CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN B
Đnl 18,15-20; 1Cr 7,32-35; Mc 1,21-28
Nếu suy nghĩ là một sức mạnh tạo nên những hệ quả lớn lao, thì lời nói lại có ảnh hưởng lớn đến đời sống con người. Suy nghĩ thì thai nghén, còn lời nói thì sản sinh. Suy nghĩ, tư tưởng xấu có thể ngăn chặn kịp, nhưng lời nói xấu thì không thể thu hồi được. Từ ngàn xưa cho đến nay, dù lời nói có mỹ miều hay đẹp thế nào đi chăng nữa, thì lời ấy ấy vẫn không có sức mạnh và uy quyền cho mọi thời và mọi người được, và càng không thể mang lại sự sống cho con người. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ra biết Lời Chúa có sức mạnh, có uy quyền, có sức thánh hoá và giải thoát con người trước sức mạnh của sự dữ, nhất là Lời mang lại sự sống cho con người.
Lời có sức mạnh sáng tạo đầy uy quyền và trở nên một đối tượng
Những chương đầu của Sách Sáng Thế đã cho thấy: Lời sáng tạo đầy quyền năng của Thiên Chúa đã vang lên: “Thiên Chúa phán: ‘Phải có ánh sáng’. Liền có ánh sáng…” (St 1). Điều đặc biệt là Thiên Chúa chẳng bao giờ “nói suông”, Lời của Ngài luôn đi kèm với hành động cụ thể. Thiên Chúa nói là Thiên Chúa sẽ làm. Ngài vẫn luôn trung tín như thế, đã yêu, đang yêu và sẽ mãi yêu. Tất cả sự bao la của vũ trụ được tạo nên và được đặt trong vòng tay đầy yêu thương, quan phòng của Thiên Chúa.
Bài đọc thứ nhất cho thấy sự quan phòng, yêu thương của Chúa đới với con người qua sức mạnh của Lời. Ngài đã đặt Lời của Ngài trên miệng các ngôn sứ: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy” (Đnl 18,18). Như thế, Lời đã trở nên đối tượng để Thiên Chúa đặt để. Đặc biệt, trong Tin Mừng theo Thánh Gioan thì: “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và cắm lều giữa chúng ta” (Ga 1,14). Từ đó, Ngôi Lời trở nên hữu hình và ở giữa chúng ta. Ngài có uy quyền trên mọi sự và Lời Ngài có sức mạnh giải thoát, chữa lành và mang lại sự sống cho con người.
Lời có sức mạnh trên sự dữ và mang lại sự sống cho con người
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy lời giảng dạy của Đức Giêsu có sức mạnh và quyền năng đến nỗi: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, không như các kinh sư” (Mc 1,21). Tại sao vậy? Vì Ngài không trích dẫn, không dựa vào quyền uy của một chuyên viên nào cả. Ngài nói bằng chính Lời của một Thiên Chúa. Lời dạy đầy uy quyền của Đức Giêsu được chứng minh cách rõ ràng qua các phép lạ Ngài làm. Lời giảng dạy của Ngài làm cho ma quỷ phải kinh hãi đến độ phải la lên: “Ông Giêsu Nazaret, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?” (Mc 1,24). Điều này cho thấy, lời giảng dạy của Đức Giêsu có năng lượng tiêu diệt sự dữ, đồng thời có sức chữa lành và mang lại sự sống cho con người. Phép lạ mà Đức Giêsu chữa cho một người bị thần ô uế nhập qua lời ra lệnh rất uy quyền của Ngài: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này”! Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta” (Mc 1, 25-26). Như thế, Lòi của Chúa thì có sức mạnh chữa lành và mang lại sự sống cho con người. Còn lời của ma quỷ thì la ó, gian dối, sảo quyệt và dẫn con người tới sự chết đời đời.
Đón nhận Lời và thực thi Lời để có sự sống đời đời
Muốn đón nhận Lời và để có sự sống đời đời thì chúng ta phải chu toàn bổn phận của mỗi người tuỳ theo ơn gọi mà mình đã lãnh nhận. Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai đã đề nghị chúng ta phải chu toàn bổn phận và phải gắn bó cùng Chúa: “Tôi chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co” (1Cr 7,35). Điều này đòi mỗi người chúng ta phải chu toàn bổn phận, tìm cách làm đẹp lòng Chúa và thuộc trọn về Chúa. Vậy nếu chúng ta không đón nhận Lời và không nghe Lời Chúa dạy thì sẽ như thế nào?
Lời Chúa trong sách Đệ nhị luật nói rất rõ: “Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó. Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết.” (Đnl 18,19-20). Như thế, Lời của Chúa được đặt để, được lưu truyền qua Thánh Kinh, qua các ngôn sứ và đặt cả trong lòng mỗi người qua tiếng lương tâm. Những người không được phúc nghe Lời Chúa hay vì lí do nào đó mà chưa nhận biết Đức Giêsu thì họ phải nghe theo tiếng lương tâm mà sống thiện hảo thì mới có sự sống đời đời.
Nhìn vào thực trạng xã hội ngày nay, người ta nghe Lời Chúa thì ít mà nghe lời người đời thì nhiều. Càng nghe lời người đời, con người sẽ càng mất tự do và sẽ bị vòng xoáy người đời làm mất phương hướng, sống vội, vô cảm. Nếu nghe lời thần ô uế thì sẽ phải chuốc lấy sợ hãi, đau khổ, mất bình an và nhất là phải chết đời đời.
Tóm lại, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải nghe Lời Chúa dạy, đón nhận Lời Chúa, sống Lời Chúa, ở với Chúa và nói lời của Chúa. Từ đó, chúng ta mỗi ngày sẽ nên giống Chúa, đồng hình đồng dạng với Chúa và thuộc trọn về Chúa. Amen.