CHÚA NHẬT III MC B: Thanh tẩy toàn diện

Thứ bảy - 02/03/2024 04:11  908
Xh 20,1-17; 1 Cr 1,22-25; Ga 2,13-25

picture1 1Nói đến đền thờ là nói đến trọng tâm của thực hành đức tin, vì đền thờ là nơi lý tưởng để con người gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ nhau và thanh luyện chính mình. Rất tiếc, trong thực tế, có nhiều lúc nhà thờ bị tục hóa, nghĩa là bị sử dụng vào những mục đích duy trần tục và vì thế gây ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống đạo đức của dân Chúa.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã tóm tắt đời sống Kitô hữu với ba hoạt động chính: rao giảng, phụng tự và bác ái. Hình ảnh đền thờ có thể cũng gợi lên cho chúng ta ba phương diện này, vì đền thờ là “nhà cầu nguyện” (phụng tự), “nhà Cha” (bác ái), là nơi quy tụ dân nhờ Lời Chúa (rao giảng). Vì thế, chúng ta có thể xem việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ như một lời mời gọi thanh tẩy toàn diện đời sống người tín hữu.

Thanh tẩy nền phụng tự

Đền thờ Giêrusalem vào thời Chúa Giêsu được tái thiết quãng năm 18-20 TCN, thời Hêrôđê Cả làm vua nước Giuđa. Đền thờ được xây cất trong vòng 46 năm ròng rã. Người Do Thái rất coi trọng đền thờ (cùng với Giao Ước và Lề Luật). Tuy nhiên, trong thực tế, một số người trong họ lại không tôn trọng đền thờ mà trái lại còn “sử dụng” đền thờ như phương tiện để tìm kiếm tư lợi, địa vị hay quyền lực.

Chúa Giêsu đã làm một cuộc thanh tẩy đền thờ qua hành động xua đuổi con buôn ra xa đền thờ. Đó là biểu tượng của việc thanh tẩy tận căn nền phụng tự cũ kỹ thiên về hình thức bề ngoài mà thiếu nội dung bên trong. Thờ phượng đích thực là dành cho Thiên Chúa vị trí tối thượng như chúng ta được nghe công bố trong bài đọc I. Ba điều răn đầu tiên giúp thanh luyện lòng trí ta khỏi những ngẫu tượng để chỉ tôn thờ và yêu mến một mình Chúa mà thôi (x. Xh 20,1-11).

Thanh tẩy việc rao giảng

Một khi tôn thờ một ngẫu tượng nào đó, lời rao giảng sẽ bị “uốn’ theo vị “thần” mà họ tôn sùng. Thờ tiền sẽ lái bài giảng theo hướng trục lợi kinh tế. Thờ danh sẽ tìm kiếm hư danh qua những lời rồng bay phượng múa. Thờ tình sẽ khéo léo vặn vẹo sứ điệp cho vừa lòng người nghe... Đặc tính quan trọng nhất của ngôn sứ là phải trung thành với sứ điệp đã lãnh nhận và có trách nhiệm chuyển trao sứ điệp ấy một cách trong sáng.

Trung ngôn nghịch nhĩ, nên nhiều lúc ngôn sứ không dám truyền đạt trọn vẹn và rõ ràng sứ điệp được lãnh nhận. Đôi khi còn né tránh hoặc chỉ rao giảng một phần sứ điệp được trao truyền. Tệ hơn, có thể còn biến rao giảng thành “rao bán” hoặc “rao rác”. Trong bài đọc II, thánh Phaolô cho chúng ta thấy một sự trung thành tuyệt vời của các tông đồ với sứ điệp đã lãnh nhận khi kiên quyết rao giảng Chúa Kitô bị đóng đinh, “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”. Các ngài không chạy theo thế gian để tìm kiếm “dấu lạ” hay “sự khôn ngoan” (minh triết), nhưng đã can đảm và trung tín với việc rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh, cho dẫu đó là điều mà thế gian cho là “ô nhục” hay “điên rồ” (x. 1 Cr 1,22-25).

Thanh tẩy lòng bác ái

Lòng bác ái “không được giả hình giả bộ” nhưng phải được thể hiện qua hành động: “gớm ghét với điều dữ, tha thiết với điều lành” (Rm 12,9). Bảy điều răn còn lại cho chúng ta thấy một loạt những điều dữ nên tránh: giết người, ngoại tình, trộm cắp, chứng gian, tham muốn…; và những điều lành nên làm tóm gọn trong hai chữ “thảo kính” đối với cha mẹ và tha nhân. Trong bài Tin Mừng, cơn “giận thương” của Chúa Giêsu cũng bắt nguồn từ lòng nhiệt thành với Nhà Cha và cũng là vì phần rỗi của anh chị em mình. Đền thờ là nơi con người nhìn nhận Cha của mình và cũng là để nhận ra người khác là anh chị em con cùng một Cha. Buôn bán đổi chác có nguy cơ biến nhà Cha thành nhà buôn, biến anh chị em thành món hàng để khai thác, bóc lột…

Mùa Chay không chỉ là dịp chúng ta cải thiện mối tương quan của mình với Chúa, nhưng còn để canh tân mối tương quan với anh chị em. Mối tương quan ấy có thể đang bị mờ nhạt hoặc hoen ố vì tội lỗi và sự ích kỷ, thờ ơ, vô cảm… Cần thanh tẩy khỏi lòng ta những gì mang tính chợ búa, buôn bán, khai thác, chiếm đoạt, để vun đắp tình yêu quảng đại, vị tha, dấn thân. Tình yêu đẹp là tình yêu trong sáng và quảng đại, chấp nhận thiệt thòi và hi sinh vì bạn hữu. Chúa Giêsu chịu đóng đinh đã thể hiện tình yêu ấy ở mức độ cao đẹp nhất. Đó là điều chúng ta được mời gọi để rao giảng…

***
 Sang tuần III của Mùa Chay, Giáo hội mời gọi chúng ta đi vào chiều sâu của ý nghĩa sám hối. Chúng ta không chỉ được mời gọi thanh tẩy một vài khía cạnh, nhưng là canh tân toàn diện cuộc sống của chúng ta qua ba phương diện của đời sống Kitô hữu: phụng tự, rao giảng và bác ái.

Đền thờ cũng là hình ảnh của Giáo hội, của Dân Thiên Chúa. Hiểu như thế, việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ cũng mời gọi chúng ta liên tưởng đến nền phụng tự, công cuộc rao giảng và đời sống bác ái phục vụ của toàn thể Hội thánh, cách riêng là Hội thánh địa phương. Rất có thể đâu đó cũng còn những yếu tố cần được thanh tẩy…

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập133
  • Máy chủ tìm kiếm66
  • Khách viếng thăm67
  • Hôm nay37,686
  • Tháng hiện tại202,244
  • Tổng lượt truy cập79,434,082
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây