Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm B
Is 63,16b-17.19b; 64,2b-7; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37
Chúng ta vừa kết thúc năm phụng vụ cũ để bước vào năm phụng vụ mới với Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. Theo chu kỳ của năm Phụng vụ, Giáo Hội chia phụng vụ Chúa Nhật thành ba năm A, B và C với mục đích để chúng ta có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn với các bản văn Tin Mừng của bốn thánh sử. Hôm nay, khởi đầu một năm phụng vụ mới với Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng Năm B, và cả trong năm phụng vụ này, Giáo hội sẽ cho chúng ta nghe nhiều về Tin mừng của Chúa theo thánh sử Mác-cô.
Như chúng ta đã biết, Muà vọng có hai đặc tính: thứ nhất là chuẩn bị chờ đón lễ Giáng sinh để mừng kỷ niệm biến cố Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất; thứ hai là hướng lòng trông đợi Đức Kitô sẽ đến lần thứ hai trong ngày quang lâm. Ngày nay, xem ra có lẽ mọi người thường nhấn mạnh vào đặc tính thứ nhất nhiều hơn. Qua truyền thông chúng ta thấy, đâu đó đã rộn ràng chuẩn bị những buổi hoan ca thật hoành tráng, trang trí những hang đá thật vĩ đại, dựng những cây thông Noel thật cao và thắp lên đó những ngọn đèn thật lung linh rực rỡ. Dường như ngày lễ Giáng sinh đã không còn là ngày lễ riêng của người Kitô hữu, nhưng đã trở thành ngày hội của cả nhân loại. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh như: Hang đá, cây thông, ông sao, hình ảnh Chúa Hài Đồng ở các siêu thị, các quán cà phê, các tiệm hàng tạp hóa… Có lẽ do con người ngày nay đang bị cuốn theo lối sống của nền kinh tế thị trường, tập trung vào những thứ hào nhoáng bên ngoài. Tất nhiên những việc chuẩn bị bề ngoài cũng là điều rất cần thiết, để cho thấy niềm vui hân hoan của ngày Mừng Con Chúa Giáng Sinh; nhưng bên cạnh đó, Giáo Hội mời gọi các kitô hữu chú ý đến đặc tính thứ hai của Mùa Vọng, là chuẩn bị tâm hồn, hoán cải đời sống cho xứng hợp để hướng về ngày Đức Kitô trở lại trong vinh quang. Có như vậy, thì ngày mừng lễ của chúng ta mới thực sự trở nên giá trị và có ý nghĩa. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn như thế nào?
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, mời gọi mỗi kitô hữu chuẩn bị tâm hồn bằng cách luôn tỉnh thức và sẵn sàng. Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia cho chúng ta biết, tỉnh thức là nhận ra tình trạng tội lỗi của mình. Sau thời lưu đầy tại Babylon, Dân Chúa hồi tưởng lại những năm tháng tủi nhục nơi đất khách quê người. Họ nhận ra lý do đã làm cho họ phải trải qua giai đoạn lịch sử đáng quên ấy, khi thốt lên: Tại chúng con lạc xa đường lối Ngài; lòng chúng con ra chai đá chẳng còn biết kính sợ Ngài; không có ai cầu khẩn danh Chúa, cũng chẳng ai tỉnh dậy mà níu lấy Ngài. Qua những năm tháng lưu đày khổ cực ấy, Israen ý thức rằng chỉ vì tình thương vô bờ bến của Chúa nên họ mới được giải thoát. Và khi đã hồi hương, những khó khăn mới lại nảy sinh, họ lại kêu xin Chúa xé trời mà ngự xuống giải cứu, vì bây giờ họ biết sám hối về mọi tội lỗi đã phạm và tin tưởng rằng: khi đi theo các đường lối của Thiên Chúa, thì họ sẽ được cứu thoát.
Còn trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta tỉnh thức vì tính chất bất ngờ của ngày Người trở lại, có thể là chập tối hay đêm khuya, lúc gà gáy hay tảng sáng. Tỉnh thức còn là việc chu toàn bổn phận của mình trong lúc hiện tại, nghĩa là sống trọn với những điều kiện và hoàn cảnh sống của giây phút hiện tại. Chúng ta không chờ thời cơ hay đòi hỏi điều kiện để thực hiện sứ mạng, nhưng cần tận dụng hoàn cảnh hiện tại để dấn thân mạnh mẽ và triệt để cho sứ vụ của mình. Tỉnh thức cũng còn là cách giúp chúng ta tỉnh táo để cảnh giác trước những cơn cám dỗ, mê lầm của tội lỗi, đồng thời giúp chúng ta luôn ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa, để qua đó xây dựng mối hiệp thông bền chặt với Thiên Chúa. Đó chính là lúc chúng ta được đón nhận kho tàng ân huệ về lời hứa cứu độ, mà Thánh Phaolo đã khích lệ các tín hữu ở Côrinto cũng như cho mỗi người chúng ta trong bài đọc thứ hai, khi Ngài nói: Chính Thiên Chúa sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế mà không ai có thể trách cứ được anh em trong ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Như vậy, sự gắn bó và hiệp thông với Chúa, chính là bảo chứng về đời sống vĩnh cửu cho mỗi người chúng ta.
Qua bài tin mừng hôm nay, mời gọi mỗi người chúng ta hãy luôn sống tỉnh thức và sẵn sàng trong sự hiệp thông với Thiên Chúa để được lãnh nhận ân huệ của Ngài. Cách hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa hơn cả là qua mỗi Thánh Lễ và qua Bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy chuẩn bị và gìn giữ tâm hồn của mình trong sạch để lãnh nhận Chúa Giêsu Thánh Thể vào trong tâm hồn. Đồng thời cũng sống hiệp thông với anh chị em xung quanh của mình bằng đời sống cởi mở, tha thứ và đón nhận nhau.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết đón nhận ánh sáng của Chúa bằng đời sống tỉnh thức và cầu nguyện hầu có thể xứng đáng đón Chúa ngự đến mỗi ngày trong tâm hồn chúng con mỗi khi chúng con tham dự Thánh Lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng con. Amen.