Tín thác vào Chúa

Thứ sáu - 21/06/2024 22:16  1155
CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN NĂM B
G 38,1.8-11; 2Cr 5,14-17; Mc 4,35-41
 
Bao biến cố đau thương của cuộc đời như muốn vùi lấp con người, khiến rất nhiều người phải lo lắng, sợ hãi, đôi khi chán nản, tuyệt vọng và muốn buông xuôi. Họ cứ loay hoay đi tìm những cách giải quyết ngoài Chúa, thậm chí trái cả ý Chúa. Do đó, Lời Chúa hôm nay đã nhắc nhở các môn đệ năm xưa và cũng là cho chúng ta hôm nay về lòng tín thác vào Thiên Chúa: “Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?”

Quả thật, Lời Chúa hôm nay chính là lời nhắc nhở, cảnh cáo và trách cứ về thái độ tín thác của chúng ta vào Chúa. Thực ra, Chúa vẫn hiện diện và đồng hành với chúng ta, dù chúng ta không thấy Ngài, đôi khi không tin vào Ngài mặc dù Ngài đã, đang và sẵn sàng trợ giúp chúng ta.

1. Thiên Chúa luôn quan phòng

 
Chúng ta biết rằng vũ trụ này hiện hữu nhờ sự tạo dựng của Thiên Chúa. Vì tình yêu vô biên, Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ muôn vật hữu hình và vô hình, trong đó có con người. Ban đầu mọi sự đều tốt đẹp và có tương quan trật tự với nhau, nhưng do hậu quả của tội lỗi cùng với sự giới hạn và bất toàn của vạn vật mà chúng trở nên xung khắc với nhau. Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn con người phải hư mất đời đời, Ngài vẫn quan phòng vũ trụ này và hướng chúng tiến đến sự hoàn thiện như thuở ban đầu.

Bài đọc 1 trích sách Gióp cho thấy Thiên Chúa đã quan phòng vũ trụ vạn vật: từ đại dương bao la, đến khí trời, sự đối lưu của mây gió và ngay cả những khối lục địa Ngài cũng phân ranh. “Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân? Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn, lại đặt vào nơi cửa đóng then cài” (G 38,8-10). Như thế, chỉ qua mấy lời đối đáp ẩn dụ trong sách Gióp đã cho chúng ta thấy trật tự vũ trụ này là do Thiên Chúa quan phòng. Tất cả chỉ để phục vụ cho con người, vì con người. Thiên Chúa luôn bảo vệ con người và cứu sống con người bằng mọi giá.


2. Tại sao con người vẫn nhát đảm và nhiều người chưa có lòng tin?
 
Dù Thiên Chúa luôn quan phòng, nhưng con người đã lạm dụng tự do không vâng phục Thiên Chúa, gạt Thiên Chúa là nguồn sống ra khỏi đời mình khiến các mối tương quan với Thiên Chúa, với vạn vật và với chính bản thân bị xung khắc. Chính tội lỗi đã làm cho con người trở nên nhát đảm. Sách Sáng thế chương 3 đã diễn tả tình trạng con người sau khi phạm tội: “con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn” (St 3,10).

Sự nhát đảm càng thể hiện rõ hơn trong bài Tin Mừng hôm nay khi các môn đệ đi thuyền bị một trận cuồng phong đánh cho tơi tả: “Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước” (Mc 4,37). Sự sợ hãi đến cao điểm khi họ quên mất cả Đấng Quyền Năng đang đồng hành cùng họ: “Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4,38b). Quả thật, nhiều khi con người lâm vào cảnh khổ đau, ranh giới giữa sự sống và cái chết cận kề họ mới nhớ đến Chúa.

Hơn nữa, Thánh sử Maccô đã dùng các hình ảnh: “khi chiều đến, sang bờ bên kia, trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền” càng cho thấy sự nguy hiểm của sự dữ cùng những khó khăn khiến con người cảm thấy yếu đuối và mong manh. Thực tế cho thấy, con người càng giàu có, càng nhiều của cải, quyền lực càng cao, danh vọng càng nhiều thì sự sợ hãi càng lớn, nhất là khi họ phải đối diện với cái chết. Đôi khi người ta sợ trước các biến cố của thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh ập đến khiến họ cảm thấy Thiên Chúa như ngủ quên hay vắng bóng, thậm chí sợ hãi quá mà quên rằng Ngài vẫn hiện diện.

Thiên Chúa không tạo ra sự dữ hay gây đau khổ cho con người. Ngài vẫn miệt mài ngày đêm chữa lành những tổn thương cho con người hầu cứu con người khỏi sự hư mất đời đời. Có phải Ngài không đủ mạnh để chữa lành và cứu vớt không? Thưa không, chỉ vì con người lạm dụng tự do để phạm tội, cố tình gạt Ngài ra khỏi đời mình. Nhất là việc lạm dụng tự do của con người cùng với hậu quả của tội lỗi và sự bất toàn cũng như giới hạn của vạn vật đã dẫn đến đau khổ. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải tín thác vào Ngài, làm theo Lời Ngài để can đảm đối diện với những gian nan khốn khó.


3. Tín thác vào Chúa
 
Để có thể đối mặt với đau khổ và sự chết, lý trí con người cần phải vươn tới tầm cao đủ để đón nhận giá trị của những thực tại tinh thần và tôn giáo. Theo Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: trước tiên, cần phải công nhận đau khổ là một mầu nhiệm liên quan đến mầu nhiệm của tội đã được mạc khải trong Thánh Kinh.

Thực vậy, Thiên Chúa toàn năng, Đấng vô cùng tốt lành, chắn chắn sẽ không thể cho phép sự dữ nào xảy ra trong các công trình của Ngài, nếu Ngài không đủ quyền năng và lòng tốt để có thể rút ra từ trong chính sự dữ những gì hữu ích cho con người. Nếu Ngài cho phép đau khổ xảy ra, chính là vì đau khổ cần thiết cho sự cứu rỗi của nhân loại. Đôi khi chính những đau khổ, hiểm nguy lại là cơ hội giúp con người nhìn nhận ra sự yếu đuối, giới hạn và bất toàn của mình. Lúc đó, sự tự do cố chấp cần được gỡ bỏ, thay vào đó là sự tín thác, cậy trông vào Chúa, khi ấy họ mới thấy được quyền năng của Thiên Chúa và họ cần đến Chúa hơn bao giờ hết: “Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ” (Mc 4,39).

Nhìn vào bối cảnh Hội Thánh sơ khai, phép lạ trên là một lời an ủi các tín hữu. Chi tiết Đức Giêsu ngủ đang lúc bão táp mưa sa và sau đó Ngài chỗi dậy ra lệnh cho gió liền tắt, biển liền lặng như tờ muốn nói rằng mặc dù sau Phục Sinh, Chúa Giêsu dường như vắng mặt, nhưng thực tế Ngài vẫn đang hiện diện với Hội Thánh. Xem ra Ngài vô hình nhưng Ngài vẫn đang hoạt động trong Hội Thánh và vẫn tiếp tục bảo vệ Hội Thánh. Điều quan trọng là tin vào Chúa, tín thác đường đời vào tay Ngài, chắc chắn Ngài sẽ ra tay bởi vì, “Chúa hiện diện thực sự, chứ không phải chỉ là lý thuyết. Chúa là Cha, ở bên con, với tất cả quyền năng và tình yêu. Ngài năn nỉ, khuyên bảo, mời gọi, trách móc, tha thứ và luôn yêu thương” (ĐHV 234).

“Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa, Người đưa tay kéo họ khỏi gian truân. Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm bỗng đâu im tiếng. Họ vui sướng, vì trời yên bể lặng và Chúa dẫn đưa về bến bờ mong chờ.” (Tv 106, 28-30). Nếu Đức Giêsu đã cùng đồng hành với các môn đệ “sang bờ bên kia”, thì Ngài cũng sẽ dẫn chúng ta “về bến mong chờ”. Chính “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr 5,15).

Như thế, cái sợ hãi lớn nhất là sự chết, nỗi đau khổ hãi hùng nhất là cuộc khổ nạn Đức Giêsu đã gánh chịu trước vì tội lỗi chúng ta. Ngài là Đấng không phải chết, đã tự nguyện chết. Ngài là Đấng Toàn Năng chẳng phải chịu tác động quy luật nhân sinh, nhưng đã hạ mình đi vào nhân loại để kêu mời con người gạt bỏ bức tường cố thủ nhất là “tự do cố chấp” để cho Thiên Chúa dẫn dắt. Chỉ khi nào chúng ta tín thác vào Chúa, đi con đường Hằng Sống của Ngài và làm theo Lời Ngài dạy, chúng ta mới vượt qua được sợ hãi và sống hạnh phúc trong Nước Thiên Đàng muôn đời. Amen.

Tác giả: Lm. Jos. Duy Trần

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập80
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm43
  • Hôm nay18,647
  • Tháng hiện tại875,963
  • Tổng lượt truy cập73,425,814
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây