CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN B
Lời Chúa: Đnl 18,15-20; 1Cr 7,32-35; Mc 1,21-28
Lời Chúa trong Chúa Nhật IV Thường Niên Năm B phác họa cho chúng ta chân dung vị ngôn sứ. Bài đọc I thuật lại lời hứa về một ngôn sứ xuất hiện “giống như Môsê”. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho thấy Ngài đóng vai trò “vị ngôn sứ ấy” khi Ngài giảng dạy và chữa lành với thẩm quyền Thiên Chúa.
Chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngắm chân dung ngôn sứ nơi Chúa Giêsu, học hỏi nơi Ngài về cung cách thi hành chức năng ngôn sứ, để công cuộc rao giảng Tin Mừng hôm nay được khởi sắc và kết quả nhiều hơn.
Tại hội đường ở Capharnaum
Chúa Giêsu đã chọn một địa điểm quan trọng và thuận lợi để rao giảng, vì Capharnaum là thành rộng lớn và quan trọng vào bậc nhất miền Galilê thời bấy giờ. Thành này như là ngôi nhà thứ hai của Chúa Giêsu, vì Ngài thường xuyên trú ngụ tại đây. Capharnaum cũng là nơi Chúa Giêsu đã chọn Phêrô, Anrê và Mátthêu, cũng như đã làm nhiều phép lạ tại đó … Hơn nữa, Chúa Giêsu còn chọn “hội đường”, nơi trang trọng và quan trọng của người Do Thái, để rao giảng. Vào thời Chúa Giêsu, có nhiều hội đường ở miền Galilê. Hội đường là nơi hội họp, lắng nghe luật Chúa, thường được đặt ở nơi cao ráo bằng phẳng, như là biểu tượng sự hiện diện cao cả và phổ quát của Thiên Chúa. Nhiều hội đường lớn còn có ba cửa ở tiền đình, có hồ nước để mọi người thanh tẩy trước khi bước vào hội đường. Bên trong hội đường, những người công bố và giảng giải Lời Chúa có vị trí cao trọng như “đứng trên tòa Môsê” và dùng các “cuốn thư” ghi chép Luật mà đọc và giải thích cho dân.
Cung cách Chúa Giêsu chọn địa điểm, thời điểm, đặc điểm văn hóa tôn giáo tốt nhất để công bố và rao giảng Tin Mừng, gợi cho chúng ta suy nghĩ về việc chọn lựa của chúng ta hôm nay cho việc rao giảng Tin Mừng. Lời Chúa, Kinh Thánh, công cuộc rao giảng Tin Mừng có đang chiếm vị trí ưu tiên trong chương trình mục vụ của chúng ta không? Chúng ta có cầu nguyện, cân nhắc, phân định để cùng nhau tìm ra môi trường thuận lợi nhất cho việc rao giảng Tin Mừng không? Sự biến chuyển nhanh chóng về văn hóa xã hội đòi buộc chúng ta phải không ngừng suy tư để tìm ra những sáng kiến mục vụ truyền giáo kịp thời và đáp ứng nhất…
Rao giảng như Đấng có uy quyền
Cách thức rao giảng của Chúa Giêsu khác với các vị khác trong quá khứ, vì Ngài rao giảng với thẩm quyền Thiên Chúa. Các kinh sư giảng dạy dựa trên thế giá của Luật hoặc của các kinh sư khác, Chúa Giêsu dựa trên phẩm giá của chính Ngài là Con Thiên Chúa. Điều này không chỉ là một khẳng định suông, nhưng đã được minh chứng bằng hành động, đó là hàng loạt các phép lạ Ngài đã thực hiện. Trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy một thí dụ điển hình: Chúa Giêsu đã chứng tỏ quyền năng Thiên Chúa nơi mình khi trục xuất thần ô uế ra khỏi một người bị quỷ ám.
Lời rao giảng sẽ có “uy lực” hơn rất nhiều khi đi kèm với chứng từ cuộc sống. Uy quyền hay sức mạnh của lời giảng không chỉ đến từ âm thanh, chất giọng, nội dung bài giảng, mà còn là và nhất là đến từ chính chứng từ cuộc sống của người đó. Mẹ Têrêsa Caltutta có thể đã nói rất nhỏ nhẹ, nhưng bài giảng về lòng bác ái Kitô giáo của Mẹ thì hùng biện hơn bất cứ nhà giảng thuyết nào của thời đại chúng ta, vì Mẹ nói từ trái tim và đôi tay đong đầy tình yêu và ân sủng của Chúa Kitô, Mẹ giảng với chứng từ bác ái phi thường, Mẹ nói với “uy quyền” của Thần Khí Chúa.
Hãy im đi và xuất khỏi người này…
Bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta thấy có quỷ hiện diện và quỷ luôn tìm cách cản trở việc rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu đã nêu gương về cách thức để đối diện với ma quỷ: bắt nó im tiếng và trục xuất nó! Quỷ luôn tìm cách lung lạc con người bằng những luận điệu dối trá để đánh lừa con người vào vũng lầy tội lỗi. Cách tốt nhất là chúng ta dứt khoát với quỷ ngay từ đầu, vì nếu lân la với quỷ, trước sau chúng ta cũng bị quỷ đánh lừa, bởi chúng tinh ma quỷ quyệt hơn chúng ta. Hãy vâng nghe tiếng Chúa, hãy để Lời Chúa lấp đầy và không ngừng âm vang thì âm thanh của quỷ sẽ bị tiêu diệt. Chúa Giêsu cho thấy quyền năng trổi vượt của Ngài trên ma quỷ. Nếu chúng ta có sức mạnh của Chúa, chúng ta không có gì phải sợ ma quỷ.
Ngày nay người ta thường ru ngủ chúng ta bằng những luận điệu sai lạc về quỷ, chẳng hạn cho rằng chúng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, là chiêu bài dọa nạt, hoặc đưa ra những hình ảnh, những câu truyện về quỷ “dễ thương”, quỷ “tốt bụng”. Đó chỉ là quỷ đội lốt thiên thần. Quỷ tự bản chất xấu xa và dối trá, là “ô uế”, cần phải loại trừ và tránh xa khỏi cuộc sống con người. Quỷ không bao giờ có thể lột xác thành thiên thần, nhưng quỷ rất tinh ranh, nên có thể mang dáng dấp thiên thần, vì thế, chúng ta cần đề cao cảnh giác và cậy dựa vào sức mạnh của Chúa.
***
Như vậy, Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu Ngôn Sứ, Đấng hoàn thành lời Chúa hứa xưa qua ngôn sứ Môsê, Đấng rao giảng và chữa lành với thẩm quyền của Thiên Chúa. Ngài nêu gương cho chúng ta về thái độ, cách thức và nhiệt huyết trong công cuộc rao giảng Tin Mừng.
Mỗi Kitô hữu chúng ta, qua Bí Tích Rửa Tội, cũng tham dự vào chức năng ngôn sứ của Chúa Kitô, nên cũng được mời gọi thi hành chức năng ấy một cách nhiệt thành và năng động. Noi gương Chúa Kitô, chúng ta hãy dành chọn lựa ưu tiên và tối ưu nhất cho Tin Mừng, hãy “dạy điều mình tin, thi hành điều mình dạy”, để trung thành với Chúa và nhiệt thành thực hiện chương trình cứu độ của Ngài.