CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – NĂM B
2 Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 23,14-21
Đối với mỗi kitô hữu, Thánh Giá không chỉ là biểu tượng để nhận biết mình thuộc về Thiên Chúa, nhưng còn là sức mạnh, là niềm tin tưởng và hy vọng, nguồn an ủi và cậy trông. Hành trình của Mùa chay thánh đang tiến gần về lễ Vượt Qua, hôm nay, phụng vụ Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô, nơi phát sinh nguồn ơn cứu độ.
Thánh Giá Chúa – niềm hy vọng và cậy trông
Trong bài đọc thứ nhất, sách Sử Biên Niên cho chúng ta biết: Vì tội lỗi của dân mà nhà Thiên Chúa bị quân thù đốt cháy, tường thành Giêrusalem bị phá huỷ, các lâu đài và mọi đồ vật quý giá bị hỏa thiêu. Nay họ “được vua Ba-tư kêu gọi tái thiết đền thờ Giêrusalem, được mời gọi đón nhận lại Thiên Chúa đến ở giữa họ, đón nhận sức mạnh của tình yêu và tha thứ” (x. 2Sb 36, 14-16. 19-23). Vì thế, giữa đống hoang tàn đổ nát, một tia hy vọng bừng chiếu trong lòng vua Ky-rô, ông nhận ra ý định của Thiên Chúa, nhận ra nguồn hy vọng và sức mạnh của Thiên Chúa ở giữa dân. Đây cũng chính là niềm khao khát và mọng đợi của dân Chúa, vì đền thờ là nơi để nhận biết Thiên Chúa ngự trị, là nguồn hy vọng và sức mạnh của dân Chúa. Cũng vậy, trong bài Tin mừng hôm nay, qua Thánh sử Gioan, Thiên Chúa cũng mặc khải cho chúng ta thấy về sức mạnh và niềm hy vọng của dân Chúa vào thập giá Chúa Giêsu Kitô. Xưa trong Sa mac, vì bất trung với Thiên Chúa, dân chúng đã phải lãnh hậu quả, rơi vào tình trang chết chóc và bế tắc, họ đã kêu cầu ông Mô-sê và Thiên Chúa đã nhận lời, ban cho họ một niềm hy vọng để cứu vớt dân, bằng cách nhìn lên con rắn đồng trong Sa mạc. Hình ảnh con rắn đồng được giương cao trong Sa mạc, chính là hình ảnh tiên trưng về Thánh Giá Chúa trên đồi Can Vê, nơi đem lại niềm tin tưởng và hy vọng cho mỗi người Kitô hữu.
Thánh Giá Chúa - nơi phát sinh nguồn ơn cứu độ
Trong thư thứ nhất của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô đã nói: “Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,22-24). Quả thật, đối với những người không có đức tin, thì thập giá là hình phạt cho kẻ tử tội, là tột cùng của đau đớn nhục nhã, nhưng cũng là minh chứng tuyệt vời của một tình yêu: Tình yêu của Chúa Cha đã trao ban Con Một cho nhân loại, tình yêu của Chúa Con đã hiến mạng sống cho người mình yêu: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16-17). Quả thế, vượt lên trên những lầm lỗi thiếu sót, những phản bội và bất trung của nhân loại, Thiên Chúa vẫn “yêu họ đến cùng”. Bằng chứng là thánh Gioan cho biết: “Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,18).
Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô cũng cho biết: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời.” (Ep 2,4-6). Ngài còn cho biết thêm: “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa.” (Ep 2,8). Cũng vì yêu thương và muốn cứu độ nhân loại, nên khi xuống trần gian, Chúa Giêsu đã chọn các Tông đồ để thiết lập Giáo hội, thiết lập các Bí tích nhất là Bí tích Thánh Thể để ở lại với loài người luôn mãi.
Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết, chính nhờ lòng tin mà chúng ta được cứu độ. Qua đó, Lời Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, Ngài đã gánh mọi tội lỗi thế gian và mang lên cây thập giá để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Đồng thời, chúng ta được mời gọi bước đi trên con đường mà Ngài đã đi. Con đường ấy chính là con đường của sự hy sinh và từ bỏ, con đường của tự hủy, yêu thương và vâng phục. Có như vậy, chúng ta mới thực sự thuộc về Đức Giêsu là Ánh Sáng, để can đảm sống những giá trị Tin Mừng trong cuộc sống và khước từ những thứ thuộc về bóng đêm của tội lỗi là sự ích kỷ, kiêu ngạo, bất hòa và chia rẽ….
Lạy Thiên Chúa là nguồn tình yêu, xin cho mỗi người chúng con luôn biết nhìn lên Thánh Giá Chúa để học nơi Chúa bài học về yêu thương, khiêm nhường và tha thứ, nhờ đó chúng con luôn ý thức rằng, chỉ có Chúa mới là niềm hy vọng và nguồn ơn cứu độ duy nhất của mỗi người chúng con. Amen.