CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM A
Is 61,1-2a.10-11; 1Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-2
Hôm nay, chúng ta bước vào Chúa Nhật thứ III của Mùa Vọng - Chúa Nhật màu hồng, Chúa nhật của niềm vui. Các bài đọc đều diễn tả niềm vui hân hoan của dân Chúa, khi được nghe loan báo về ngày Ngôi Hai Con Thiên Chúa xuống thế gian và ở cùng nhân loại.
Sau khi nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người, nhưng đã hứa ban Lời Hứa Cứu Độ cho nhân loại. Để chuẩn bị cho Chúa đến, Thiên Chúa đã tuyển chọn một dân riêng để uốn nắn, dạy dỗ và chuẩn bị một dân xứng đáng cho ngày Con Thiên Chúa đến. Qua các thế hệ, cha ông của họ luôn mang trơng mình niềm khao khát và chờ đợi Chúa đến với lời khẩn cầu cấp thiết, nhất là khi dân Chúa rơi vào cảnh lầm than, khốn khổ. Họ mong chờ, hy vọng để được Chúa đến an ủi và giải thoát khỏi ách nô lệ lầm than khốn khổ. Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia đã gieo vào tâm hồn họ niềm vui ấy khi loan báo sự xuất hiện của Ngôi Lời Nhập Thể. Ngôn sứ không mô tả dáng vẻ bề ngoài của Thiên Chúa theo kiểu loài người, nhưng nhấn mạnh trên sứ vụ mà Thiên Chúa sẽ thực hiện là: loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn, chữa lành những tấm lòng tan nát, ân xá cho tù nhân, công bố năm hồng ân của Đức Chúa”. Niềm vui ấy còn được diễn tả bằng sự hăm hở và háo hức chờ đợi Chúa với niềm khao khát: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, tôi hớn hở biết bao, vì Người mặc chô tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh. Như chú rể, chỉnh tề khăn áo, như cô dâu lộng lẫy điểm trang”. Ngôn sứ Iasai đã dùng hình ảnh của cô dâu và chú rể, là hình ảnh tiêu biểu nhất của tình yêu và hạnh phúc, của niềm vui và sự sống; và mầu hồng là biểu tượng của niềm vui mừng ấy.
Và trong bài Tin Mừng: tuy thánh sử Gioan không nói ra, nhưng chúng ta có thể cảm nhận được niềm vui của ông Gioan Tẩy Giả. Khi được hỏi về mình: Ông là ai,? ông đã nói về mình một cách vui vẻ, thẳng thắn, công khai và đầy xác tín với mức độ của câu trả khác nhau: “Tôi không phải là Đấng Kito, Không phải, không”. Ba câu trả lời của Thánh Gioan cho thấy khi Đấng Cứu Thế xuất hiện, thì Gioan đã xoá mình đi, lui lại đàng sau với đúng vai trò và vị trí của một Tiền hô. Ngài ý thức mình chỉ là tiếng hô trong hoang địa, là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế Đến. Tin mừng hôm nay cũng cho chúng ta biết, Thánh Gioan không phải là ánh sáng mà chính là người làm chứng cho ánh sáng, qua ngài mọi người tin và nhận biết ánh sáng đích thực, Đấng là Mặt Trời Công Chính đến để sưởi ấm thế gian đang lầm than vất vả. Niềm vui mà Gioan nói về Đấng sẽ đến sau ngài cũng được diễn tả một cách đầy khiêm tốn và chắc chắn với lòng kính mến: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa, là người sửa đường mở lối cho Chúa đến. Tôi làm phép rửa trong nước, còn Đấng đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài.” Đó cũng chính là niềm vui và sự bình an đích thực mà thánh Gioan có được, vì ngài luôn đặt mình ở đúng vị trí của mình, Niềm vui ấy cũng còn được diễn tả qua sứ vụ mà ngài rao giảng trong vai trò là một Mc dẫn chương trình. Vui mừng khi nhân vật chính sắp bước ra sân khấu cũng là lúc người dẫn chương trình rút về hậu trường. Đối với dân chúng, khi nghe những lời rao giảng đó của Gioan, chắc hẳn mọi người đều cảm thấy vui mừng và háo hức, vì những gì cha ông họ chờ đợi, dân tộc họ chờ đợi đã sắp được thực hiện.
Biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người mà chúng ta sắp kỉ niệm, cũng chính là niềm vui của mỗi người kito hữu chúng ta. Qua những gì đang diễn ra, chúng ta thấy, không khí Noel đã và đang tràn ngập khắp mọi nơi trên thế giới, không phân biệt tôn giáo, hay thể chế chính trị; không phân biệt chủng tộc văn hoá, tất cả đang hoà chung nhịp đập của trái tim để hướng về ngày Lễ Giáng sinh. Niềm vui ấy cũng được thể hiện cách cụ thể trong từng thành viên của giáo xứ, các giáo họ, giáo Dâu của chúng ta, qua việc, trang trí những hang đá Belem, những cây thông, những ánh sao rực rỡ sắc màu. Đặc biệt niềm vui ấy được thể hiện qua tinh thần hiệp nhất và cộng tác với nhau, nên một với nhau trong Đức Kitô.
Chúng ta không chỉ vui mừng vào dịp Lễ Giáng Sinh, nhưng niềm vui ấy còn được kéo dài mỗi ngày qua việc cử hành phụng vụ, nhất là qua mỗi Thánh Lễ, vì ở đó chúng ta được kết hợp với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Như thế mỗi lần rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào trong tâm hồn là mỗi lần chúng ta được đón nhận Chúa Giáng Sinh vào chính nơi tâm hồn của mỗi người chúng ta. Đây cũng chính là niềm vui mà Thánh Phaolo đã khích lệ mỗi người chúng ta trong bài đọc II mà chúng ta vừa nghe: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để đón nhận Chúa là niềm vui và hạnh phúc đích thực đến trong cuộc đời của mỗi người chúng con. Amen.