CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH năm B
Cv 4,8-12; 1Ga 3,1-2; Ga 10,11-18
Năm 1889, Cha Đamianô (Pater Damiaan), là linh mục Công giáo người Bỉ thuộc dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đã qua đời tại đảo Molokai (Hawaii) sau 16 năm tình nguyện phục vụ các bệnh nhân phong cùi và bị chết vì lây bệnh. Năm 1941, cha Maximilianô Maria Kolbê, 47 tuổi, đã tình nguyện chết thay cho một người bạn tù tại tập trung Auschwitz, Ba Lan. Năm 2020 vừa qua, cha Giuseppe Berardelli người Ý, 72 tuổi, đã nhường máy trợ thở cho một thanh niên trẻ hơn và đã qua đời vì Covid 19… Danh sách những mục tử “hy sinh mạng sống vì đoàn chiên” có lẽ còn rất nhiều mà chúng ta không thể biết hết và kể ra hết.
Năm nào cũng thế, Chúa Nhật IV Phục Sinh là Chúa Nhật giới thiệu cho chúng ta chân dung mẫu mực của các mục tử: Chúa Giêsu, Mục Tử nhân lành. Đây quả là dịp tốt để chúng ta sống tâm tình phó thác vào Chúa, cầu nguyện cho các vị mục tử trong Hội Thánh và sống vai trò mục tử qua chức năng vương giả của mình.
Mục tử tốt lành
Bài Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta chân dung Vị Mục Tử tốt lành: biết chiên, hy sinh mạng sống vì chiên và quy tụ chiên.
Trước hết là “biết” chiên. “Biết” không phải là nắm thông tin về chiên (biết bằng đầu óc) nhưng là có mối liên hệ sâu đậm với chiên (biết bằng trái tim). Đó là mối tương quan gần gũi, gắn bó, hiệp thông, như “Chúa Cha biết Chúa Con và Chúa Con biết Chúa Cha”.
Tiếp đến là hy sinh mạng sống vì chiên. “Hy sinh” ở đây nói về sự hiến thân phục vụ tới mới quên mình vì lợi ích của những người được giao phó cho mình. Đỉnh cao là hy tế thập giá và sự phục sinh. Chúa Giêsu đã “thí mạng sống để rồi lấy lại”, nghĩa là đã chịu chết và phục sinh, để mang ơn cứu độ cho nhân loại.
Sau cùng là quy tụ chiên. Mục tử tốt lành không yêu thương một cách thiên vị hoặc riêng tư. Ngài yêu với tình yêu vô biên của Chúa Cha, Đấng là Cha của mọi người, muốn cứu độ mọi người và quy tụ mọi người trong gia đình của Thiên Chúa.
Con chiên tốt lành
Chúng ta thường đưa ra những đòi hỏi, nhiều khi là khắt khe, về sự tốt lành của các mục tử, nhưng lại ít khi tự vấn xem mình có là con chiên tốt lành không. Chúng ta vui sướng vì được Vị Mục Tử tối cao cực tốt cực lành, hằng yêu thương chăm sóc chúng ta với tình yêu khôn tả. Tuy nhiên, rất nhiều khi chúng ta chưa là con chiên ngoan hiền của Chúa, vì còn ương ngạnh không vâng nghe và thực hành Lời Chúa, còn dửng dưng và thậm chí vô ơn trước tình yêu Chúa…
Trong mối tương quan với các vị mục tử trong Hội Thánh, đôi khi chúng ta cũng còn khá xa cách với các ngài. Con chiên tốt lành là các con chiên “biết”, “nghe” và ở trong đoàn. Đó là những tín hữu tận tình yêu mến, khiêm tốn lắng nghe và nhiệt thành cộng tác với mục tử của mình. Họ gắn bó với mục tử và cộng đoàn mình thuộc về, sống tinh thần tham gia và đồng trách nhiệm.
Chức năng vương giả
Qua bí tích Rửa Tội, tất cả chúng ta được mời gọi tham phần vào chức năng vương giả của Chúa Kitô. Mỗi tín hữu đều là một mục tử trong phạm vi của mình và thi hành chức năng ấy qua việc làm chủ con người mình, phục vụ tha nhân và chu toàn trách nhiệm bổn phận. Các bậc cha mẹ là mục tử của con cái mình, cũng cần “biết” con, “thí mạng” vì con, dẫn dắt con sống trong Hội Thánh. Tương tự như thế, các bậc thầy cô là mục tử của học sinh; các vị hữu trách là mục tử của những cộng đoàn được giao phó cho mình…
Cung cách thi hành chức năng mục tử là tinh thần phục vụ và trách nhiệm. Đó chính là biểu hiện của đức ái chân thật, có trách nhiệm với tha nhân, với ích chung và chung tay phục vụ mọi người theo tinh thần “rửa chân” của Chúa Cứu Thế. “Chức năng vương giả nêu lên dung mạo của một ‘trưởng lão’ (presbyter) đích thực trong cộng đoàn, một người có một đời sống thiêng liêng thâm sâu, với những phẩm chất và nhân đức như: trung thành, nhất quán, khôn ngoan, hiếu khách, thân thiện, từ tâm, kiên quyết trong những điều cốt yếu, không có những quan điểm quá chủ quan, không vụ lợi, kiên nhẫn, nhiệt tâm với các bổn phận hàng ngày, lòng tin vào giá trị của những hoạt động âm thầm của ân sủng nơi những kẻ đơn sơ khó nghèo” (PDV 26)
***
Tông huấn Pastores dabo vobis sử dụng hình ảnh Đức Kitô mục tử để phân tích căn cước linh mục, với 4 lợi điểm sau: 1/ Hình ảnh này dựa vào Kinh thánh, đặc biệt là Tân ước; 2/ Hình ảnh mục tử làm nổi bật vai trò dìu dắt lãnh đạo cộng đoàn; 3/ Hình ảnh mục tử làm nổi bật tinh thần bác ái phục vụ; 4/ Sau cùng, nếu muốn trở thành một mục tử tốt, linh mục không những phải học hỏi mẫu gương từ Đức Kitô nhưng còn phải sống thân mật với Ngài nữa. Để xứng đáng làm mục tử chăn dắt đoàn chiên của Đức Kitô, linh mục cần phải luôn sẵn sàng trả lời câu hỏi của Ngài: “con có yêu mến Thầy hơn những người này hay không?” (số 42). Linh mục phải trở nên bạn hữu với Đức Kitô (số 46).
Chiêm ngắm Đức Kitô, Mục Tử Tối Cao nhân lành, không chỉ riêng các linh mục, nhưng mỗi tín hữu đều được mời gọi trở nên “mục tử tốt lành” theo khuôn mẫu của Thầy Chí Thánh, để “đoàn chiên” của Chúa mà mình đang phục vụ được yêu thương săn sóc và sống dồi dào.
X. Ronald D. Witherup, Vàng được thử lửa. Một lễ Hiện Xuống mới cho hàng Linh mục Công giáo, Lm. Lê Công Đức và nhóm Anh Việt dịch, tr. 31-32.