Hạt giống chịu mục rữa và thối nát
Thứ sáu - 15/03/2024 22:26
1123
“Nếu hạt lúa rơi vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.
Không chỉ với người Công giáo Việt Nam, mà còn nhiều người trên Thế giới biết đến cái chết của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, một tu sĩ dòng Đaminh Việt Nam đã bị sát hại ngày 29/01/2022, khi đang thi hành mục vụ tại Kon-Tum. Sự ra đi đầy bất ngờ của cha ở tuổi đời trẻ khiến ai biết cha cũng phải xót xa và thương tiếc. Hung thủ gây án đã dùng dao chém thẳng vào đầu Cha, khiến Cha gục xuống khi đang cử hành Bí tích Hòa giải. Chiếc áo dòng đẫm máu lưu lại vết tích tử đạo của Cha. Người chết được hưởng mùa xuân vĩnh cửu trong vòng tay của Cha Chí Thánh. Người còn lại được chiêm ngắm một “Cái chết thật đẹp và ý nghĩa”!
Gọi là “cái chết đẹp” bởi vì cái chết ấy thấm nhuần sứ điệp Tin mừng của Chúa Giêsu: “Nếu hạt lúa rơi vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”; “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,24-25). Cái chết của Cha Giuse làm chúng ta liên tưởng đến cái chết của Đức Kitô trên đồi Calvariô, đó là lúc “Giờ Chúa Con được tôn vinh”.
Thánh Augustinô đã giải thích như sau: Chúa Giêsu tự ví mình là “hạt lúa mì” được gieo vào lòng đất chịu mục nát đi để sinh nhiều bông hạt. Người không bị tiêu diệt do sự chết. Trái lại, như hạt lúa chấp nhận mục nát rồi nảy mầm kết trái, Người trỗi dậy từ nấm mồ của sự chết để ban lại sự sống cho con người. Do đó, cái chết của Chúa Giêsu mang lại ơn cứu độ cho loài người. Người đã chết để chúng ta được sống; đã trở nên nô lệ để chúng ta được tự do; đã mặc lấy xác phàm để con người được trở nên con Thiên Chúa. Người đã dùng cây thập giá để cứu độ trần gian, xóa bỏ bản án nguyên tội để con người được hiệp thông lại với Thiên Chúa. Do đó, Thập giá vừa nói với chúng ta về tình yêu Thiên Chúa, vừa dạy cho chúng ta biết sống vì người khác để đem niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân.
Nếu hạt lúa vẫn nằm yên bất động sau khi được gieo xuống đất thì niềm trông đợi của bác nông phu sẽ trở nên vô vọng. Hạt giống ấy chỉ như được gieo trên sỏi đá hay vệ đường mà thôi. Cũng vậy, nếu thân xác Đức Giêsu vẫn nằm yên trong nấm mồ, thì sẽ chẳng còn gì để chúng ta phải tin và rao giảng. Tuy nhiên, chính trong hạt lúa mục nát mà ta thấy sự sống mới; chính nhờ ngôi mộ trống mà chúng ta thấy niềm hy vọng.
Hạt giống Giêsu đã mục nát để phục sinh và đâm bông kết trái. Hạt lúa ấy đã trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng ta. Hình ảnh này cũng chứa đựng giáo huấn của Chúa Giêsu về định mệnh con người. Thiên Chúa dựng nên con người để con người được sống và hưởng hạnh phúc, chứ không phải để chấm dứt với nấm mộ cô đơn lạnh lẽo nơi đồng hoang. Do đó, dưới nhãn quan của người Kitô hữu, sự chết là một cửa ngõ để họ bước vào đời sau.
Tuy vậy, hạnh phúc vĩnh cửu chỉ dành cho người công chính mà thôi, tức là những ai chu toàn luật mến Chúa yêu người. Tác giả thư Do Thái trong bài đọc I (Gr 31, 31-34) đã khẳng định: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người”. Vì yêu thương nhân loại Chúa đã mang vác những đau khổ vào thân thể, Ngài cũng chẳng nề cái chết để cứu độ chúng ta.
Đức Giêsu được tôn vinh không phải bằng sự giầu sang, danh vọng, quyền thế, hay vinh quang của thế gian; Ngài được tôn vinh chính khi thi hành ý muốn Chúa Cha và bị treo trên Thập giá; Ngài chiến thắng vẻ vang trong khổ nhục. Vì thế, Đấng đã hiến mình trở nên như hạt lúa, mục nát và thối rữa để đem lại sự sống đời đời cho chúng ta.
Chính vì dám chết cho tình yêu nên luật yêu thương của Chúa trở nên một thách đố. Nó thách đố con người ra khỏi sự ích kỷ của mình, ra khỏi những bận tâm, toan tính, vun vén cho mình, để sống cho tha nhân và cho Thiên Chúa. Quên mình, hiến thân, đón nhận cái chết như hạt lúa mục nát, đã từng làm cho Chúa Giêsu nao núng và thổn thức. Khi giáp mặt với tử thần không thể không có xao xuyến và thách thức: “Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này” (Ga 12,27). Thế nhưng, Chúa Giêsu đã biến cuộc tử nạn nên lời tôn vinh Thiên Chúa và lời yêu thương con người: “Chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này” (Ga.12,27).
Cũng như người nông dân muốn có mùa gặt bội thu, phải thức khuya dậy sớm, dầm mưa dãi nắng chăm chỉ cầy bừa. Người học sinh muốn đỗ đạt vinh quang, phải miệt mài kinh sử. Người tín hữu cũng phải sẵn sàng chết đi mỗi ngày: Chết đi mỗi ngày một chút tham lam ích kỷ, giả dối, hận thù, ghen ghét. Chết đi cho tính kiêu căng tự phụ, chết đi cho thái độ sống chết mặc bay để có thể được tham dự vào đời sống trong ơn nghĩa với Ðức Kitô. Mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết đi cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình. Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái với luật Chúa và luật Giáo hội. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những gì đưa ta đến sa ngã.
Sẵn sàng chịu chê cười, nhạo báng và chịu bách hại vì tin yêu Chúa. Sẵn sàng trả giá trong cách sống, cách nói năng và hành động để làm môn đệ Chúa, cũng là chết đi cho mình một phần. Sẵn sàng chịu mất mát: mất bạn bè, mất việc làm, mất địa vị xã hội, nếu những nết xấu kể ra trên đây làm cản trở cho bước đường làm môn đệ Ðức Kitô, hay làm sứt mẻ mối liên hệ với Thiên Chúa, cũng là chết đi cho mình một phần vậy. Chỉ khi nào người Kitô hữu tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, mới có thể chia sẻ cuộc phục sinh vinh hiển với Người (x.2 Tm 2,11).
Quả thật, nếu “Hạt lúa âm thầm mọc lên” (x. Mc 4,26-29) là hình ảnh của Tin mừng được thấm vào nền văn hoá, thì “Hạt lúa phải mục nát đi” (x. Ga 12,24) chính là con đường gian truân vất vả để làm nên một mùa gặt phong nhiêu.
Mùa Chay không chỉ là ăn chay hãm mình nhưng còn là mở ra với người khác. Xin Chúa cho chúng con đừng tự khép mình trong lớp vỏ bề ngoài để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình, nhưng dám đi lên tới Chúa và đi ra với người khác để góp cho đời một cây lúa nhỏ, góp cho đời một ý nghĩa để sống. Amen.
Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu