Hoán cải và tin vào Tin Mừng

Thứ bảy - 20/01/2024 02:58  1054
CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN B
Gn 3,1-5.10; 1Cr 7,29-31; Mc 1,14-20
 
https://2.bp.blogspot.com/-WshE7POcuE8/WkwesxCp-2I/AAAAAAAAGl4/d_iojmNcbDYNYeJVl0fzkLjpO8r85FahQCKgBGAs/s640/Basaiti_Call_of_the_Sons_of_Zebedee.jpg

Trước đây, Tin Mừng Marcô không được chú ý lắm, vì nội dung có vẻ khô khan ngắn ngủn và cách hành văn xem ra cũng thô sơ mộc mạc. Nhưng càng ngày người ta càng khám phá ra vẻ đẹp nguyên sơ, cô đọng và súc tích của Tin Mừng này. Hơn nữa, Tin Mừng Marcô còn được coi là một trong những nguồn tư liệu để viết lên các sách Tin Mừng khác.

Sau khi Chúa Giêsu chịu cám dỗ bốn mươi ngày trong sa mạc, Ngài bắt đầu sứ mạng công khai. Sứ điệp của Chúa Giêsu rất cô đọng và nền tảng: thời kỳ đã mãn, hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.

Thời kỳ đã mãn…

Để chuẩn bị cho sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa đã dành một thời gian chuẩn bị lâu dài. Ngài đã phán dạy qua các tổ phụ, các ngôn sứ, nhiều lần nhiều cách, và giờ đây, Ngài phán dạy chúng ta qua chính Người Con của Ngài: Chúa Giêsu Kitô (x. Hr 1,1; Gl 4,4; Ep 1,10). Sự xuất hiện của Chúa Giêsu làm cho tất cả những lời hứa được hoàn thành. Ngài là mạc khải chung cục và viên mãn.

Mỗi khi chúng ta thành toàn thánh ý Chúa Cha, chúng ta cũng sống trong thời viên mãn của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cần xác định rõ nét đâu là sự “viên mãn” đích thực của mình. Rất nhiều khi chúng ta bị cám dỗ đi tìm sự viên mãn qua việc lấp đầy sự trống rỗng của mình bằng vật chất, thành công hay lạc thú. Sự thành công và thỏa mãn nhiều khi còn mang dáng dấp đạo đức, như hoàn thành một tác phẩm, khánh thành một công trình, thành công một kế hoạch… Sự viên mãn đích thực đến từ Thiên Chúa và việc hoàn thành thánh ý Ngài.

Hãy sám hối

Sám hối là thái độ đầu tiên và căn bản của mọi hành trình nên thánh. Theo nghĩa Do Thái, “sám hối” không chỉ có nghĩa là hối hận (נחם nicham) mà còn là “quay trở lại” (שוב shuv) với Chúa. Điều này cho thấy một sự “đổi hướng” trong cuộc sống, vì khi phạm tội, chúng ta thường quy về mình hoặc chiều theo ma quỷ, thế gian, xác thịt, và do đó, “quay lưng” lại với Chúa. Trong ngôn ngữ Hy Lạp “sám hối” có nghĩa là “thay đổi não trạng” (μετάνοια metanoia), diễn tả một sự biến đổi dứt khoát, một sự đổi mới trọn vẹn so với trước.

Sám hối, vì thế, là đổi đời, là mặc lấy con người mới, con người của Tân Ước, của Tin Mừng, của Phúc Âm. Điều này đòi hỏi một sự biến đổi tận căn, một sự thay đổi hoàn toàn trong lối nghĩ, nếp sống và định hướng sống. Con người mới không còn sống theo đường lối thế gian, nhưng sống theo đường lối Tin Mừng: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,/ lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con./ Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài/ và bảo ban dạy dỗ, / vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con” (Thánh vịnh Đáp ca: Tv 24,4-5a.6 và 7c.8-9; Đ. c.4a). Thánh Phaolô diễn tả sự “đổi đời” ấy qua kiểu nói: “Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui ; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng” (Bài đọc II).

Tin vào Tin Mừng

“Tin” ở đây không chỉ là chấp nhận một giáo thuyết hay chân lý mà là gắn bó với một Đấng sống động, Đấng là Tin Mừng của Chúa Cha. Quả thực, “là Kitô hữu không phải là kết quả của một lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao cả, nhưng là cuộc gặp gỡ với một biến cố, một Con Người, Đấng đem lại cho cuộc đời ta một chân trời mới và một hướng đi dứt khoát”[1].

Vun trồng đức tin là làm cho mối tương quan giữa chúng ta với Chúa ngày càng sâu đậm và vững chắc. Điều này đòi hỏi một sự buông bỏ với quá khứ ơ hờ hoặc tội lỗi, để dứt khoát đi theo Chúa và gắn bó với Ngài. Bốn môn đệ đầu tiên đã làm điều đó: các bỏ lưới, bỏ thuyền, bỏ gia đình, bỏ mọi sự và đi theo Chúa, làm môn đệ Chúa, sống chết cho Chúa và hiến dâng trọn vẹn để làm tông đồ cho Chúa. Tin, vì thế, là dấn thân và hiến thân cho sứ mạng rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng.

 
https://4.bp.blogspot.com/-ZqlhIEo-OIE/Wkwf-oF4vUI/AAAAAAAAGmU/sRUyUM17AVUIMBxHstU06qIgkjcILC3BwCKgBGAs/s640/Duccio_di_Buoninsegna_christ-calling-peter-and-andew.jpg

Chúa Nhật Lời Chúa

Hôm nay là Chúa Nhật Lời Chúa, do sáng kiến của ĐTC Phanxicô từ năm 2019, chọn Chúa Nhật thứ ba trong tháng Giêng để cử hành ngày lễ ý nghĩa này[2]. Phụng vụ hôm nay cho thấy sức mạnh hoán cải của Lời Chúa. Bài đọc I thuật lại rằng ngôn sứ Giôna chỉ giảng có một câu, giảng cách miễn cưỡng, vậy mà cả thành Ninivê, từ con người đến súc vật, từ già đến trẻ, từ vua đến quan, đều hết lòng ăn năn sám hối. Trong bài Tin Mừng, ta thấy Chúa Giêsu chỉ “nói một lời” thì các môn đệ liền bỏ lại phía sau mọi sự mà đi theo Chúa.

Lời Chúa là lời hữu hiệu, sắc bén, là Lời hằng sống… Chúng ta được mời gọi luôn chú tâm lắng nghe Lời Chúa và nhiệt thành thực thi Lời Chúa để đời sống đạo mỗi ngày mỗi trưởng thành và sâu sắc hơn. Trong bài giảng cách đây ba năm, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Anh chị em thân mến, chúng ta đừng từ bỏ Lời Chúa. Đó là bức thư tình dành cho chúng ta, được viết từ Người biết chúng ta cách đặc biệt: khi đọc nó, chúng ta nghe lại tiếng Người, nhìn thấy khuôn mặt của Người, và đón nhận Thánh Thần của Người. Lời làm cho chúng ta gần với Thiên Chúa. Hãy mang theo Lời Chúa bên mình, trong túi, trên điện thoại. Hãy dành cho Lời Chúa một vị trí xứng đáng trong ngôi nhà của chúng ta, ở nơi chúng ta dễ nhớ để mở ra hằng ngày, có thể vào đầu ngày hoặc cuối ngày. Như thế, giữa muôn vàn lời nói vào tai chúng ta, cũng có những Lời Chúa đến được con tim chúng ta. Để làm được điều này, chúng ta cầu xin Chúa sức mạnh để tắt tivi và mở Kinh Thánh; để đóng điện thoại và mở Tin Mừng.”[3]

***
Như vậy, Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta hoán cải và tin vào Chúa Giêsu, Tin Mừng của Chúa Cha, để được đổi mới và thuộc về Nước Chúa. Trong hành trình hoán cải ấy, Lời Chúa rất quan trọng, vì Lời Chúa là ánh sáng và sức sống cho chúng ta.

Hành trình hoán cải rất gian nan, cần được thực hiện liên lỷ và nội tâm, nơi cá nhân và trong cộng đoàn, để uốn nắn chúng ta thành những kênh truyền thông tình thương và ân sủng Chúa cho mọi người. Xin Chúa giúp chúng ta hoán cải nội tâm và đổi mới đời sống: Thống hối nội tâm là định hướng mới cách triệt để cho cả cuộc đời, là trở về, là trở lại cùng Thiên Chúa với cả tâm hồn, đoạn tuyệt với tội lỗi, quay lưng với sự dữ, và ghê tởm những hành động xấu xa chúng ta đã phạm. Đồng thời thống hối nội tâm cũng bao gồm ước muốn và quyết tâm thay đổi đời sống, với niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa và lòng tin tưởng vào sự trợ giúp của ân sủng của Ngài.[4]
 

[1] Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus caritas est (Thiên Chúa là tình yêu), số 1.
[2] Phanxicô, Tông sắc Aperuit Illis (Ngài mở trí cho họ), 30/9/2019, nguồn WHĐ:  https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-sac-aperuit-illis-ngai-mo-tri-cho-ho-nham-thiet-lap-ngay-chua-nhat-loi-chua-41304
[3] Phanxicô, Bài giảng Chúa Nhật 24/01/2021.
[4] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1431, x. 1427-1433.

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập136
  • Máy chủ tìm kiếm53
  • Khách viếng thăm83
  • Hôm nay38,893
  • Tháng hiện tại288,192
  • Tổng lượt truy cập79,520,030
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây