Sự quân bình cần thiết cho cuộc sống biết bao!

Thứ bảy - 20/07/2024 04:25  234
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN NĂM B
Mc 6,30-34

jesus disciples pictureHầu hết mọi người đều nhận thấy rằng có một sự quân bình trong đời sống là cần thiết. Một người hướng ngoại yêu thích xuất hiện nơi công chúng cũng cần có thời gian sống cô độc và thinh lặng. Một người hướng nội biết giá trị của những khoảnh khắc cô độc, thỉnh thoảng cũng nên được phấn khích bởi một đám đông tưng bừng vui vẻ. Chúa Giêsu đã cho chúng ta một mẫu gương về sự quân bình cần thiết cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Chúa Giêsu có thói quen là đi tới hội đường vào những ngày Sabát, Người đã tham dự phụng vụ nơi đền thờ Giêrusalem trong những thời gian được chỉ định. Ngài cũng sẵn sàng ra đi và trải qua suốt đêm trong cầu nguyện với Cha Ngài trên trời. Tin Mừng ngày hôm nay hé mở cho chúng ta thấy những tông đồ trở lại với Chúa Giêsu sau hành trình truyền giáo mà Ngài đã gửi họ từng hai người một. Đó là thời gian giúp cho họ rao giảng cho mọi người và cầu nguyện với mọi người. Chúa Giêsu nói với họ: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Họ đã ra đi với Chúa Giêsu lên một chiếc thuyền và vào nơi hoang địa. Chúa Giêsu hiểu sự cần thiết của việc quân bình trong đời sống cho các môn đệ của Ngài.

Quả vậy, quân bình là việc hài hòa giữa đời sống cầu nguyện và đời sống phục vụ qua việc “chạnh lòng thương” với những người anh em của mình. Thật thế, “Lánh vào nơi thanh vắng” có nghĩa là tách mình khỏi sự ồn ào, khỏi sự huyên náo bên ngoài, để đi vào trong thinh lặng nội tâm, cầu nguyện và gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Ở đây Chúa Giêsu muốn các môn đệ và chúng ta ý thức rằng: cầu nguyện là việc làm cần thiết cho đời sống Kitô hữu và sứ vụ truyền giáo. Cầu nguyện là linh hồn của đời sống và hoạt động tông đồ: Không cầu nguyện, chúng ta dễ chạy theo hình thức bề ngoài mà thiếu ý nghĩa bên trong; không cầu nguyện, người môn đệ Chúa dễ bị biến chất và tha hóa; không cầu nguyện, chúng ta chỉ là những nhà hoạt động xã hội thuần túy, chứ không phải là chứng nhân của Chúa. Vì thế, cầu nguyện là rất cần thiết.

Điều chính yếu thứ hai đó là phục vụ với lòng thương xót: “Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. Chúa Giêsu “chạnh lòng thương”, Người có một trái tim nhạy bén, một trái tim biết rung cảm và thương xót trước những nỗi đau, khó khăn và cô đơn mà con người đang phải gánh chịu. Hơn lúc nào hết, chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự vô cảm đang lan tràn khắp nơi. Có biết bao nhiêu người phải sống trong cảnh khốn khổ vì nghèo đói, bệnh tật, thất nghiệp và chiến tranh; có biết bao gia đình phải sống trong cảnh bấp bênh, không nhà cửa, không nghề nghiệp, không tương lai; có biết bao người trẻ là nạn nhân của bạo lực, oán thù, lừa lọc, gian dối, họ bị tước đi quyền được đến trường, được học hành; có biết bao người già, người bị bệnh tật, tù đày đang ở trong cảnh cô đơn, loại trừ và bỏ rơi... Họ đang thiếu người giúp đỡ; họ đang cần được hướng dẫn và chăm sóc. Họ đang thiếu vắng lòng thương xót và cần đến lòng thương xót của Chúa.

Thật vậy, ở đây chúng ta nhìn thấy điều có thể gọi là sự nhịp nhàng của đời sống Kitô hữu. Đời sống Kitô hữu là một cuộc hành trình liên tục đi từ sự hiện diện của con người vào sự hiện diện của Thiên Chúa, rồi lại bước ra, đi từ sự hiện diện của Thiên Chúa vào sự hiện diện của con người. Nhịp điệu này giống như sự nhịp nhàng của giấc ngủ và sự làm việc. Chúng ta không thể làm việc được trừ khi chúng ta có thời giờ nghỉ ngơi; và giấc ngủ sẽ không đến trừ khi chúng ta đã làm việc cho đến khi mệt mỏi. Có hai điều nguy hiểm trong đời sống. Trước hết, nguy hiểm vì hoạt động quá mức. Không ai có thể chỉ mải mê làm việc mà không cần sự nghỉ ngơi; và cũng không có ai có thể sống đời sống Kitô hữu hoàn hảo trừ khi người đó tự dành thời giờ của mình cầu nguyện với Thiên Chúa. Tất cả những xáo trộn trong đời sống sở dĩ có thể xảy ra vì chúng ta không cho Thiên Chúa cơ hội để trò chuyện với chúng ta, chúng ta không biết im lặng và lắng nghe. Chúng ta đã không cho Thiên Chúa thời gian để ban lại cho chúng ta nghị lực và sức mạnh tinh thần. Làm thế nào chúng ta có thể vác được những gánh nặng của cuộc sống nếu chúng ta không tiếp xúc với Ngài, Thiên Chúa của tất cả mọi sự tốt lành trong cuộc đời? Làm thế nào chúng ta có thể thi hành được công việc của Thiên Chúa trừ khi bằng chính sức mạnh của Ngài? Và làm thế nào chúng ta có thể đón nhận được sức mạnh của Ngài trừ khi chúng ta kiếm tìm trong cô đơn thinh lặng và trong sự hiện diện của Thiên Chúa? Điểm thứ hai, nguy hiểm vì quá thụ động. Lòng nhiệt thành sùng đạo mà không có hành động thì không phải là sự sùng đạo thực sự. Cầu nguyện mà không có hành động thì không phải là sự cầu nguyện thực sự. Chúng ta không được phép tìm kiếm sự thân tình với Thiên Chúa để tránh né tình bạn hữu với con người, vì tình nghĩa với Thiên Chúa là để giúp chúng ta cải thiện tình người trở nên tốt đẹp hơn. Sự nhịp nhàng của đời sống Kitô hữu là sự gặp gỡ luân phiên với Thiên Chúa nơi vắng vẻ và sự phục vụ con người giữa cuộc sống.

Như thế, sống kết hợp mật thiết với Chúa, yêu thương tha nhân và hài hòa với chính cuộc sống riêng tư của mình là lý tưởng của người môn đệ Chúa Giêsu. Một tác giả nào đó đã cho ta những lời khuyên như sau: “Hãy dành thời giờ để vui cười, vì đó là tiếng nhạc của tâm hồn. Hãy dành thời giờ để suy nghĩ, vì đó là nguồn sức mạnh. Hãy dành thời giờ để chơi đùa, vì đó là bí mật để trẻ mãi không già. Hãy dành thời giờ để đọc sách, vì đó là nền tảng của sự khôn ngoan. Hãy dành thời giờ để cầu nguyện, vì đó là sức mạnh lớn nhất của con người. Hãy dành thời giờ để yêu và được yêu, vì đó là món quà vĩ đại nhất của Thiên Chúa. Hãy dành thời giờ để mơ ước, vì nó sẽ làm nên tương lai. Hãy dành thời giờ để làm việc, vì đó là cái giá phải trả cho sự thành công. Hãy dành thời giờ cho Thiên Chúa, vì đó là cách ta phải sống”. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập157
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm121
  • Hôm nay31,647
  • Tháng hiện tại584,464
  • Tổng lượt truy cập78,587,915
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây