Nguồn mạch và khuôn mẫu

Thứ bảy - 25/05/2024 07:40  985
Lễ chúa ba ngôi

Đnl 4,32-34.39-40; Rm 8,14-17; Mt 28,16-20

 

picture1 4Giáo Hội là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quanh Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Là con người lữ hành, Giáo hội phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Chúa Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần. Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần (GLHTCG, số 772).

Mầu nhiệm Ba Ngôi gắn liền với đời sống chúng ta. Chúng ta được tái sinh làm con cái Chúa nhờ phép rửa “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Chúng ta nhắm mắt lìa đời với dấu ấn Ba Ngôi qua nghi thức an táng. Chúng ta làm dấu Thánh Giá hàng ngày, “khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim” của mình. Chúng ta luôn quy hướng mọi sự về Chúa Ba Ngôi với vinh tụng ca: “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”…

Tuy nhiên, để giúp chúng ta ý thức hơn về tầm quan trọng bậc nhất của mầu nhiệm “trung tâm” này trong đức tin và đời sống các Kitô hữu, Giáo hội đã cử hành lễ Chúa Ba Ngôi ngay vào Chúa Nhật đầu mùa Thường Niên phần II, để chúng ta cùng chiêm ngắm, học hỏi và kín múc nguồn mạch vô biên của Mầu Nhiệm cao cả muôn trùng khôn ví này.

Mầu nhiệm đức tin

Mầu nhiệm Ba Ngôi là “mầu nhiệm đức tin theo nghĩa hẹp”, là một trong những mầu nhiệm được ẩn giấu nơi Thiên Chúa, vì “nếu Thiên Chúa không mạc khải thì không ai có thể biết được”, “là một mầu nhiệm mà lý trí thuần tuý của con người không thể nào đạt đến được” (GLHTCG 237). Chúng ta nhận biết và tuyên xưng một Thiên Chúa Ba Ngôi là nhờ tin vào mạc khải của Chúa Giêsu và nhờ Thánh Thần của Ngài qua Hội Thánh.

Tuy nhiên, mầu nhiệm này cũng được tỏ bày cho chúng ta qua những dấu vết của công trình tạo dựng và lịch sử cứu độ. Chẳng hạn qua việc danh xưng Thiên Chúa ở số nhiều (St 1,1: Elohim, số nhiều quả Eloah, xuất hiện 2500 lần), hình ảnh ba vị khách ghé thăm Abraham (St 18,1-3), kiểu xưng hô “chúng ta” (số nhiều) của Thiên Chúa: “Chúng ta hãy làm ra con người giống hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26), “Chúng ta hãy xuống và làm cho ngôn ngữ chúng xáo trộn” (St 11,7), “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?” (Is 6,8)[1]

Mạc khải rõ ràng hơn về mầu nhiệm Ba Ngôi có thể được thấy qua biến cố truyền tin (x. Lc 1,26-38), qua biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan (x. Mt 3,13-17), qua biến cố Chúa hiển dung trên núi cao (x. Mc 9,2-10), qua lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Bấy giờ Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, cất tiếng cầu nguyện rằng: ‘Lạy Cha là Chúa Cả trời đất…’” (Lc 10,21), nhất là qua diễn văn từ biệt và lời nguyện tư tế của Ngài (x. Ga 15-17): “Tôi và Cha Tôi là một”, “Thần Khí Sự Thật đến từ Chúa Cha”…

Chính trong khoảnh khắc hiến mình trên Thập Giá, mầu nhiệm Ba Ngôi cũng được hiển thị qua việc Ngài xin Cha tha tội cho nhân loại, Ngài phó linh hồn trong tay Cha và “trao Thần Khí” (x. Ga 19,25-30). Mầu nhiệm Ba Ngôi cũng hiển tỏ trong mệnh lệnh truyền giáo: Ngài “thổi hơi” trên các tông đồ và nói “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” rồi truyền lệnh: “như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (x. Ga 20,21-22). Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ ràng hơn bao giờ hết mầu nhiệm Ba Ngôi: “Anh em hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19).

Khuôn mẫu hiệp thông

Ngay từ buổi đầu, chân lý mạc khải về Ba Ngôi Chí Thánh đã có trong những điều căn bản của đức tin sống động của Hội Thánh, chủ yếu qua bí tích Rửa Tội, trong việc dạy giáo lý và trong kinh nguyện của Hội Thánh. Trong những thế kỷ đầu, qua các Công đồng, Hội Thánh đã cố gắng trình bày minh bạch hơn đức tin của mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vừa để đào sâu sự hiểu biết của chính mình về đức tin, vừa để bảo vệ đức tin khỏi những sai lạc muốn bóp méo đức tin. Để công thức hoá tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi, Hội Thánh phải triển khai một thuật ngữ riêng, dựa vào những khái niệm bắt nguồn từ triết học, như: “bản thể” (substantia), “ngôi” hoặc “ngôi vị” (persona hoặc hypostasis), “tương quan” (relatio) v.v...[2]

Hội Thánh sử dụng từ “bản thể” (substantia) (hoặc “yếu tính”, essentia hoặc “bản tính”, natura) để chỉ Hữu Thể thần linh trong sự duy nhất của Ngài, từ “ngôi” hoặc “ngôi vị” (persona hoặc hypostasis) để chỉ Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong sự phân biệt thật sự với nhau giữa các Ngài, còn từ “tương quan” (relatio) để chỉ sự phân biệt của các Ngài trong vấn đề các Ngài quy chiếu về nhau[3]. Công thức “Tam Vị Nhất Thể” được dùng để diễn tả cô đọng niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất xét trong bản thể, nhưng phân biệt xét theo ngôi vị. Chúa là “Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Tể duy nhất, không phải trong một Ngôi đơn độc, nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể” (Kinh Tiền Tụng).

Đây là mẫu gương cho sự hiệp thông trong Hội Thánh và cho mọi cộng đoàn. Mỗi thành viên đều là một nhân vị, một ngôi vị độc đáo, nhưng cần phải liên kết với nhau trong cùng một “bản thể” cộng đoàn, là “thân mình Đức Kitô”, là “Đền thờ của Thiên Chúa”, “trong cùng một Đức Tin, một Phép Rửa, một Thánh Thần” (x. Ep 4,1-7). Nguyên tắc mà thánh Augustino đưa ra là: “Hiệp nhất trong những điều chính yếu, tự do trong những cái tùy phụ, bác ái trong tất cả”. Mỗi người được mời gọi lưu ý đến ích chung, đóng góp sự độc đáo của mình và đón nhận sự độc đáo của người khác vì ích chung, với lòng yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.

Nguồn lực truyền giáo

Sứ mệnh truyền giáo gắn liền với mầu nhiệm Ba Ngôi. Các tông đồ được sai đi để rao giảng và làm phép rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi. Điều này không chỉ nhắc chúng ta về “mầu nhiệm trung tâm” của đức tin và đời sống Kitô hữu, nhưng cũng lưu ý chúng ta về nguồn mạch mang lại động lực truyền giáo. Sứ mệnh truyền giáo (missio) xuất phát từ dòng chảy của Tình Yêu Ba Ngôi. Thiên Chúa là tình yêu, không phải là tình yêu khép kín, nhưng là tình yêu rộng mở. Cha yêu con trao hết mọi sự cho Con, Con yêu Cha quy hết mọi sự về Cha, Thánh Thần là tình yêu giữa Cha và Con. Tình yêu ấy mở ra cho vạn vật. Cha yêu thế gian đến nỗi trao tặng Con cho thế gian. Con yêu thế gian nên đã trao hiến mạng sống cho thế gian và ban Thánh Thần cho thế gian.

Như vậy, sứ mạng truyền giáo phát xuất từ lòng Chúa Cha yêu thương, Chúa Con là nhà truyền giáo vĩ đại được Chúa Cha gửi xuống thế gian, Chúa Con trao ban Thánh Thần và sai Hội Thánh tiếp tục sứ mạng yêu thương cứu độ ấy mọi ngày cho đến tận thế. Do đó, truyền giáo không phải là một chiến lược chiêu dụ tín đồ hay bành trướng Giáo Hội, mà là tiếp nối công trình yêu thương của Thiên Chúa, Đấng muốn yêu thương, giải thoát và cứu độ mọi người. Thiên Chúa là Cha hết thảy mọi người; Ngài không muốn ai hư mất, không muốn ai phải chết đời đời. Ngài muốn mọi người được sống và được sống dồi dào (x. Ga 10,10).
                                                                           ***                                  
Phụng vụ Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm cao vời nhất trong đức tin, mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Tuy trí khôn không hiểu thấu, nhưng chúng ta xác tín và tuyên xưng vào một Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần. Niềm xác tín vững vàng này dựa trên nền tảng mạc khải và truyền thống đức tin chắc chắn của Hội Thánh.

Mầu nhiệm Ba Ngôi là nguồn mạch và khuôn mẫu cho chúng ta trong việc xây dựng sự hiệp thông và trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Mỗi lần chúng ta làm dấu Thánh Giá, đọc kinh Sáng Danh, tôn thờ Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi ý thức mình là Đền Thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa, là chi thể sống động của Hội Thánh, là người có sứ mạng xây dựng sự hiệp nhất, bình an và khơi nguồn cứu độ của Chúa cho anh chị em mình.

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập365
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm340
  • Hôm nay11,140
  • Tháng hiện tại596,516
  • Tổng lượt truy cập73,146,367
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây