Chúa Nhật 3 Thường Niên B
(Gn 3,1-5.10; 1Cr 7,29-31; Mc 1,14-20)
“Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” là tâm điểm lời rao giảng của Chúa Giê-su. Hôm nay, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta: hãy có một tâm hồn khiêm nhường, một lòng tin tưởng vào tình thương của Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ được đón nhận bình an của Người.
1. Tâm hồn khiêm nhường
Sám hối là nỗ lực của con người cộng tác với ơn Chúa, vì thế để có thể đón nhận ơn sám hối trước hết chúng ta cần có một tâm hồn khiêm nhường. Khiêm nhường giúp ta nhìn nhận thân phận yếu đuối, đầy giới hạn và tội lỗi của mình (x. 1Ga 1,8). Từ đó, chúng ta biết khiêm tốn hơn để cậy dựa vào Chúa.
Trái với khiêm nhường, người kiêu ngạo không có khả năng nhận ra lỗi lầm của mình. Đức Thánh Cha Phanxico nhắc nhở chúng ta: “Thái độ nguy hiểm nhất trong đời sống Ki-tô giáo là sự kiêu ngạo. Đó là thái độ của những người đứng trước Thiên Chúa và nghĩ rằng mọi điều mình làm luôn đúng, người kiêu ngạo cho rằng họ không có sai lỗi nào”. Nguy hiểm hơn, ngay cả khi làm sai, thì người kiêu ngạo cũng cố gắng lấp liếm và bào chữa cho khuyết điểm và hành động của mình. Họ đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh… Chúng ta thấy được tình trạng này trong những trang đầu của sách Sáng thế. Tổ tông loài người sau khi ăn trái cấm, mà không dám nhận lấy tình trạng tội của mình. Họ đổ quanh cho người khác: A-đam đổ lỗi cho E-và; E-và đổ lỗi cho con rắn (x. St 3,11-13).
Vì thế, để có thể đón nhận ơn sám hối, mỗi người chúng ta cần có tâm hồn khiêm nhường để nhìn nhận con người thật với đầy bất xứng của mình.
2. Lòng tin
Tâm tình sám hối dẫn chúng ta đến một xác tín vào lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Hôm nay, Chúa Giê-su khai mạc sứ vụ rao giảng Tin Mừng với một mệnh lệnh: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Người mời gọi chúng ta hãy sám hối, cùng với hành động tin vào Tin Mừng. Mà Tin Mừng ở đây là chính Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ của chúng ta. Điều này có nghĩa là sám hối đi liền với lòng tin vào Thiên Chúa. Nói khác đi, chúng ta chẳng có thể sám hối thực sự, nếu chúng ta không tin vào lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa.
Quả vậy, đây cũng là niềm xác tín của tác giả thánh vịnh đáp ca hôm nay. Với lòng tin tưởng, ngài kêu xin Thiên Chúa chỉ dạy cho biết con đường công chính. Chưa hết, như một người bạn, tác giả nhắc Thiên Chúa nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu, và xin lấy tình thương mà nhớ đến, vì Thiên Chúa là Đấng cứu độ. Chúng ta cũng thấy được hành động sám hối và lòng tin nơi người con thứ trong Tin Mừng Luca. Sau những tháng ngày ăn chơi hoang đàng, người con thứ phải đối diện với đau khổ, anh đã nhớ lại tình thương của người cha, và sám hối trở về với cha. Hay người trộm lành trên thập giá đã sám hối và tin tưởng vào quyền năng cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Ki-tô. Người trộm lành kêu xin: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42), và rồi anh đã được cứu độ.
3. Đón nhận ơn bình an của Chúa
Sau cùng, một tâm hồn khiêm nhường sám hối và lòng tin vào tình thương của Chúa sẽ giúp chúng ta đón nhận được ơn bình an của Chúa. Đó là một sự bình an đích thực, bình an nơi sâu thẳm tâm hồn.
Quả vậy, vì tội lỗi, tâm hồn chúng ta không bình an. Tác giả Thánh vịnh cho chúng ta một kinh nghiệm về sự dằn vặt cắn rứt của lương tâm sau khi phạm tội: “Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm” (Tv 50,5).
Tuy nhiên, khi thực lòng sám hối, chúng ta sẽ được Thiên Chúa thương xót tha thứ mọi tội lỗi. Thánh Gioan nói: “Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1Ga 1,9). Đây cũng là kinh nghiệm của dân thành Ni-ni-vê được ngôn sứ Giô-na nói đến trong bài đọc 1. Trước lời cảnh tỉnh của vị ngôn sứ, dân thành Ni-ni-vê đã sám hối, họ tin vào Thiên Chúa, bỏ đường gian ác mà trở lại: “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, và đã không giáng xuống nữa” (Gn 3,10).
Cách riêng với cộng đoàn chúng ta, chắc hẳn ai trong cộng đoàn chúng ta đã từng có kinh nghiệm về sự bình an và niềm vui trong sâu thẳm tâm hồn. Đó là khi chúng ta sám hối vì một lỗi lầm nào đó của mình. Hay đơn giản, đó là niềm vui sau khi chúng ta nói lời xin lỗi, làm hòa với một ai đó. Đặc biệt hơn, đó là niềm vui và sự bình an sau khi chúng ta đến với bí tích Hòa giải. Chúng ta thấy tâm hồn mình, lòng mình như nhẹ hơn, thanh thản, tự do và bình an hơn.
Ước gì Lời Chúa hôm nay thôi thúc chúng ta nhìn lại bản thân, suy nghĩ lại; quyết tâm đến với tòa giải tội để sửa đổi bản thân, sửa lại những tương quan của chúng ta với Chúa và với tha nhân; nhờ đó chúng ta được đón nhận ơn bình an đích thực của Chúa. Amen.