Lễ Chúa Hiển Linh
Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12
Theo chiết tự, “hiển linh” (epiphania) là tỏ lộ bản tính thần linh. Lễ Hiển Linh diễn tả ý nghĩa về việc Chúa Giêsu tỏ lộ bản tính thần linh của Ngài ra cho dân ngoại. Câu chuyện Chúa tỏ mình ra cho ba vua cùng với việc Chúa tỏ mình khi chịu phép rửa tại sông Giođan và tại tiệc cưới Cana, làm thành bộ chùm ba hiển linh rất ý nghĩa.
Các vị vua được gọi là “μάγος, magos”, số nhiều là “μάγοι, magoi”, nghĩa là những vị “hiền triết, khôn ngoan”, cũng dịch là các “đạo sĩ” vì họ lo việc tế tự, các “nhà chiêm tinh” vì họ rành rẽ về tinh tú bầu trời và biết đọc ra vận mệnh con người, thời cuộc, để tìm ra chân lý…
Có mấy nhà đạo sĩ…
Họ là những con người đi tìm chân lý, tìm lẽ sống… họ muốn được gặp vị “Vua mới sinh”. Với tất cả kiến thức khoa học của mình, họ đã “thấy ngôi sao của Người ở phương Đông”. Chúng ta quen gọi họ là vua, còn đặt tên cho họ (Gaspar, Melchior và Baltazar), nhưng thực ra Tin Mừng không nói rõ con số và chỉ gọi họ là “magoi”, nhưng người tinh thông về thiên văn địa lý, thường là những cánh tay phải đắc lực của vua, nên cũng được coi có quyền phép như vua…
Các vị này là biểu tượng của việc say mê chân lý, như câu định nghĩa nổi tiếng: “con người là kẻ đi tìm chân lý”. Để tìm chân lý, họ đã dầy công nghiên cứu, lặn lội đường xa dặm thẳm, chấp nhân bất trắc dọc đường, liều lĩnh đối chất quyền bính dân sự… Với khát khao tìm kiếm chân lý, họ đã vượt qua tất cả để được gặp Hài Nhi Cứu Thế. Họ đại diện cho những nhà khoa học chân chính, biết dùng kiến thức để phụng sự chân lý, tìm kiếm lẽ thật. Khoa học chân chính không đối nghịch với đức tin, nhưng luôn cùng với đức tin làm sáng tỏ chân lý: “đức tin và lý trí là đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý”. Chúng ta nhớ đến câu nói nổi tiếng của Alessandro Volta (1745–1827), người khám phá ra các ý niệm cơ bản về điện: “Khoa học chỉ làm cho tôi thấy Chúa hiện diện khắp nơi!”.
Đến từ Đông phương…
“Đông phương” theo Kinh Thánh là từ đâu? Nguyên nghĩa là đến từ “phía mặt trời mọc” (ἀπὸ ἀνατολῶν, apo anatolon) có thể là Đế chế Parthia, trung tâm là Ba Tư (Iran ngày nay), trải dài từ Syria đến bờ rìa Ấn Độ, nơi dung nạp các tôn giáo khác nhau, nhưng Bái Hỏa Giáo đóng vai trò nổi trội với các tư tế tinh thông về chiêm tinh học.
Họ là những người ngoại đầu tiên đến bái kiến Hài Nhi. Thái độ của họ thật cung kính và xác tín. Tin Mừng thuật lại họ “quỳ gối xuống xụp lạy Hài Nhi”, dâng của lễ “vàng, nhũ hương và mộc dược”. Tất cả những cử chỉ ấy đều nói lên lòng tôn kính và thần phục. Vàng tuyên xưng Hài Nhi là vua, hương tôn vinh Hài Nhi là Chúa và mộc dược khẳng định nhân tính của Ngài. Hài Nhi Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, là Vua Cả sẽ mang lấy khổ đau để chuộc tội nhân loại.
Ánh sao chỉ đường
Các đạo sĩ sau khi đã hỏi cặn kẽ, lại “lên đường theo ánh sao chỉ lối”. Tri thức con người đã gặp được ánh sáng đức tin, họ đã đi tới đích khi nhìn thấy “ánh sao đậu xuống Hài Nhi”. Một lần nữa, chúng ta thấy sự phối hợp hài hòa giữa lý trí và đức tin, đúng như sách Châm ngôn đã nói thật là thấm thía: “Tâm trí con người nghĩ ra đường lối, còn Đức Chúa hướng dẫn từng bước đi” (Cn 16,9). Nói cách khác, “con người biết nhìn nhận đường lối của mình theo ánh sáng của lý trí, nhưng chỉ có thể chạy trên con đường ấy cách mau lẹ, cho đến cùng và không gặp trở ngại, nếu với lòng ngay thẳng, con người đặt việc khám phá của mình trong phối cảnh của đức tin. […] Như thế không thể có bất cứ một tương tranh nào giữa lý trí và đức tin: cả hai đều hội nhập vào nhau và mỗi thứ đều có lãnh vực hoạt động riêng”.
Ngược lại, lý trí không gặp đức tin thì dễ mù quáng. Sự lanh lợi quỷ quái của Hêrôđê, tri thức đầy mình của các kinh sư luật sĩ đã chẳng giúp họ gặp được Hài Nhi và vì thế mất đi cơ hội đón nhận mặt trời chân lý. Ánh sáng siêu nhiên, do đó, cần thiết biết bao và chúng ta có trách nhiệm tỏa chiếu ánh sáng ấy như những ánh sao giữa bầu trời đêm năm nào. Một ngôi sao không tỏa sáng thì mất đi ý nghĩa hiện hữu của mình. Thầy Chí Thánh đã từng nhắc nhở chúng ta là đèn không được đề dưới gầm giường (x. Lc 8,16-18)! Thánh Phaolô, Vị Tông Đồ dân ngoại, cũng kêu mời chúng ta “hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15).
*
* *
Như vậy, phụng vụ lễ Hiển Linh nhắc nhớ chúng ta về ý định cứu độ Chúa muốn dành cho muôn dân. Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho muôn dân và Ngài muốn chúng ta tiếp tục đường lối ấy. Mỗi người chúng ta là một vì sao và ơn gọi của các vì sao là phải tỏa sáng.
Ánh sáng đức tin cần phải được tiếp tục lan tỏa tới mọi tâm hồn và toàn thế giới. Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho một gia đình (tại tiệc cưới Cana), một dân tộc (tại sông Giođan) và muôn dân nước (trong lễ hiển linh). Chúng ta được mời gọi tiếp tục chiếu tỏa ánh sáng ấy trong gia đình, nơi làm việc và cho hàng tỷ anh chị em đang khát khao áng sáng chân lý và tình thương cứu độ.
Thiên Chúa đã tỏa sáng, chúng ta cũng hãy tỏa sáng!
ĐTC Gioan Phao lô II, Thông điệp Fides et Ratio (Đức Tin và Lý Trí), số 28.