CHÚA NHẬT II mùa chay năm B
St 9,8-15; 1 Pr 3,18-22; Mc 1,12-15
Thẩm mỹ là một trong những nghề hái ra tiền trong thời đại này. Xem ra càng ngày người ta càng có nhu cầu làm đẹp. Ăn no mặc ấm không còn thỏa mãn lòng người, họ muốn ăn ngon mặc đẹp, ăn sang mặc mốt… Tiêu chuẩn về cái đẹp ngày càng đa dạng, đường đua tới cái đẹp ngày càng sôi động, công nghệ làm đẹp ngày càng đầy túi…
Thế nhưng, nếu như mối bận tâm và việc chi trả cho cái đẹp bề ngoài ngày càng lớn, càng nhiều, thì sự chú tâm và việc đầu tư cho cái đẹp bề trong xem ra ngày càng mỏng, càng ít. Người ta nói rằng, nếu như ngày xưa “cái nết đánh chết cái đẹp” thì bây giờ “cái đẹp đè bẹp cái nết”!
Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay tường thuật lại việc Chúa Giêsu biến hình trên núi như một sự vén mở vẻ đẹp thần linh của Ngài. Vẻ đẹp ấy rất thâm sâu và lôi cuốn, nâng con người lên một tầng cao chót vót và linh thiêng của cái đẹp hoàn mỹ. Vẻ đẹp thần linh ấy khích lệ và mời gọi chúng ta trong hành trình sa mạc Mùa Chay để vươn tới cái đẹp hoàn hảo mà Chúa muốn tô điểm cho tâm hồn chúng ta.
Lên núi cao
Marcô và Matthêu đều ghi nhận Chúa đem ba môn đệ “lên một ngọn núi cao” (Mt 17,1; Mc 9,2) trong khi Luca chỉ ghi rằng Ngài “lên núi cầu nguyện” (Lc 9,28). Ngọn núi cao ấy thường được truyền thống cho là Tabor (575 m), nhưng các học giả ngày nay nghĩ nhiều đến Hermon (2814 m). “Núi” được nhắc tới trong Kinh Thánh hơn 500 lần, để chỉ về nơi lý tưởng để gặp gỡ Thiên Chúa và thực hiện những công việc kỳ diệu của Thiên Chúa, vì là nơi cao, gần trời, trổi vượt trên những thứ khác; là nơi hùng vĩ, uy nghiêm, diễn tả sự cao cả, thanh cao và quyền uy của Thiên Chúa. Trên núi, Chúa tỏ mình, Chúa lập giao ước, Chúa ban lề luật, Chúa tuyển chọn, thanh luyện, thánh hiến…
Lên núi là một hành trình nhọc nhằn và buông bỏ. Người ta khó có thể leo núi với một hành trang cồng kềnh, sức khỏe mỏng manh hoặc ý chí yếu kém. Muốn “lên núi cao” trong đời sống thiêng liêng, cũng cần một sự nỗ lực, hy sinh, phấn đấu, kiên trì. Siêng năng cầu nguyện, chuyên chăm tham dự Thánh lễ và các bí tích, nố lực tuân giữ điều răn Chúa… chắc hẳn cũng đòi hỏi không ít sự cố gắng liên lỉ và kiên tâm bền chí. Tuy nhiên, cũng như phần thưởng của người leo núi là sự bùng nổ niềm vui chinh phục độ cao, cảm giác chiến thắng và thăng hoa, thì những ai kiên trì gặp gỡ tiếp xúc với Chúa trong cầu nguyện, thao luyện và cô tịch, sẽ nếm cảm sự bình an và niềm vui ngọt ngào của tâm hồn. Cuộc sống của họ sẽ tràn ngập vẻ đẹp của ánh sáng và niềm vui đến từ Thiên Chúa.
Biến đổi hình dạng
Marcô và Matthêu nói Người “biến đổi hình dạng” trước mặt các môn đệ (Mt 17,2; Mc 9,2), trong khi Luca nói “dung mạo Người đổi khác” (Lc 29,9), cả ba đều ghi nhận “y phục Người trở nên trắng tinh” (Lc 9,29). Chúng ta thấy ở đây vẻ đẹp của ánh sáng, của sự thánh thiện, vẻ đẹp thần linh. Vẻ đẹp ấy làm ngây ngất lòng người: cả ba Tin Mừng đều ghi nhận các môn đệ chất ngất niềm vui và muốn “dựng lều cắm trại” để ở đó mãi!
Thánh thiện là vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp bề trong. Bí tích Rửa tội và Giải tội giúp “tẩy trắng” tâm hồn hoen úa vì tội lỗi của chúng ta, giúp chúng ta nên tinh tuyền thánh thiện trước mặt Chúa và trang điểm chúng ta bằng ân sủng thánh thiện của Ngài. Càng tu thân tích đức, tâm hồn càng tươi đẹp. Càng sống đẹp lòng Chúa, tâm hồn càng giàu ân sủng Chúa, càng sáng láng diệu kỳ. Các nhân đức là những viên kim cương điểm xuyến cho tâm hồn. Sám hối và canh tân chính là làm đẹp tâm hồn, vì giúp ta tẩy trừ tội lỗi và mặc lấy con người mới, con người của ánh sáng.
Thẩm mỹ thiêng liêng
Nhìn trong lăng kính tích cực, Mùa Chay được gọi là “mùa xuân” của tâm hồn. Tâm hồn của chúng ta có thể đã già nua, khô cằn, khẳng khiu theo năm tháng. Tâm hồn ấy cần được tân trang và làm đẹp lại. Cầu nguyện, ăn chay, làm phúc… là những liệu pháp thẩm mỹ giúp ta làm đẹp tâm hồn. Càng cầu nguyện, chúng ta càng gần Chúa và giống Chúa. Càng ăn chay, chúng ta càng giảm bớt chứng béo phì của ham hố và làm chủ ham muốn của mình. Càng làm phúc, chúng ta càng lớn lên về lòng yêu thương bác ái, xóa tan những dấu vết của ích kỷ và tham lam.
Cuộc giải phẫu này đôi khi cũng rất vất vả và đau đớn, vì có thể có những thói quen xấu hoặc đam mê tội lỗi đã ăn rễ sâu rồi. Tuy nhiên, nếu chúng ta cộng tác với ơn Chúa, chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua mọi trở ngại và vươn lên phía trước. Hình ảnh tổ phụ Abraham sẵn sàng tế con để trọn niềm vâng phục thật đáng cho ta khâm phục, kính nể và noi gương. Chính khi chúng ta buông mình cho Chúa, lại là lúc Chúa nâng chúng ta vươn tới đỉnh cao của đức tin và lòng mến.
***
Thiên Chúa là ánh sáng, là vẻ đẹp tuyệt đối. Ngài dựng nên chúng ta giống Ngài, theo hình ảnh Ngài, nghĩa là phản chiếu một phần vẻ đẹp của Ngài. Ơn gọi của chúng ta cũng bắt đầu từ ánh sáng (một số giáo phụ gọi bí tích Rửa tội là ngày lễ ánh sáng). Chúng ta được mời gọi tỏa sáng vẻ đẹp của Thiên Chúa cho đến ngày chúng ta cầm đèn cháy sáng ra đón Chúa Kitô.
Thế giới hôm nay tràn ngập ánh sáng vật lý, nhưng xem ra lại thiếu hụt ánh sáng tâm linh. Mỗi Kitô hữu được mời gọi “thắp lên một ngọn nến hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối”! Mùa Chay là cơ hội thuận tiện để chúng ta thắp sáng ngọn nến đời mình qua hành trình “thẩm mỹ thiêng liêng”! Nói đến đây, chúng ta bỗng nhớ đến thị kiến của sách Khải Huyền: “Tôi nhìn thấy một đoàn người đông đảo không thể đếm được… mình mặc áo trắng tinh…” (x. Kh 7,2-4,9-14).