CHÚA NHẬT III PHỤC SINH NĂM B
Cv 3,13-15.17-19; 1Ga 2,1-5a; Lc 24,35-48
Thiên Chúa đã chủ động đến với nhân loại và ban Bình an cho con người, nhưng tại sao nhiều nơi trên thế giới vẫn còn chiến tranh, hận thù chia rẽ và chưa có Bình an thật sự? Phải chăng Bình an của Chúa chưa đủ mạnh hay vì lòng người quá sân si mà Bình an không đến với họ được?
Thật ra, việc nhân loại có Bình an hay không là do sự tiếp nhận của nhân loại. Bài Tin mừng hôm nay cho thấy: chính Đức Giêsu Phục Sinh đã tìm đến các môn đệ cùng hiệp hành với họ, an ủi, chia sẻ với họ và nhất là khi họ đuối sức, Ngài ban Bình an cho họ: “Bình an cho anh em!” (Lc 24,36).
Chúng ta biết rằng, trong cuộc sống, nhiều lần nhiều cách Chúa đã đến với chúng ta, đồng hành và ban Bình an cho chúng ta, nhưng chúng ta lại không nhận ra Ngài bởi vì chúng ta bị nhiều thứ ru ngủ như: tiền tài, danh lợi, thú vui hạ đẳng… đặc biệt chủ nghĩa thực dụng làm cho lòng người trở nên hẹp hòi chỉ biết mình mà không để ý đến nỗi thống khổ của tha nhân. Đây có lẽ là những cám dỗ thường tình đối với loài người. Do đó, con người vẫn đau khổ và sống trong ảo tưởng: tưởng là hạnh phúc nhưng vẫn đau khổ, tưởng là bình an, nhưng lại lo lắng bất an…, đôi khi chúng ta cuống cuồng tìm kiếm một thứ, mệt mỏi rồi mới ngây ngô nhận ra: nó vốn nằm trong lòng bàn tay. Một triết gia trẻ người Đan Mạch Soren Kierkegaard (1813-1855) đã chia sẻ: “Kinh Thánh chính là thư tình mà Thiên Chúa gởi cho ta”. Vậy mà nhiều khi ta lại không đọc thư ấy, không nhận ra sức sống và lời an ủi từ thư ấy. Chính vì lẽ đó, chúng ta chưa gặp được Đức Kitô phục Sinh, chưa thực sự cảm nhận được bình an của Ngài.
Chúng ta chỉ bình an khi chúng ta để cho Lời Chúa hướng dẫn và thấm nhập vào ta. Thánh Luca đã cho chúng ta thấy các môn đệ đã kinh hồn bạt vía, khi thấy Đức Giêsu đứng giữa các ông. Chính Đức Giêsu đã trấn tĩnh các ông bằng việc Ngài hỏi thăm thân mật và cho các môn đệ xem những dấu vết thương Ngài đã chịu. Ngài đã hiệp hành với các môn đệ qua việc cùng ăn với các ông và làm những cử chỉ yêu thương, phục vụ thân thuộc. Chính những cử chỉ yêu thương này làm cho các môn đệ nhận ra bình an của Chúa. Thánh Gioan Maria Vianney đã phải thốt lên: “Các con thân mến, nếu chúng ta muốn có bình an và niềm vui trong tâm hồn, trong gia đình, trong toàn thể xã hội loài người, thì chỉ có một con đường chắc chắn, đó là con đường mà Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta và Giáo Hội của Người.”
Tuy nhiên, trong thực tế xã hội hôm nay, không phải ai cũng nhận được bình an, không phải ai cũng biết trao những hành động yêu thương. Chúng ta phải thừa nhận một thực tế trong xã hội ngày nay, có rất nhiều thứ nguy hiểm rình rập làm chúng ta mất phương hướng. Nhiều người không thấy ý nghĩa cuộc sống, không cảm nếm được tin vui Phục Sinh. Họ sống buông xuôi hoặc tìm đến những thú vui chóng qua. Tệ hơn, không ít người đã chọn con đường tự sát để giải thoát mình. Nhiều người hôm nay chẳng khác dân Do Thái xưa là mấy: họ chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân, họ làm ngơ trước bất công, trước cái ác, họ đã giết Đấng khơi nguồn sự sống nơi các mầm sống là các thai nhi vô tội, họ đầu độc người khác bằng thực phẩm bẩn chỉ vì chút lợi kinh tế….
Hầu như những điều ấy đã và đang là những cản trở khiến Thiên Chúa không ở lại được với họ. Rồi khi rơi vào bước đường cùng, họ tri hô, trách cứ Thiên Chúa vắng bóng, một Thiên Chúa xa vời không gần gũi với con người. Trong khi đó, “Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1Ga 2,2). Ngài luôn đồng hành với chúng ta, chịu khổ vì chúng ta và sẵn sàng trao ban bình an cho chúng ta bất cứ khi nào chúng ta mở lòng đón nhận. Đúng như lời Thánh Phêrô đã nói: “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em” (Cv 3,17-19).
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng con thấy may mắn vì Chúa đã chủ động đến gặp gỡ từng người chúng con, tại một thời điểm cụ thể, một nơi chốn riêng tư, một biến cố cuộc đời. Xin Chúa ở lại với chúng con, chia sẻ mọi chuyện vui buồn và nhất là: xin Ngài ban Bình an của Ngài cho chúng con, hầu chúng con trở nên những chứng nhân Tình Yêu của Chúa. Từ đó, lòng mỗi người chúng con bừng lên niềm vui Phục Sinh và nhận được sức sống cho chính mình và trao ban tin vui ấy cho người khác, để mỗi khi họ gặp gỡ chúng con, họ đều nhận được sự bình an của Chúa. Amen.
CHA THÁNH GIOAN MARIA VIANNEY, Những bài giảng bất hủ của Cha Thánh Gioan Maria Vianney Tập 2, Phaolo Vũ Đức Thành chuyển ngữ, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2010, tr.461.