Chúa Nhật Chúa Hiển Linh – Năm B
Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12
Không biết tự bao giờ, cùng với cây thông, ông già Noel, thì ngôi sao với cái đuôi dài dài đã trở thành biểu tượng cho Giáng sinh. Nơi đâu có hang Belem, chỗ đó có ngôi sao sáng; nơi không làm được hang đá, thì cũng cố trang trí một ngôi sao để treo trên nhà mình. Phụng vụ hôm nay bừng lên ánh sáng: ánh sáng từ vinh quang Thiên Chúa rọi chiếu vào Giê-ru-sa-lem, ánh sáng soi dẫn con người tìm tới nguồn cội của sự sống.
Lễ Chúa Hiển Linh vẫn hay được gọi là Lễ Ba Vua, lễ đánh dấu việc Chúa tỏ mình cho dân ngoại. Chính vì thế, có thể nói đây là lễ về ánh sáng tình yêu trải rộng trên muôn dân nước. Nhưng khi nghe Tin mừng mà thánh Mát-thêu thuật lại, chúng ta tự hỏi tại sao chỉ những nhà chiêm tinh nhìn thấy “ngôi sao lạ” trên bầu trời?
Người Do Thái đang mong ngóng từng phút giây Đấng Cứu Thế đến giải thoát họ. Họ có biết bao nhà thông luật và kinh sư am hiểu thiên văn, thông thuộc Kinh thánh..., nhưng “giới khôn ngoan” đó không tự mình nhìn ra được ánh sao lạ trên bầu trời. Họ không biết được “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?” Ngay cả khi họ đã “khoanh vùng được thành Belem nhỏ bé, nhưng tới bước quyết định, họ vẫn thiếu những yếu tố cần thiết, để nhận ra Đấng Cứu Thế đã đến với mình.
Trái ngược với hình ảnh của những người Do Thái, ba nhà chiêm tinh chẳng biết gì về Kinh thánh cả. Họ cũng chưa từng được nghe gì về Đấng Cứu Thế, nhưng vì sao lạ trên bầu trời mời gọi, thôi thúc họ lên đường, để đi tìm một chân giá trị cao quí. Họ không tiếc những sở hữu quí giá của cá nhân mà đưa đi để làm lễ vật. Họ vượt qua những khó khăn về địa lý, về thời gian, để mò mẫm tìm Đức Vua mới sinh. Nhờ ánh sao lạ, họ đã đến được đích điểm của cuộc hành trình.
Điều gì đã xảy ra với hai nhóm người chúng ta vừa đề cập? Chúng ta có thể thấy, những kinh sư dù thông thuộc Kinh thánh, nhưng không gặp được Đấng Cứu Thế vì họ không chịu lên đường. Sự tự hào quá mức về xuất phát điểm đã làm họ tự mãn và kết quả là thái độ cứng tin và từ khước những gì Chúa gửi đến trong cuộc sống hằng ngày. Họ giống như những cột mốc lộ giới bên đường, có thể chỉ cho người khác tới đích, nhưng mình mãi mãi giậm chân tại chỗ. Còn đối với những nhà chiêm tinh, dù phải bước vào đất khách quê người, nhưng họ can đảm dấn bước. Họ để cho Thiên Chúa dẫn bước mà không kháng cự. Từ dấu chỉ của đời sống, họ tin và hăng hái bước vào hành trình đức tin ấy. Từ góc độ này, chúng ta thấy, họ giống như Abraham trong hành trình bước đi theo tiếng Chúa mời gọi. Chính vì thế, họ được Thiên Chúa làm cho thỏa lòng.
Nhìn vào lối tiếp nhận của những nhà chiêm tinh và các kinh sư trong Tin mừng hôm nay, chúng ta cũng nhận ra chính mình trong hành trình đức tin.
Thiên Chúa luôn gửi đến cho chúng ta những sứ điệp thông qua các vấn đề trong cuộc sống, nhưng dù mang danh Ki-tô hữu, không phải lúc nào chúng ta cũng thấy “ngôi sao dẫn đường”. Sự thỏa mãn với những gì đang có luôn là nguyên do giết chết đức tin của chúng ta. Nếu biết sống trong sự khiêm cung, biết mở lòng mình ra cho Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhìn thấy ánh sao mà Thiên Chúa vẫn hằng soi dẫn cuộc đời mỗi người. Chỉ khi chúng ta đứng thẳng và ngẩng đầu lên, chúng ta mới nhìn thấy “ngôi sao lạ” dẫn đường chỉ lối cho chúng ta. Nhưng nếu cúi đầu xuống với các toan tính vụ lợi, chúng ta chẳng biết vì sao sáng đang trên đầu mình ở phương hướng nào.
Mừng lễ Chúa Hiển Linh, mỗi Ki-tô hữu được mời gọi trở thành những ngôi sao soi đường cho các anh em đang đi tìm kiếm Thiên Chúa. Được mời gọi tỏa ra ánh sáng cho người khác bằng đời sống chứng tá, chúng ta hãy là những Ki-tô hữu hiền lành và khiêm nhường như hình mẫu Chúa Giê-su, Chúa chúng ta. Amen.