CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN NĂM B
St 3,9-15; Tv 129, 1-2.3-4.5-6a.6b-8; 2Cr 4,13-5,1; Mc 3,20-35
Tội lỗi và ân sủng là kinh nghiệm thường nhật của chúng ta. Chúng ta sinh ra trong tội lỗi và được tái sinh nhờ ân sủng. Cuộc chết đi sống lại ấy dường như liên tu bất tận trong cuộc đời, làm cho chúng ta ngày càng có kinh nghiệm cay đắng hơn về sự yếu đuối mỏng giòn của phận người, nhưng đồng thời, cũng cảm nếm ngọt ngào hơn về tình thương tha thứ của Thiên Chúa.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay dẫn chúng ta về kinh nghiệm của tội lỗi đầu tiên với những hệ lụy bi đát của nó. Đọc lại kinh nghiệm ấy không phải để xót xa cho một phận người lần trong đêm tối, nhưng là để ngụp lặn sâu hơn trong niềm cậy trông phó thác vào tình thương xót hải hà của Cha trên trời, Đấng không ngừng yêu thương và cứu chuộc con người chúng ta. Trong tăm tối, chúng ta được nhìn thấy ánh sáng của Thiên Chúa Cứu Độ.
Con người đã phạm tội
Bài đọc I hôm nay nhắc đến một thực tế bi thảm: con người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang danh dự! Với ngôn ngữ bình dân, tác giả cho chúng ta thấy tình trạng tội lỗi của con người. Thiên Chúa ban cho con người tự do, nhưng thay vì sử dụng tự do để ước ao và lựa chọn điều lành, con người lại lạm dụng tự do để làm điều dữ chống lại Thiên Chúa. Con người đã bị ma quỷ dụ dỗ, nghi ngờ Thiên Chúa, ảo tưởng về mình, đánh mất ân nghĩa với Chúa.
Tội lỗi đáng ghét vì gây ra những hậu quả khôn lường. Các mối tương quan bị phá vỡ hoặc méo mó: con người sợ gặp Thiên Chúa, hổ thẹn về chính mình, đổ vỡ với tha nhân và tàn khốc với vạn vật. Sự thật trần trụi đã bị phơi bày. Con người tự giơ tay chịu trói khi nghe theo ma quỷ, thế gian và xác thịt. Chỉ Thiên Chúa là Đấng có thể cứu thoát và giải cứu chúng ta. Lời hứa cứu độ đã được hé mở nơi câu kết: dòng giống của Thiên Chúa sẽ đạp nát đầu ma quỷ! (x. St 3,15).
Thiên Chúa rộng lượng
Thánh vịnh đáp ca nhắc đi nhắc lại rằng Thiên Chúa là Đấng “rộng lượng thứ tha” và “rất giàu ơn cứu độ” (Ðáp Ca: Tv 129, 1-2. 3-4ab. 4c-6. 7-8). Ngay sau khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã tìm cách cứu vớt họ. Sự rộng lượng thể hiện qua sự kiên nhẫn tha thứ của Ngài. Hết lần này đến lần khác, con người sa đi ngã lại, nhưng nếu họ biết thành tâm sám hối, thì Ngài lại thứ tha. Vì thế, có người đã tóm tắt Cựu Ước thành bốn chữ tội-phạt-hối-cứu: dân phạm tội, Chúa “phạt”, dân sám hối, Chúa lại cứu chữa…
Chiêm ngắm điều này, thánh Phaolô đã phải thốt lên: “Ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20)! và trong bài Công bố Tin Mừng Phục Sinh cũng có câu: “Ôi tội hồng phúc (felix culpa), nhờ có tội, ta mới có được Đấng Cứu Chuộc cao cả dường này!” (x. GLHTCG 412). Thiên Chúa rộng lượng nên không chấp tội ta, trái lại, Ngài luôn tìm mọi cách để cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ. Tình thương của Ngài vượt lên trên tội lỗi của chúng ta. Tuy nhiên, để đón nhận ơn tha thứ, chúng ta cũng cần có lòng ăn năn sám hối, quyết tâm chừa bỏ tội lỗi, nỗ lực cộng tác với ơn Chúa để nên thánh. Ngược lại, nếu chúng ta ngoan cố trong tội lỗi, thì đó là “tội phạm đến Chúa Thánh Thần”, và chúng ta sẽ chết trong tội của mình.
Gia đình Thiên Chúa
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta một viễn tượng “địa đàng” mới. Đó là gia đình rộng mở của Chúa Cứu Thế, nơi mọi người đều là anh chị em với nhau vì cùng là anh chị em với Chúa Giêsu. Ngài gọi tất cả những ai “làm theo ý Thiên Chúa” đều là “mẹ” và là “anh em”, “chị em” với Ngài. Một gia đình mới, trong đó mọi người hiệp thông và liên đới với nhau nhờ sợi dây đức tin và đức ái.
Địa đàng xưa bị đóng lại do tội lỗi, do bất tuân, do nghi ngờ (mất lòng tin) vào Thiên Chúa, do ảo tưởng về mình… Địa đàng nay được mở ra khi con người biết sống công chính, biết làm theo ý Chúa, tin tưởng vào tình thương kỳ diệu của Chúa, khiêm tốn nhìn nhận thân phận thụ tạo giới hạn và bất toàn của mình. Nỗ lực và cậy trông sẽ giúp chúng ta vượt thắng tội lỗi và sống trong ân sủng của Thiên Chúa.
***
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về thân phận yếu đuối tội lỗi của mình. Chúng ta được sinh ra với một bản tính nhân loại bị tổn thương vì tội lỗi, “đã mất đi sự thánh thiện và công chính nguyên thủy”, nên yếu đuối và dễ nuông chiều về điều dữ: “bản tính nhân loại bị thương tật trong các sức lực tự nhiên riêng của mình, u mê dốt nát, phải chịu đau khổ, bị sự chết thống trị, và hướng chiều về tội lỗi (sự hướng chiều về điều xấu được gọi là dục vọng: concupiscentia)”.
Tuy nhiên, Thiên Chúa là Đấng rộng lượng thứ tha và giàu ơn cứu độ, vẫn không bỏ rơi chúng ta. Ngài đã nhiều lần nhiều cách cứu độ chúng ta, mà đỉnh cao là Ngài đã sai Con Một đến để ai tin vào Người Con thì được sống đời đời. Người Con ấy dạy chúng ta hãy “tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1b), “hãy chiến đấu mà qua cửa hẹp” (Lc 13,24), “hãy làm theo ý Thiên Chúa” (x. Mc 3,35) để được ở trong gia đình của Thiên Chúa mãi mãi: Khi Nước Thiên Chúa trị đến là lúc nước Satan bị sụp đổ: “Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12,28).