngôn sứ Êlisa và của em bé trong Tin Mừng là một hành động của đức tin, vì họ dám dâng hiến cho Chúa tất cả những gì họ có để bảo đảm sự sống của mình, nghĩa là trao phó vận mệnh mình cho Chúa.

Phép lạ tình thương

Phép lạ hóa bánh ra nhiều trong Cựu Ước hay Tân Ước đều diễn tả tình thương của Thiên Chúa là Đấng chăm sóc dân của Ngài. Thiên Chúa là Đấng luôn “thương rộng mở tay ban cho đoàn con hết thảy muôn vàn thỏa thuê” (Thánh vịnh Đáp ca: Tv 144,16). Lòng quảng đại của Thiên Chúa lớn hơn sự quảng đại của con người. Từ 20 chiếc bánh của ngôn sứ Elisa, Chúa nuôi dưỡng hàng trăm người no nê; từ năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé, Chúa cung cấp cho hàng vạn người no thỏa.

Phép lạ này khởi đầu diễn từ “bánh hằng sống” (Gioan, chương 6), như biểu tượng cho sức sống tuôn trào từ “Bánh” là Lời Chúa và Thánh Thể. Khi nói về thiết lập Thánh Thể, Tin mừng Gioan đã diễn tả theo lối riêng, qua diễn từ “Bánh hằng sống” và việc rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly (Gioan, chương 13). Gioan muốn nhấn mạnh tới chiều kích hành động của Thánh Thể: Thánh Thể là việc Chúa Giêsu trao nộp chính mình để nuôi sống chúng ta, rồi đến lượt chúng ta cũng được mời gọi trao hiến bản thân để phục vụ anh em. Thánh Thể là phép lạ tình thương vĩ đại nhất, vì qua đó Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện, trao tặng và hiến mình cho chúng ta, đồng thời, chúng ta cũng được biến đổi để trở nên tấm bánh thơm ngon bẻ ra cho mọi người.
 
***
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến lòng quảng đại và trao hiến. Tham lam và ích kỷ trói buộc chúng ta trong việc lo lắng thái quá cho bản thân hoặc tập thể riêng của mình. Có tham lam ích kỷ cá nhân và cũng có tham lam ích kỷ tập thể. Linh đạo Thánh Thể mời gọi chúng ta ra khỏi sự trói buộc ấy để sống mầu nhiệm tình yêu trao hiến quảng đại.

Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều khi Ngài lên núi, bên cạnh các môn đệ và vào thời điểm sắp lễ Vượt Qua. Chúa muốn làm một hành động mang tính biểu tượng để chỉ về mạc khải lớn lao mà Ngài sắp thực hiện trong cuộc Vượt Qua của chính Ngài. Sau phép lạ, Ngài đã “vượt qua” sự tôn vinh của dân chúng và “lên núi một mình”.

Chúng ta được mời gọi nỗ lực vượt qua chính mình, vươn tới đỉnh cao thánh thiện của “ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta”. Thế giới sẽ tốt đẹp hơn khi chúng ta “thay vì nguyền rủa bóng đêm, thắp lên một ngọn nến nhỏ”. Thánh Phaolô gọi những ngọn nến nhỏ ấy là “ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại”, “lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau”, “duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại bằng cách ăn ở hòa thuận và gắn bó với nhau”… (x. Bài đọc II, Ep 4,1-6).

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập174
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm139
  • Hôm nay27,772
  • Tháng hiện tại1,178,866
  • Tổng lượt truy cập77,973,114
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây