CN Lễ Lá Năm B: Hoan hô – Đả đảo!

Thứ bảy - 23/03/2024 04:02  1031
Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mc 14,1-15, 47

picture1 12Chúng ta bước vào Tuần Thánh với Chúa Nhật Lễ Lá, cũng được gọi là Chúa Nhật Thương Khó (Dominica in Palmis de Passione Domini) là một cử hành phục vụ có một không hai trong năm Phụng Vụ, vì hai phần trong Thánh Lễ hoàn toàn trái ngược nhau: hoan hô – đả đảo, hân hoan – u sầu, nồng nhiệt – vô cảm…

Trong tấn kịch bi hài ấy, những gương mặt phản diện thi nhau xuất hiện: hung dữ - hiền hòa, độc ác – tốt lành, xảo trá – chính trực, phản trắc – trung thành… Qua tất cả những gương mặt ấy, chúng ta cảm nhận sự u tối của lòng dạ con người và nếm nghiệm nguồn sáng láng của tình yêu Thiên Chúa.

Lòng dân đổi thay

Lòng dân thay trắng đổi đen thật quá mau chóng dễ dàng. Mới khi vào thành, họ “hoan hô” chào mừng Chúa Giêsu với những lời lẽ và cử chỉ cao cả nhất: những lời tán tụng như “Hoan hô con Vua Đavít!”, “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa!”, được đi kèm với những cử chỉ thượng tôn như trải áo, trả lá ra đường, vẫy lá trên tay… Thế mà trước tòa án, họ “đả đảo” với những lời lẽ và hành động cũng hạ đẳng nhất, như xé áo, phỉ nhổ, hô “đóng đinh nó đi”, hành hạ và giết chết Ngài.

Sự đổi thay chóng vánh này thể hiện một lòng tin rất hời hợt, nông cạn, hùa theo đám đông và dễ bị kích động. Có lần Chúa Giêsu đã ví lòng tin này như kiểu “xây nhà trên cát”, một chút bão táp mưa sa là sụp đổ và sụp đổ tan tành! (x. Mt 7, 26-27). Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng khi Chúa Giêsu bị bắt, chính những môn đệ gần gũi nhất cũng bỏ trốn, dù trước đó có thề thốt và quyết đoán như đinh đóng cột. Sự mỏng giòn và yếu đuối của con người không miễn trừ ai cả.

Lòng người nham hiểm

Trong Tin Mừng Marcô, cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu được thuật lại như hệ quả của sự căng thẳng giữa những người cầm quyền Do Thái và Chúa Giêsu. Sự căng thẳng này đã khởi đi từ khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai và đạt tới đỉnh điểm khi Ngài đánh đuổi các con buôn và những kẻ đổi tiền ra khỏi Đền Thờ. Họ luôn tìm cách để giết Chúa Giêsu, nên tạo ra những chứng cớ để kết án tử Ngài. Trước Thượng Hội Đồng Do Thái, họ quy kết Ngài đã nói phạm thượng, một tội sẽ bị ném đá chết. Nhưng khi đến trước Philatô, họ lại đổi thành tội danh chính trị: ông ta tự xưng mình là vua! Đây cũng là tội rất dễ bị kết án tử vì sẽ được suy diễn thành tội nổi loạn, chống lại chế độ, chống lại nhà vua…

Có thể nói, đây là tiêu biểu của những bất công và oan sai của nhiều tòa án trên thế giới. Những tội danh và tội trạng luôn bị cắt nghĩa theo chiều hướng có lợi cho kẻ cầm quyền và bất lợi cho người yếu thế. Những quan tòa kiểu Bao Công chắc chỉ có trong giấc mơ. Chúa Giêsu đặt mình vào vị thế và hoàn cảnh ấy. Ngài đã chấp nhận bị kết án để gánh lấy án phạt cho chúng ta. Hành động cao cả ấy nhắc nhớ chúng ta về cách “xét xử” chúng ta thường đưa ra cho anh chị em mình. Ai đó từng nói: “Mỗi người thường là quan tòa nghiêm khắc kết án tha nhân, nhưng lại là luật sư nhiệt tình bào chữa cho mình!”.

Tình Chúa muôn đời cao cả

Trước sự đổi thay của lòng dân, sự nham hiểm của lòng người, tình yêu Chúa vẫn muôn đời bền vững và đại lượng. Đó là một tình yêu không mệt mỏi tha thứ, luôn đầy tràn và thương xót. Đó là một nguồn suối vô cùng vô tận, bất chấp sự bất xứng và vô ơn của chúng ta. Suy niệm về điều này, thánh Phaolô đã thốt lên: “Đây là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta: Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những kẻ tội lỗi” (Rm 5,8).

Tuần Thánh là dịp chúng ta chiêm ngắm tình yêu cao vời của Chúa noi Con Một của Ngài. Càng chiêm ngắm Ngài, chúng ta càng nhận ra sự bất toàn, bất xứng, nông cạn của chúng ta, và càng nhận ra Ngài yêu thương chúng ta sâu đậm, sắt son và lớn lao biết chừng nào. Tình yêu cao cả ấy sẽ biến đổi chúng ta, thúc đẩy chúng ta trở nên tốt lành hơn để xứng đáng với tình yêu mà Ngài dành tặng cho chúng ta.

***
Trong “tuồng thương khó” của Tuần Thánh, bên cạnh những khuôn mặt tráo trở và độc ác, chúng ta cũng thấy có nhiều những gương mặt trung tín và tốt lành: Đức Mẹ, thánh Gioan, thánh Maria Magdala, bà Salômê, bà Gioanna, bà Vêrônica, ông Simôn, ông Giuse Arimathê, ông Nicôđêmô… Mỗi người chúng ta được mời gọi “nhập cuộc” Tuần Thánh với lòng sốt mến và nhiệt thành như các nhân vật đạo đức thánh thiện nêu trên.

Thánh Grêgôriô Nazien khuyên nhủ chúng ta “hãy tham dự lễ Vượt Qua như Luật dạy, theo tinh thần Tin Mừng chứ đừng theo mặt chữ, tham dự trọn vẹn chứ không nửa vời, hướng đến vĩnh cửu chứ đừng nhắm những mục tiêu nhất thời. (…)

Nếu bạn là ông Simôn, người thành Kyrênê: hãy vác thập giá mà đi theo.

Nếu bạn là kẻ trộm bị đóng đinh vào thập giá một trật với Người, thì, như kẻ trộm lành ấy, bạn hãy nhìn nhận Người là Thiên Chúa. Nếu vì bạn, vì tội lỗi của bạn mà Người đã bị liệt vào hạng ác nhân, thì vì Người, bạn hãy trở nên công chính. Hãy thờ lạy Đấng đã chịu treo vì bạn. Nếu chính bạn bị treo lên, bạn hãy rút tỉa lấy một điều gì hữu ích ngay từ lối sống bất lương của bạn. Hãy lấy cái chết mà mua ơn cứu độ. Hãy cùng với Đức Giêsu vào thiên đàng, và bạn sẽ hiểu xưa kia bạn đã đánh mất những ơn lành nào. (…)
Nếu bạn là Giuse người Arimathe (…)
Nếu bạn là Nicôđêmô (…)
Nếu bạn là một trong số phụ nữ (…)
 (Bài đọc Kinh Sáng thứ Bảy, tuần V, Mùa Chay)

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập486
  • Máy chủ tìm kiếm88
  • Khách viếng thăm398
  • Hôm nay40,706
  • Tháng hiện tại901,067
  • Tổng lượt truy cập78,904,518
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây