Chúa Nhật IV Mùa Vọng năm B
2 Sm 7,1-5, 8b-12,14a,16; Rm 16,25-27; Lc 1,26-38
Chúng ta đã đi gần hết Mùa Vọng, Giáng Sinh đã gần kề. Bầu khí Noël đã tràn ngập đó đây. Mọi người nô nức đi mua sắm, trang trí, trang hoàng, trang điểm, tập luyện, dàn dựng… để chuẩn bị cho một lễ Noël rực rỡ nhất… Nhưng, đó mới chỉ là sự chuẩn bị bề ngoài, có thể là cần nhưng chưa đủ!
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về một sự chuẩn bị bề trong, chuẩn bị tâm hồn, chuẩn bị nội tâm để đón Chúa. Điều này cần thiết và quan trọng hơn, vì Chúa muốn giáng sinh trong tâm hồn chúng ta để ban bình an cho chúng ta và ngang qua chúng ta ban bình an cho mọi người.
Tâm hồn thánh thiện
Vua Đavít nghĩ đến việc xây đền thờ cho Đức Chúa, vì thấy thật là bất cân xứng khi mình ở trong cung điện bằng gỗ bá hương mà hòm bia Thiên Chúa lại ở trong lều vải! Nhưng Đức Chúa đã không chấp nhận điều này, vì chính Chúa mới xây nhà cho ông và vì bàn tay dính nhiều máu me tội lỗi của ông không còn xứng đáng để xây nhà cho Chúa.
Ngược lại, Mẹ Maria lại được Chúa đề nghị trở thành cung điện cho Ngôi Lời Thiên Chúa ngự đến. Mẹ là Hòm Bia của Giao Ước mới. Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, thành thai trong cung lòng thánh thiện vẹn tuyền vô nhiễm của Mẹ. Đây chính là đặc ân vô nhiễm nguyên tội mà Chúa ban cho Mẹ, nhưng cũng là nỗ lực phi thường Mẹ thực thi để cộng tác với ơn Chúa qua thái độ vâng phục đức tin.
“Để làm Mẹ Đấng Cứu độ, Đức Maria “đã được Chúa ban cho các hồng ân xứng với nhiệm vụ cao cả ấy”. Lúc Truyền tin, thiên thần Gabriel đã chào Mẹ là “người đầy ơn phúc”. Thật vậy, Mẹ cần được hướng dẫn hoàn toàn bởi ân sủng của Thiên Chúa, để có thể đáp lại lời loan báo ơn gọi của mình bằng sự ưng thuận tự do của đức tin.
Qua các thế kỷ, Hội Thánh đã ý thức rằng Đức Maria, vì được Thiên Chúa ban cho “đầy ơn phúc”, nên được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai.
Các Giáo phụ thuộc truyền thống Đông phương gọi Mẹ Thiên Chúa là Đấng Toàn Thánh (Panaghia) và tôn vinh Mẹ là “Đấng không hề vương nhiễm một vết nhơ tội lỗi nào, như thể một tạo vật mới được Chúa Thánh Thần nắn đúc và tạo dựng”. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Đức Maria suốt đời vẫn tinh tuyền không hề phạm một tội riêng nào.
Tâm hồn khiêm nhường
Thiên Chúa đã dạy cho Đavít bài học khiêm nhường, khi nhắc nhở ông về thân phận “chăn cừu” của ông xưa kia và sự thành công của ông hôm nay hoàn toàn là do một tay Chúa đỡ nâng hộ phù. Ông sẽ đứng vững khi cậy dựa vào sức mạnh của Chúa, điều ông đã có khi đối đầu với gã khổng lồ Goliad và các kẻ thù hùng mạnh… Vì thế, chìa khóa thành công của ông là khiêm nhường, là xác tín vào quyền năng và tình thương của Chúa: “Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng” (Đáp Ca: Tv 88,2a).
Mẹ Maria đã nêu gương về sự khiêm nhường. Mẹ xưng mình là “nừ tỳ hèn mọn”; Mẹ nhìn nhận mình là khí cụ ngoan ngùy trong tay Chúa, hoàn toàn để cho Chúa sử dụng và thực hiện thánh ý của Ngài trên cuộc đời Mẹ: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Lời “xin vâng” là một thái độ sẵn sàng thuận theo ý Chúa, thể hiện lòng tin mạnh mẽ và nội tâm khiêm nhường thẳm sâu của Mẹ. Đức Maria “trổi vượt giữa những người khiêm hạ và nghèo hèn của Chúa, những người hy vọng và đón nhận ơn cứu độ từ nơi Ngài với lòng tin tưởng” (LG 55, GLHTCG 489).
Tâm hồn tin phục
Trong bài đọc II, thánh Phaolô nói đến mầu nhiệm được giữ kín đời đời nay tỏ ra “cho muôn dân được biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa” (Rm 16,26). Mầu nhiệm ấy chính là Chúa Giêsu Kitô. Như vậy, để đón nhận Chúa Giêsu Kitô, việc rao giảng rất là quan trọng, nhưng thái độ tin phục cũng quan trọng không kém. Tin phục là sự “vâng phục trong đức tin” vào quyền năng và tình thương cứu độ của Chúa: Bằng đức tin, con người đem trí khôn và ý chí của mình quy phục Thiên Chúa cách trọn vẹn. Con người đặt trọn bản thân quy thuận Thiên Chúa, Đấng mạc khải. […] Vâng phục (ob-audire: nghe, lắng nghe) bằng đức tin là tự nguyện quy thuận lời đã nghe, bởi vì chân lý của lời đó được Thiên Chúa là chính Chân Lý, bảo đảm (GLGHCG, số 143-144).
Qua lời “xin vâng”, Đức Maria đã thể hiện sự tin phục cách trọn hảo (x. GLHTCG, số 144). Khi được sứ thần báo tin là mình sẽ hạ sinh “Con Đấng Tối Cao”, bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Maria tin chắc chắn rằng, đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được, nên với “sự vâng phục của đức tin”, Mẹ đã trả lời: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc l,37-38). Như vậy, khi nói lên sự ưng thuận của mình đối với lời Thiên Chúa, Đức Maria trở thành Mẹ Chúa Giêsu và với trọn tâm hồn, Mẹ chấp nhận ý định cứu độ của Thiên Chúa, mà không tội lỗi nào ngăn cản Mẹ, Mẹ tự hiến hoàn toàn cho con người và công trình của Con Mẹ, để, một cách tùy thuộc vào Người và cùng với Người, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Mẹ phục vụ mầu nhiệm Cứu Chuộc (GLHTCG, số 434).
***
Như thế, phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay làm sáng lên dung mạo của Đức Maria như là mẫu gương cho việc chuẩn bị đón chờ Chúa đến. Mẹ dạy ta đón chờ Chúa đến qua việc chuẩn bị tâm hồn thánh thiện, khiêm nhường và nhất là thái độ “vâng phục đức tin”.
Thánh Irênê nói: “Nhờ vâng phục, Đức Mẹ đã trở nên nguyên nhân ơn cứu độ cho chính mình và cho toàn thể nhân loại”. Từ đó, cùng với thánh nhân, nhiều Giáo phụ xưa cũng giảng dạy rằng: “Nút dây do sự bất tuân của bà Evà thắt lại, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria; điều mà trinh nữ Evà đã buộc lại do sự cứng lòng tin, Đức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ đức tin”; và so sánh với bà Evà, các ngài gọi Đức Maria là “Mẹ chúng sinh”, và rất thường quả quyết rằng: “Sự chết qua bà Evà, sự sống qua Đức Maria” (GLHTCG 494).
Ước gì, cùng với sự chuẩn bị rầm rộ đón Chúa bề ngoài, chúng ta cũng dành thời gian cho việc chuẩn bị bề trong như dọn mình xưng tội để tâm hồn thanh sạch; tĩnh tâm cầu nguyện để củng cố đức tin vào Chúa; hòa giải các bất đồng, thăm hỏi giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn để gia tăng lòng yêu mến phục vụ… Có như thế Chúa mới thực sự giáng sinh trong lòng ta và trong cuộc sống của những người quanh ta…