G 7,1-4.6-7; 1Cr 9,16-19.22-23; Mc 1,29-39
Đoạn Tin Mừng hôm nay có nội dung xem ra thật đơn giản, ghi lại những hoạt động của Chúa Giêsu trong một ngày công khai thi hành sứ vụ. Những hoạt động đó bao gồm việc chữa lành cho mẹ vợ của Phêrô, chữa lành nhiều kẻ đau yếu mắc đủ thứ bệnh, trừ quỉ và cấm quỉ không được nói cho dân biết Ngài là ai, tận dụng thời gian và nơi thanh vắng để cầu nguyện, rồi lại bắt đầu một ngày rảo quanh đây đó qua các làng mạc hay thành phố, để rao giảng, chữa lành và trừ quỉ. Nội dung xem ra rất đơn giản ấy của đoạn Tin Mừng lại có thể gợi lên cho chúng ta nhiều bài học thiết thực và rất sâu sắc.
Trước hết, Chúa Giêsu nói và hành động trong mọi nơi, mọi lúc, với ít hoặc nhiều độc giả, tại tư gia hay hội đường, nơi phố phường hoặc làng quê, miễn là đem lại lợi ích cho con người và làm cho vinh quang của Thiên Chúa được sáng tỏ và nhận biết. Thật vậy, sau khi rao giảng tại hội đường Caphanaum, đến nhà hai ông Simon và Anrê, chỉ có Giacôbê và Gioan đi theo, Chúa Giêsu đã chữa lành cho mẹ vợ của Phêrô. Vậy là việc chữa lành của Chúa Giêsu không phải vì danh giá và uy tín của bản thân, nhưng vì lợi ích của chính bệnh nhân, cho dù cách chữa bệnh của Ngài không giống thầy thuốc, Ngài chữa bệnh bằng lời quyền năng. Thật ra, Chúa Giêsu đã quá hiểu nỗi khổ đau của người bệnh vì Ngài cũng là người mà còn hơn nữa.
Như ông Gióp đã nói lên nỗi khổ của mình, cũng là nỗi khổ của toàn nhân loại. Cuộc sống con người tại dương thế là thời khổ dịch, lao lung vất vả giống như kẻ làm thuê, tựa nô lệ mong bóng mát, kẻ làm thuê đợi tiền công, gia tài là những tháng vô vọng, số phận là những đêm đau khổ ê chề. Cuộc đời thấm thoát hơn cả thoi đưa, rồi chấm dứt chẳng mấy tia hy vọng. Nếu không có Chúa là chỗ tựa nương và hy vọng thì cuộc đời có chi là bất hạnh. Nỗi cay đắng khổ đau càng nhiều khi con người phải đối diện với những hành hạ của bệnh tật. Vì thế mà Chúa Giêsu đã chẳng bao giờ khoanh tay đứng nhìn mỗi khi gặp cảnh khốn khó của con người. Ngài làm tất cả vì lợi ích con người bao lâu còn có thể làm được tại thế này.
Thứ đến, Chúa Giêsu luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm, lời rao giảng và hành động, lấy việc làm minh chứng cho lời rao giảng. Bằng chứng là ngay sau khi rời khỏi hội đường tức là kết thúc việc giảng dạy, Chúa Giêsu đã đến thẳng nhà Simon để chữa lành cho mẹ vợ của ông, dù chẳng có mấy người ở đó. Rồi khi chiều đến, lúc mặt trời lặn, người ta đem đến cho Ngài mọi kẻ ốm đau bệnh tật và quỉ ám. Tất cả bệnh nhân đều được Chúa Giêsu chữa khỏi và cả những kẻ bị quỉ ám cũng được lành mạnh. Như vậy, ta thấy Chúa Giêsu đã không giảng gì, nói gì, dậy gì mà không có việc làm đi kèm. Lời Ngài nói, bài Ngài giảng, điều Ngài dạy đều được cụ thể hóa bằng chính việc làm đầy từ tâm và tràn trề yêu thương đối với hết thảy mọi người. Ngài còn sẵn sàng phục vụ và chết thay để yêu thương nhân loại.
Tiếp nữa, Chúa Giêsu luôn lo lắng cho con người về cả hai mặt: thể xác và tinh thần. Về thể xác, Chúa Giêsu luôn sẵn sàng chữa lành khi gặp những người đau yếu bệnh tật. Khi gặp cảnh dân chúng đi theo mà không có gì ăn, Ngài làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, để họ được ăn uống thỏa thuê… Về tinh thần và tâm linh, Chúa Giêsu không ngừng giảng dạy để dân chúng được biết về Thiên Chúa, biết được tình thương và đường lối của Người. Người tội lỗi đến với Ngài đều được tha thứ và chữa lành. Người bị quỉ ám hay bị thần ô uế điều khiển, chi phối đều được giải thoát, trở về với một cuộc sống bình an và một tâm hồn lương thiện. Nhờ vậy mà không ai đến với Chúa Giêsu bằng lòng tin mà lại trở về không cho dù những nhu cầu ấy có thể nằm ngoài khả năng của con người. Như hôm nay Tin Mừng kể nhiều bệnh nhân và người bị quỉ ám được đưa đến với Chúa đều được chữa lành.
Cuối cùng, đời sống riêng tư của Chúa Giêsu rất đáng để chúng ta suy gẫm, làm mẫu mực soi chiếu, một đời sống kết hợp mật thiết với Chúa Cha, phối hợp hài hòa giữa hoạt động và chiêm niêm, giữa công việc và cầu nguyện, giữa đất thấp và trời cao. Với bổn phận phải ăn, phải nói, phải rao giảng, phải chữa lành… Chúa Giêsu đã không bao giờ bỏ bê, trái lại, Ngài đã hoàn thành xuất sắc. Gần như Ngài dành toàn tâm toàn lực và tất cả thời gian cho nhân loại. Tuy nhiên, không vì thế mà Ngài lơ là mối liên hệ với Chúa Cha. Chẳng có khi nào khởi đầu một ngày mới hay kết thúc một ngày mà Chúa Giêsu không có những giây phút thân tình với Chúa Cha. Chẳng có công việc gì, lời dạy nào, quyết định ra sao mà Chúa Giêsu không cầu nguyện bàn hỏi với Chúa Cha. Vì thế mà đối với Chúa Giêsu, thánh ý Chúa Cha là tất cả. Cây đang đương sức nhưng nếu cần có thể bị đốn đi vì kế hoạch cứu độ thì vẫn sẵn sàng vâng theo “Này con xin đến để thực thi ý Chúa”; “Lạy Cha nếu có thể được thì xin cho Con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý Con”.
Chúa Giêsu là mẫu mực cho các tín hữu trong mọi ứng xử và tương quan: tương quan giữa lời nói và việc làm, tương quan giữa thể xác và tâm linh, tương quan giữa con người và Thiên Chúa, tương quan giữa hoạt động và cầu nguyện chiêm niệm, giữa đất thấp và trời cao… Hỏi rằng cách cư xử và thiết lập các mối quan hệ của chúng ta ra sao. Nguyện xin Chúa cho mọi tín hữu luôn biết thống nhất lời nói và việc làm, kết hợp hài hòa giữa đời sống thể xác và tâm linh, liên kết chặt chẽ giữa ta với Thiên Chúa, không bao giờ tách rời đất thấp với trời cao, để chẳng khi nào trở thành duy vật hay duy tâm, nhưng là sống hết mình nơi trần gian này trong chiều hướng chuẩn bị tâm hồn cho Nước trời mai sau. Amen.