CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM B
Am 7,12-15; Ep 1,3-14; Mc 6,7-13
Mỗi môn đệ đều là thừa sai, vì Chúa gọi một ai cũng là để họ được sai đi. “Được sai đi” là căn tính truyền giáo/thừa sai của mỗi tín hữu. Điều đó cũng đúng với toàn thể Giáo Hội như Sắc lệnh Ad gentes của Vatican II đã từng khẳng định: “Giáo hội lữ hành tự bản chất là ‘được sai đi’” (AG 2).
Vậy đâu là cung cách đúng đắn của nhà thừa sai? Với những lời chỉ dẫn vắn gọn, Chúa Giêsu đã đưa ra những thái độ căn bản của nhà thừa sai: hiệp nhất, phó thác, thanh thoát và đời sống chứng nhân.
Từng hai người một
Tại sao lại từng hai người một? Có những cách cắt nghĩa truyền thống: để lời chứng họ đưa ra có hiệu quả pháp lý (nhất chứng phi chứng, nhị chứng quả), hoặc để giúp họ sống tinh thần bác ái. Nhưng có lẽ Chúa muốn xa hơn nữa: họ cần chung vai sát cánh trong sứ vụ cao trọng này, vì truyền giáo không là công việc riêng lẻ mà là công trình và sứ vụ của cộng đoàn Hội Thánh.
Hình ảnh “từng hai người” hiệp nhất yêu thương chắc hẳn là một chứng từ hùng hồn về một Tin Mừng có sức mạnh biến đổi từ bên trong. Những người thừa sai đã thực sự được Tin Mừng hóa để có thể gạt bỏ ích kỷ tham lam, biết đón nhận và yêu thương tha nhân, nhất là người cộng tác gần gũi với mình. Lời rao giảng giờ đây đã trở thành cuộc sống, cuộc đời trở thành Tin Mừng sống động.
Có quyền trừ quỷ
Ma quỷ hiện diện và hoạt động cách tinh quái, nên việc phát hiện ra chúng đã khó, huống hồ là xua trừ chúng. Quyền hành này được ban lúc khởi đầu như là công cụ hỗ trợ cho việc rao giảng. Quyền hành ấy vẫn được tiếp tục ban cho nhân loại, không chỉ qua các chuyên viên được ơn trừ quỷ, nhưng còn được ban như ơn trợ lực cho những ai đang khổ công tiến bước trên đường hoàn thiện.
Truyền giáo luôn là một hành trình có nhiều cam go thử thách. Thử thách ấy có khi đến từ chính những đối tượng mà chúng ta yêu thương và muốn đem Tin Mừng cho họ. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến thái độ “không tiếp đón”, “không nghe lời”. Vì thế, ơn Chúa và sự kiên nhẫn đều rất cần để chúng ta có thể hoán cải lòng người.
Đừng mang gì theo
Con người dễ bám víu vào những vật hữu hình. Lúc đầu có thể chỉ là nhu cầu cấp bách cho tha nhân hoặc sứ vụ, lâu dần có thể trở thành một sự dính bén và nô lệ. Không mang gì để một đàng phó thác trọn vẹn vào Chúa quan phòng và mặt khác, để toàn tâm toàn ý lo cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Không mang gì để không lo thu góp và nhờ đó không trở thành gánh nặng cho anh chị em mình.
Đây là một thách đố rất lớn trong xã hội hôm nay, khi cuộc sống được cân đong đo đếm bằng mức độ sở hữu và hưởng thụ. Trào lưu tư tưởng này đôi khi cũng nhập nhiễm vào cách nghĩ của các môn đệ Chúa. Một hành trang “cồng kềnh” chắc hẳn là một cản trở lớn cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Vì thế, người môn đệ cần thanh thoát để có tự do nội tâm và mau mắn lên đường.
***
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ chúng ta về sứ vụ truyền giáo. Mỗi người chúng ta được Chúa sai đi và sẽ tiếp tục được sai đi loan báo Tin Mừng của Chúa cho anh em, nhất là những anh em “đang ngồi trong bóng tối tử thần” và những “con chiên lạc” đã khô khan nguội lạnh hoặc thậm chí “lạc xa” đoàn chiên. Sứ mạng ấy được thực hiện cách cụ thể qua việc rao giảng và làm chứng.
Ngày nay, sứ vụ này ngày càng phức tạp vì cuộc sống ngày càng đa dạng, biến đổi, bấp bênh. Bài học căn bản về truyền giáo trong Tin Mừng hôm nay một lần nữa định hướng và thắp lửa truyền giáo cho chúng ta. Xác tín ơn gọi “môn đệ truyền giáo” đã lãnh nhận nơi Bí tích Rửa tội, hiệp thông và cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền giáo qua những khả năng Chúa ban, thanh thoát quảng đại, cầu nguyện phó thác và tích cực làm chứng trong cuộc sống, vẫn là những thái độ căn bản của người truyền giáo trong thời đại này.
Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng