Ngày nay, giá trị đạo đức bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến “bệnh vô cảm”. Bệnh này thể hiện ở chỗ con người không hề động lòng trước những nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội xảy ra trước mắt. Việc thờ ơ, lãnh đạm, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân… làm cho con người trở nên xa lạ, thiếu tình thương với nhau, sống vô cảm, đôi khi trở nên độc ác với đồng loại. Đại văn hào Nga Marsim Gorky đã từng quan niệm: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: đừng sống vô cảm, hãy có lòng thương yêu theo gương Thầy Chí Thánh: “Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6,34).
Chạnh lòng thương không đơn giản chỉ là một cảm xúc xót xa, tội nghiệp mà là thương đến độ “đứt ruột đứt gan”, và chính lòng thương yêu thúc đẩy mãnh liệt để làm một điều gì đó cho chính người mình thương. Tin Mừng hôm nay cho hay, Chúa Giêsu chạnh lòng thương vì dân chúng như đoàn chiên bơ vơ, không người chăn dắt. Đây là hình ảnh đàn chiên được nói trong Sách tiên tri Giêrêmia: Thiên Chúa trách các mục tử đã làm cho đàn chiên của Ngài bị thất lạc và tan tác: “Khốn thay những mục tử làm cho đàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác” (Gr 23,1). Chính Thiên Chúa đã hứa sẽ quy tụ và chăn dắt chúng qua các mục tử tốt lành: “Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền; Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng” (Gr 23,3.4). Chúa Giêsu chính là vị Mục tử đó. Thấy dân chúng như đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương. Hôm nay, Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về sự yêu thương của Ngài. Ngài yêu thương hết mọi người, Ngài đã chạnh lòng thương trước những con người khốn khổ. Chính lòng thương cảm đã thúc đẩy hành động yêu thương: “Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6,34).
Việc Chúa Giêsu thương xót đám đông dân chúng và đã tỏ lòng thương xót bằng việc dạy dỗ. Giảng dạy, giáo huấn, hướng dẫn, đồng hành là điểm được Thánh sử Maccô ghi nhận rõ nét (x.Mc 1,21-22; 2,13; 6,2; 10,1; 11,18; 14,49) như là sứ mạng, nên đã có người không ngần ngại gọi Tin Mừng Thánh Maccô là Phúc Âm về “Đấng giảng viên Thiên Chúa”. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy, làm các phép lạ: ban của ăn thiêng liêng mà còn chữa bệnh và nuôi đám đông dân chúng bằng bánh cụ thể nữa. Cao điểm của yêu thương chính là việc hy sinh cả tính mạng vì người mình yêu. Đúng như lời Thánh Phalô đã khẳng định: “Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta; Người đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (Ep 2,14). Như thế, chạnh lòng thương diễn tả một tình thương mãnh liệt, tình thương ấy thúc đẩy người ta làm cái gì đó cho người mình thương. Chính Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương đối với con người trước và Ngài cũng mời gọi chúng ta phải có lòng thương cảm.
Vậy chúng ta phải cộng tác như thế nào? Bài Tin Mừng hôm nay đã thể hiện lòng thương xót của Chúa Giêsu. Trong khi nhân loại ngày nay nhiều người sống thiếu tình thương và vô cảm, Chúa Giêsu dạy chúng ta bài học về lòng thương xót. Chúng ta phải thể hiện Lòng Thương Xót của Chúa trong cuộc sống thường ngày. Lòng thương xót phải thể hiện bằng hành động trong suốt đời sống của chúng ta. Chính Chúa Giêsu là mẫu gương hoàn hảo cho chúng ta về Lòng thương xót, Ngài dạy chúng ta chạnh lòng thương đối với người khác, nhất là những người lầm than kém may mắn…qua việc chia sẻ, cảm thông, quan tâm, cầu nguyện, hướng dẫn và đồng hành… Khi biết chạnh lòng thương, chúng ta sẽ biết bỏ qua những khuyết điểm, biết tha thứ và trái tim chúng ta trở nên nhân hậu hơn.
Lạy Chúa Giêsu giàu lòng thương xót, Ngài đã đến để hiệp hành, chạnh lòng thương và dạy dỗ chúng con. Xin mở trái tim, tấm lòng chúng con, để chúng con cũng biết chạnh lòng thương với anh em mình. Từ đó, mọi người được sống trong tình yêu thương để đạt tới hạnh phúc muôn đời. Amen.
Tác giả: Lm. Jos. Duy Trần