Sống mầu nhiệm Hiệp thông trong Giáo hội

Thứ bảy - 27/04/2024 05:16  839
Chúa Nhật 5 Phục sinh năm B

i am the true vine origHình ảnh cây nho rất quen thuộc trong sinh hoạt thường ngày của người Do Thái. Chúa Giêsu cũng vay mượn hình ảnh này để diễn tả sự hiệp thông trong Hội thánh, là chính thân thể mầu nhiệm của Ngài. Như cành nho phải gắn kết với cây nho để nhựa sống từ thân cây được thông chuyển, chúng ta cũng cần lưu lại trong Chúa và sống hiệp thông trong Hội thánh để sự thánh thiện phát nguyên từ Chúa Giêsu được lưu truyền đến chúng ta. Vì vậy, huấn quyền của Hội thánh đã khẳng quyết rằng ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ. Lý do, vì Giáo hội là thân thể mầu nhiệm của Đức Giêsu. Ngài chính là đầu của nhiệm thể ấy, đồng thời cũng là cây nho thông chuyển sự sống và ơn sủng đến tất cả những ngành nho được tháp nhập vào.

Tôi tin Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền

Chỉ có một Hội thánh duy nhất, được xây dựng trên đá tảng là thánh Phêrô và được khai sinh từ mầu nhiệm Phục sinh của Đấng Cứu thế. Tự bản chất, Giáo hội của Chúa Giêsu luôn luôn thánh thiện, cho dù Giáo hội bao gồm những phần tử bất toàn và đầy tội lỗi. Giáo hội có cơ cấu hữu hình thuộc thực tại trần thế với hàng giáo phẩm và các phẩm trật, nhưng tự bản chất, Giáo hội vẫn luôn là một thực thể vô hình mang tính thánh thiêng và mầu nhiệm. Những tư tưởng thần học này đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần triong các thơ của thánh Phaolô, các thơ của thánh Phêrô tông đồ, trong sách Khải huyền, cũng như trong sách Tông đồ Công vụ, v...v... Thánh Phêrô đã dạy chúng ta : “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa (1P2, 9). Trong sách Khải huyền, thánh Gioan cũng thuật lại thị kiến về một đoàn người đông vô kể thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, mọi nước, mọi dân, mình mặc áo trắng, áo đã được giặt trong máu Con Chiên, đêm ngày thờ phượng trong đền thờ của Chúa (Kh 7,9-17).

Bản chất của Giáo hội là thánh thiện. Chúa Giêsu cũng luôn mời gọi các học trò của mình phải trở nên thánh bằng cách sống kết hiệp mật thiết với Ngài, như những cành nho tháp nhập vào thân cây nho. Sống với Chúa và lưu lại trong Chúa là điều kiện căn bản để chúng ta trở nên thánh. Ngược lại, nếu tự chia tách, chúng ta sẽ bị hủy diệt trong tội lỗi, giống như cành nho sẽ bị khô héo khi tách lìa khỏi thân cây nho. Như vậy, nếu chúng ta ly khai khỏi Giáo hội và sống trong tình trạng tuyệt thông (ex-comunio) với thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu, chúng ta đang tự khai tử chính mình.

Trong bộ giáo luật 1917 trước đây, Giáo hội vẫn hay sử dụng văn thức ‘anathema  sit’ để ra vạ tuyệt thông cho những ai cố tình chủ trương và sống ly khai khi cổ súy một giáo lý sai lạc. Tuy nhiên, trong bộ giáo luật mới 1983, Giáo hội đã rút lại chỉ còn 7 vạ tuyệt thông tiền kết, đối với những trường hợp vi phạm rất nặng nề. Những vạ tuyệt thông này vẫn có thể giải gỡ nếu hối nhân nhận thức được sai lầm của mình và thật lòng xin trở về hiệp thông với Giáo hội. Cụ thể, chúng ta thấy có một số Giám mục được tấn phong bất hợp pháp đã được Giáo hội giải vạ và cho phục hồi năng quyền.

Hội thánh của Chúa Giêsu luôn vĩnh tồn

Vào thế kỷ 18, triết gia  Voltaire đã bỏ đạo và ra sức triệt phá Giáo hội. Ông đưa ra khẩu hiệu ‘Hãy đánh đổ đứa quái gở này đi’, tức  Giáo hội. Voltaire lập nhóm mang tên ‘Qủy sứ Beelzébul’ để chuyên đi lùng bắt và sát hại các linh mục. Vào năm 1735, ông ngạo nghễ tuyên bố : “Thiên Chúa có thể về hưu được rồi và 20 năm nữa, Giáo hội sẽ bị tru diệt hoàn toàn”. Nhưng 20 năm sau, khi hấp hối trên giường bệnh và chờ chết, ông thấy Giáo hội của Chúa Giêsu vẫn tồn tại và phát triển. Ông thét gào trong đau đớn và nói với mọi người: “Kìa, tôi nhìn thấy hỏa ngục. Hoả ngục đang mở ra và ma quỷ chờ để lôi tôi vào, vì tôi đã chống lại Thiên Chúa và chống lại Giáo hội của Ngài”. Một ngươi bạn của Voltaire đã nhận xét: “Nếu ma quỷ chết được, nó cũng không nếm trải cái chết ghê sợ giống như cái chết của Voltaire”.

Ngày hôm nay, chúng ta vẫn thấy ma quỷ đang hoạt động dữ dội để tấn công Giáo hội bằng nhiều hình thức khác nhau. Nó tấn công không phải bằng sức mạnh của bom đạn hay vũ khí, nhưng bằng biết bao mưu thâm chước độc. Nó dùng tiền bạc, danh vọng và những lạc thú xác thịt để làm mồi nhử, gây lung lạc đức tin của các Kitô hữu, nhất là của các anh em linh mục và những vị lãnh đạo trong Giáo hội. Để có thể chống lại những tấn công này, chúng ta hãy nhớ lại điều Chúa Giêsu căn dặn hôm nay, đó là luôn ở lại với Chúa trong đời sống cầu nguyện để chúng ta là những cành nho luôn có được nhựa sống và trổ sinh hoa trái dồi dào.

Không ai là một hòn đảo

Đây là tựa đề một cuốn sách khá nổi tiếng của Cha Thomas Merton, SJ (No man is an island). Định luật này được áp dụng trong đời sống xã hội qua sự tương liên nhân vị với mọi người chung quanh. Tuy nhiên, định luật ấy còn phải được áp dụng cách triệt để hơn nữa trong đời sống của Giáo hội. Sống hiệp thông trong Hội thánh không phải chỉ là một khẩu hiệu của lý thuyết, nhưng còn phải thể hiện bằng việc làm. Trong bài đọc 2 của phụng vụ hôm nay, thánh Gioan tông đồ đã nhắc lại cho chúng ta định luật này. Ngài viết : “Chúng ta đừng yêu thương nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thực và bằng việc làm (1 Ga 3, 18). Sự chia rẽ sẽ làm suy yếu sức sống của Giáo hội. Cộng đồng Vatican 2 cũng dạy mỗi người chúng ta phải góp sức kiến tạo sự duy nhất trong Giáo hội cho dù giữa lòng Giáo hội vẫn có nhiều dị biệt (unity in diversity). Sự ghen tương, đố kỵ đi đôi với thói thích phô trương cái tôi, sẽ làm cho Giáo hội trở nên suy yếu. Vì thế, Giáo hội chọn bài đọc 2 trong phụng vụ hôm nay để nhắc lại cho chúng ta giáo huấn của thánh Gioan tông đồ : “Đây là điều răn của Chúa: Anh em phải tin và yêu thương nhau” (1 Ga 3,23). Niềm tin vào Đức Kitô Phục sinh nối kết chúng ta nên một để chúng ta cùng chung tay xây dựng Hội thánh Chúa ở trần gian.

Kết luận

Vào thế kỷ 18, Hoàng đế Napoléon đã bắt giam Đức Thánh Cha Piô VII và đày Ngài ra đảo St. Hélène. Ông ta tuyên bố rằng, đây là vị Giáo hoàng cuối cùng và Giáo hội sẽ không còn lý do để tồn tại. Sau này, ông đã mở mắt ra và chứng kiến sự thật, không giống như ông nghĩ tưởng trước đây. Đức Piô VII được giải cứu và đã trở về Rôma vào ngày lễ kính Đức Mẹ Phù Hộ 24 tháng Năm. Còn Napoléon lại bị phát lưu ra đảo St. Hélène, nơi ông đã giam giữ vị sứ giả của Chúa.

Chúng ta hãy cố gắng xây dựng cảm thức thuộc về Giáo hội (Sensus Ecclesiae), không phải chỉ bằng lời nói mà bằng việc làm, để chúng ta là những cành nho luôn tháp nhập vào thân cây nho, là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô phục sinh.

Tác giả: Văn Hào, SDB

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập74
  • Máy chủ tìm kiếm46
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay33,023
  • Tháng hiện tại488,527
  • Tổng lượt truy cập79,720,365
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây