Chúa Nhật IV Mùa Thường Niên Năm B
Đnl 18,15-20; 1Cr 7,32-35; Mc 1,21-28
Bài Tin Mừng hôm nay là phần tiếp của bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước. Sau khi ông Gioan Tẩy Giả bị nộp, Đức Giêsu bắt đầu công khai rao giảng ở vùng Galilê và chọn gọi các môn đệ đầu tiên. Hôm nay, Đức Giêsu và các môn đệ đầu tiên ấy tiến vào thành Caphácnaum. Người vào hội đường và giảng dạy cho dân chúng. Ai nghe Người giảng đều kinh ngạc và sửng sốt, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư mà họ vẫn nghe. Và cũng trong hội đường ngày hôm ấy, Đức Giêsu đã trừ cho một người khỏ quỷ ám.
Việc rao giảng, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ của Đức Giêsu đã minh chứng Người là Đấng Mêsia, Đấng mà sách Thánh đã ghi chép, các ngôn sứ đã tiên báo, và là Đấng muôn dân đang mong đợi. Điều này đã ứng nghiệm với bài đọc 1 trích sách Đệ Nhị Luật, Đức Chúa đã phán với dân của Người rằng: Giữa các ngươi, ta sẽ cho xuất hiện một vị ngôn sứ để cứu giúp các người. Vị ngôn sứ đó không ai khác, mà là chính Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Chúng ta biết rằng, sứ vụ chính yếu của Đức Giêsu khi đến trần gian là rao giảng Nước Thiên Chúa và kêu gọi người ta ăn năn sám hối để được ơn tha tội. Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ đó tại miền Galilê, mà cụ thể là nơi hội đường ở Caphácnaum. Vậy giữa hội đường và đền thờ có khác gì nhau không? Thưa khác nhau rất nhiều. Hội đường là nơi để dạy đạo. Một buổi học trong hội đường gồm ba việc: Cầu nguyện, đọc Lời Chúa và giảng giải Lời Chúa. Không có cử nhạc, không ca hát, cũng không có dâng của lễ. Luật quy định rằng bất cứ nơi nào có 10 gia đình Do Thái trở nên thì phải có một hội đường. Đến ngày Sabát, thì mọi người tập trung tại hội đường để cầu nguyện, để nghe đọc và nghe giảng giải Lời Chúa, do đó, bất kỳ nơi nào có một nhóm người Do Thái định cư thì có hội đường. Vậy nên, trong khắp đất nước Do Thái có rất nhiều hội đường lớn nhỏ khác nhau. Còn Đền thờ là nơi dành riêng để thờ phượng và dâng của lễ lên Đức Chúa. Vậy nên, chỉ có một Đền thờ duy nhất, đó là Đền thờ tại Giêrusalem. Và hằng năm, vào dịp lễ Vượt Qua, những người Do Thái trưởng thành đều phải về Đền thờ Giêrusalem để hành hương và dâng lễ tế kính Đức Chúa.
Như vậy, đối với người Do Thái, hằng tuần, vào ngày Sabát thì họ tập trung ở hội đường để cầu nguyện, đọc Lời Chúa và giảng giải Lời Chúa; còn hằng năm, vào dịp lễ Vượt Qua, họ sẽ đi về Giêrusalem để thờ phượng và dâng của lễ lên Đức Chúa. Tin Mừng theo thánh Luca cho biết, chính Mẹ Maria, thánh cả Giuse và Chúa Giêsu cũng luôn chu toàn việc đạo đức này: “Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội Đền Giêrusalem mừng lễ vượt qua” (Lc 2,41).
Hôm nay, Đức Giêsu vào hội đường ở Caphácnaum. Đây có thể đã là nơi rất quen thuộc với Ngài. Vì 30 năm sống ẩn dật ở Nazarét, có thể Đức Giêsu đã đi đến hết các hội đường ở vùng Galilê, trong đó có cả hội đường ở Caphácnaum để cầu nguyện, để nghe đọc và nghe giảng giải Lời Chúa. Nhưng hôm nay Ngài vào hội đường với một vị thế hoàn toàn khác. Vị thế của một bậc Thầy đến để giảng dạy Lời Chúa. Phương pháp lẫn khẩu khí giảng dạy của Đức Giêsu như một mặc khải mới mẻ. Ngài giảng dạy không như các kinh sư là các chuyên viên về luật.
Vậy lời dạy dỗ của Đức Giêsu khác với các kinh sư chỗ nào? Thưa, lời giảng dạy của Đức Giêsu có uy quyền, khiến cho người nghe được ơn hoán cải và biến đổi, còn ma quỷ phải kiếp sợ mà rút lui. Trong khi các kinh sư giảng dạy, thì không dám tự mình xác quyết điều gì cả. Họ chỉ giảng dựa trên chữa viết, hoặc căn cứu vào lời của Rápbi có uy tín trong quá khứ mà thôi. Họ không được tự ý, hay đúng hơn không đủ thẩm quyền để đưa ra phán đoán cá nhân độc lập. Còn Đức Giêsu thì Ngài không trích dẫn, không dựa vào uy quyền của ai khác. Ngài nói bằng giọng dứt khoát và đầy quyền năng của chính Thiên Chúa, bởi Ngài là Thiên Chúa.
Vào hội đường nhân ngày Sabát, ngoài việc để cầu nguyện, để đọc Lời Chúa và giảng giải Lời Chúa cho dân chúng, Chúa Giêsu cũng nêu gương cho chúng ta về việc thực hành đạo. Mỗi tuần có biết bao công việc bồn bề vất vả, và hơn nữa là một năm qua với biết bao lo toan, bao dự định, bao tính toán làm ăn, đã khiến chúng ta mệt nhọc, kiệt sức và muốn được nghỉ ngơi. Chúa biết rõ những khó nhọc vất vả của chúng ta. Do đó, Chúa đã dành cho chúng ta ngày Chúa Nhật để nghỉ ngơi, để chúng ta được đến gần Chúa mà thân thưa với Chúa những chuyện vui buồn, và để Chúa nâng đỡ bổ sức cho chúng ta.
Vậy nên chúng ta hãy biết quý trọng giá trị của ngày Chúa Nhật. Chúng ta hãy theo chân Chúa để đến với hội đường, đến với nhà thờ, hãy vào trong nhà thờ để cùng với cộng đoàn ca tụng, tôn vinh Chúa, để được gần Chúa hơn trong các của hành phụng vụ thánh, nhất là Thánh lễ. Chúng ta đừng nghĩ việc đi lễ ngày Chúa Nhật là một gánh nặng, một điều phiền phức, một việc làm qua lần chiếu lệ. Chúng ta đừng nghĩ đi lễ cho xong bổn phận, chứ không đi thì người này người kia lại nhắc nhở đau hết đầu. Cách riêng là các bạn trẻ ạ, chúng ta đừng bao giờ nghĩ nhứ thế nhé!