Để gia nhập gia đình Đức Giêsu

Thứ bảy - 08/06/2024 04:18  1379
CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN NĂM B
St 3,9-15; 2Cr 4,13-5,1; Mc 3,20-35

Khi nghe tin mẹ và anh em mình đang ở ngoài, Đức Giêsu đã phán: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,35). Lời khẳng định này của Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta con đường đi vào gia đình của Thiên Chúa là làm theo thánh ý Chúa Cha.

Trước hết, chúng ta cần biết rằng: Đức Giêsu không hề chối bỏ mối quan hệ huyết thống với Mẹ Ngài và anh em trong dòng họ. Trái lại, Chúa Giêsu còn đề cao thái độ lắng nghe và thực thi lời Chúa bằng sự vâng phục đức tin nơi Mẹ Maria. Chính nhờ thái độ “tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với Mẹ” (Lc 1,45) mà Mẹ Maria đã vâng theo thánh ý Chúa, cưu mang Ngôi Lời nhập thể bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Đức Maria đã trở nên Mẹ Chúa Giêsu bởi vì Mẹ đã lắng nghe và thực thi lời Chúa. Mẹ đã trở nên gương mẫu cho mọi Kitô hữu để lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy, và mối phúc lắng nghe lời Chúa và sống thực hành cũng được mở ra cho tất cả mọi người thuộc mọi thời đại.

Tiếp đến, mọi người, mọi thời đại, đều có thể hưởng được mối phúc thật khi họ biết khiêm tốn lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành. Bài Tin Mừng hôm nay cho biết: “Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em, là mẹ tôi” (Mc 3, 34-35). Như vậy, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy lấy đức tin làm nền móng vững chắc để xây dựng đời sống của gia đình, mà đức tin ở đây được thể hiện qua việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Chính Đức Giêsu nói lên mối giây liên kết đích thực trong gia đình Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập phải được coi là quan trọng hơn quan hệ huyết thống rất nhiều. Trong đó, con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do chính đức tin và đức ái.

Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với nhau: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương người anh em của mình. Quả thực, Lời Chúa có một hấp lực mạnh mẽ thúc đẩy chúng ta lắng nghe Lời Người (x.Mc 1,45), làm chúng ta kinh ngạc (x.Mc 6,21) bởi vì lời nói của Người có uy quyền (x.Mc 1,27). Cũng như các tông đồ xưa, Lời Chúa vẫn luôn mời gọi chúng ta “ở với Người và được đi rao giảng” (Mc 3,14) hầu quy tụ mọi dân vào trong Hội Thánh (x.Mc 16,15-20). Chính nhờ việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa, mà mọi người được quy tụ thành dân mới và thành chi thể Đức Kitô.

Cuối cùng, Chúa Giêsu đến trần gian để xây dựng một gia đình duy nhất của Thiên Chúa, gia đình của những người cùng một mục đích là nguyện cho Danh Cha được cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Mặc dù con người phạm tội, tự mình loại ra khỏi gia đình Thiên Chúa, bị tản mát khắp nơi khi họ không vâng phục Thiên Chúa (x.St 3,9-15) Nhưng Thiên Chúa không muốn họ bị tản mát và hư mất đời đời, chính Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến quy tụ về. Để cho thấy sự duy nhất về cùng một gia đình đó, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Ðó là hình ảnh Chúa Giêsu muốn diễn tả khi Ngài nói: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc3,35). Với lời khẳng định này của Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta con đường đi vào gia đình của Thiên Chúa, đó là làm theo thánh ý Chúa Cha. Như vậy, đối với Đức Giêsu, tình nghĩa gia đình không chỉ xây dựng trên liên hệ máu mủ, mà thiết yếu phải được củng cố bởi lòng tin.

Bởi vì, đặc tính siêu việt của Đức Giêsu mà không một ai có là Ngài đã đồng nhất ý muốn của Ngài với ý muốn của Thiên Chúa, vì Ngài chính là Thiên Chúa. Cho nên, tất cả những ai có chung một mục đích sống và làm theo ý muốn của Thiên Chúa mới thật là họ hàng của Đức Giêsu. Như thế, kẻ thân thuộc với Chúa là người biết lắng nghe Lời Chúa và thực thi ý Chúa. Điều này cho thấy, tiến trình đức tin mà các thân nhân của Đức Giêsu phải trải qua, kể cả Mẹ của Ngài nữa. Trong Nước Chúa, những dây liên hệ máu mủ không nhất thiết phải đảm bảo thứ bậc ưu tiên nữa. Đúng như lời Thánh Phaolô đã nói: “Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói” (2Cr 4,13). “Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2 Cr 5,1).

Để được ở trong “ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời”, chúng ta được mời gọi lắng nghe, suy niệm và chiêm niệm Lời Chúa trong chính thực tại đời sống của mình. Chỉ những ai tin tưởng, yêu mến và tuân giữ Lời Chúa mới có thể làm được những điều kỳ diệu trong cuộc sống như Mẹ Maria đã thực hiện. Mẹ đã trải qua những vui buồn của cuộc sống nhờ siêng năng chiêm niệm Lời Chúa.

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, chính Mẹ đã truyền kinh nghiệm của Mẹ cho các tín hữu rằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hãy tìm đến Lời Chúa, hãy để cho Lời Chúa hướng dẫn, hãy để thánh ý Chúa được thể hiện trọn vẹn trong mình. Đừng bao giờ bóp nghẹt Lời Chúa bằng những tính toán lợi lộc cho riêng mình giống như những người biệt phái và kinh sư, trái lại hãy sống quảng đại với hết mọi người, hãy đem Chúa đến cho mọi người và trung thành theo Chúa cho đến hết cuộc đời như Mẹ Maria hằng lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Amen.

Tác giả: Lm. Jos. Duy Trần

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập44
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay15,137
  • Tháng hiện tại620,895
  • Tổng lượt truy cập73,170,746
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây